09/08/2023 05:10 GMT+7

Tin tức sáng 9-8: Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2024 thêm 11,34%; Xây ao trữ nước thiên tai

Tin tức đáng chú ý: Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2024 thêm 11,34%; Sẽ xây dựng gần 1.300 ao trữ nước cho vùng thiên tai; Hà Nội dự báo dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm...

Chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: BVCC

Chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: BVCC

Hà Nội dự báo dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm

Bốn tuần gần đây, toàn thành phố ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Cụ thể, mỗi tuần ghi nhận gần 500 ca mắc, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận hơn 2.750 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022, với 198 ổ dịch, chưa ghi nhận ca tử vong.

Hiện đang bước vào mùa mưa là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên theo CDC Hà Nội, một số địa phương thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra.

CDC Hà Nội cũng dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới do dịch đến sớm hơn so với hằng năm. Tại một số bệnh viện cũng ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết gia tăng. Tại Bệnh viện E, từ tháng 7 mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 người dân mắc sốt xuất huyết. Qua điều trị thực tế, các bác sĩ đã gặp các tình trạng bệnh diễn biến nặng như ho ra máu, tràn dịch màng phổi, tụt huyết áp,…

Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 120 trẻ mắc sốt xuất huyết. Trong đó, hơn 50 bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo, nhiều trẻ trong đó tái mắc bệnh.

Hội đồng Tiền lương quốc gia họp tăng lương tối thiểu vùng

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, ngày 9-8, Hội đồng Tiền lương quốc gia bước vào phiên họp chính thức đầu tiên thảo luận phương án lương tối thiểu vùng năm 2024. 

Thành viên chủ chốt của hội đồng gồm lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Công nhân sản xuất tại một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Bắc Ninh - Ảnh: HÀ QUÂN

Công nhân sản xuất tại một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Bắc Ninh - Ảnh: HÀ QUÂN

Trước đó, ngày 8-8, các công đoàn cơ sở kiến nghị để đảm bảo mức sống tối thiểu, mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024 đề xuất là 11,34%. Gần nhất, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1-7-2022. Cụ thể, vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4,42 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng. 

Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng, từ 3,43 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,25 triệu đồng/tháng.

TP.HCM: Thực hiện nghiêm bình ổn giá gạo, đảm bảo nguồn cung 

Ngày 8-8, Sở Công Thương TP.HCM ban hành văn bản yêu cầu về việc thực hiện nghiêm chương trình bình ổn thị trường mặt hàng gạo, đảm bảo đủ nguồn cung cho người tiêu dùng trong mọi tình huống.

Theo đó, văn bản nêu rõ trước diễn biến phức tạp của thị trường gạo thế giới hiện nay, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm các quy định hiện hành, đặc biệt quy định về cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. 

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP chủ động triển khai kế hoạch thu mua, dự trữ đảm bảo nguồn hàng cung ứng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, đảm bảo chất lượng an toàn và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố.

Thực hiện thu mua giao hàng theo tiến độ; cân đối nhằm đảm bảo nguồn cung, duy trì lượng hàng dự trữ… để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hệ thống đại lý, cửa hàng, mạng lưới phân phối trực thuộc, điểm bán bình ổn thị trường phải niêm yết giá và bán đúng giá quy định.

Các hệ thống phân phối hiện đại phải dự báo nhu cầu thị trường, có kế hoạch thu mua, dự trữ và kịp thời cung ứng mặt hàng gạo phục vụ trong mọi tình huống. Phối hợp với các doanh nghiệp bình ổn thị trường trên tinh thần hỗ trợ, chia sẻ, hợp tác và có kế hoạch giao nhận hàng dài hạn, ổn định.

Thu hoạch hồ tiêu tại Bình Phước - Ảnh: N.TRÍ

Thu hoạch hồ tiêu tại Bình Phước - Ảnh: N.TRÍ

Vẫn phát hiện chất cấm trên hạt tiêu

Ngày 8-8, tại hội thảo đánh giá về Hiệp định EVFTA - Cơ hội và Thách thức đối với sự phát triển bền vững ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết qua phân tích và kiểm định 284 mẫu hạt tiêu thu thập trong năm 2021 và 2022, có 38 hoạt chất được phát hiện.

Trong đó, các hoạt chất được phát hiện với tần suất cao gồm: chlorpyrifos ethyl (diệt sâu, mối, muỗi, giun); cypermethrin (diệt ruồi, muỗi, mối, kiến, gián); metalaxyl/metalaxyl-M (sum), metalaxyl (diệt nấm); imidacloprid (diệt côn trùng, mối mọt); carbendazim (diệt nấm)...

VPSA cho rằng có thể thấy đa phần các mẫu hạt tiêu bị dính các hoạt chất liên quan đến việc phòng trừ sâu bệnh và nấm hại trên cây. Trong đó một số hoạt chất đã được Việt Nam loại bỏ nhưng vẫn xuất hiện như carbendazim, chlorpyrifos ethyl. Điều này rất đáng lo ngại nếu người dân tiếp tục dùng thuốc bị cấm để chăm sóc hồ tiêu.

Theo VPSA, đến hết tháng 6-2023, Việt Nam xuất được 152.986 tấn hồ tiêu các loại; tổng kim ngạch đạt 485,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất tăng 21,8% nhưng kim ngạch giảm 14,6%. Nguyên nhân do giá xuất khẩu 6 tháng giảm với tiêu đen chỉ 3.484 USD/tấn, giảm 879 USD; 5.011 USD/tấn tiêu trắng, giảm 1.070 USD so với cùng kỳ.

Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu số 1 của hồ tiêu Việt Nam.

Từ nay đến 2026 xây dựng gần 1.300 ao trữ nước cho vùng thiên tai

Ngày 8-8, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đây là các công trình được thực hiện từ nguồn tài trợ của Quỹ Khí hậu xanh (GCF) thông qua dự án "tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ". 

Các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận là những địa bàn được hưởng lợi từ dự án này.

Các ao được thiết kế để có thể tích trữ hiệu quả nguồn nước mưa và nước mặt. Đồng thời cung cấp nguồn nước bền vững cho nông dân trong mùa khô hạn hằng năm tại địa phương, góp phần giảm đáng kể khả năng bị thiếu nước do hạn hán và tác động biến đổi khí hậu đang diễn ra thường xuyên trong vùng dự án.

Ao trữ nước được xây dựng có thể chống chịu tốt với các kịch bản khí hậu khác nhau, đảm bảo cung cấp nước và sử dụng tốt trong thời gian dài. Hiện đã có hơn 100 ao được xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu tích nước trong mùa mưa, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước cho nông dân ngay trong năm 2023.

Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 9-8. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 9-8. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức thời tiết ngày 9-8 - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tin tức thời tiết ngày 9-8 - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tin tức sáng 9-8: Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2024 thêm 11,34%; Xây ao trữ nước thiên tai - Ảnh 6.

Tin tức giá xe: Xe gầm cao giảm giá mạnh, kỷ lục gần nửa tỉ đồngTin tức giá xe: Xe gầm cao giảm giá mạnh, kỷ lục gần nửa tỉ đồng

Nhằm kích cầu sức mua thị trường ô tô Việt Nam, nhiều mẫu xe gầm cao được giảm giá sâu để vượt qua giai đoạn suy thoái.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên