Nguồn cung tăng, giá rau giảm mạnh
Ông Lưu Lập Đức - giám đốc Công ty Agri Đức Tiến (Lâm Đồng) - cho biết diện tích rau gieo trồng tăng mạnh ở nhiều tỉnh thành, thêm nắng ráo nên năng suất rau đang tăng cao, kéo giá nhiều loại rau giảm sâu so với trước Tết, đặc biệt rau ăn lá, khiến người trồng rau thua lỗ.
Với diện tích gần 4 sào, chị Đinh Thị Bích Liên (xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết đã thua lỗ triền miên từ đầu năm đến nay do giá cải ngọt, cải thìa, mồng tơi, cải xanh... bán ra chỉ quanh quẩn 1.500 - 3.000 đồng/kg tùy thời điểm, chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình năm ngoái. Giá thấp nhưng có thời điểm thương lái còn không mua nên nhiều nhà vườn đã cắt bỏ hàng tấn rau.
"Giá 4.000 đồng/kg nhà vườn mới bắt đầu có lãi, nên với năng suất 2 tấn/tháng, mỗi sào tôi thua lỗ 1-2 triệu đồng. Giá rau thấp kéo dài nên nhiều nhà vườn phải kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ", chị Liên nói.
Còn ngày cuối chuẩn hóa thông tin SIM điện thoại
Hôm nay 31-3 là ngày cuối cùng để các chủ thuê bao di động (SIM điện thoại) đi chuẩn hóa thông tin. Từ ngày mai, các SIM có thông tin không chính xác sẽ bị dừng hoạt động theo yêu cầu của Cục Viễn thông.
Theo đó, các nhà mạng bắt đầu khóa một chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó sẽ khóa thông tin hai chiều và sau hai tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu chủ thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.
ĐBSCL sẽ tăng khoảng 100.000ha diện tích tôm - lúa
Đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ngày 30-3 cho biết tổng diện tích nuôi theo mô hình tôm - lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện tại khoảng hơn 200.000ha. Định hướng giai đoạn 2025-2030 diện tích nuôi tôm - lúa khoảng 300.000ha.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025, theo đó sẽ tăng diện tích nuôi tôm lên khoảng 990.000ha từ khoảng 700.000ha của hiện nay.
Vì vậy, việc nuôi tôm phải có kỹ thuật và có mô hình liên kết tốt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy vấn đề này.
Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng gần 100%
Theo Tổng cục Hải quan, hai tháng đầu năm 2023, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam là 26.780, tăng tới 96,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong tháng 1 là 14.457, trị giá 315 triệu USD; trong tháng 2 là 12.358 chiếc, trị giá 259,8 triệu USD.
Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia, chiếm tới 88% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam (10.863 chiếc).
Bổ sung thêm bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH
Theo thông tư 02/2023/TT-BYT, từ ngày 1-4-2023, "bệnh COVID-19 nghề nghiệp" được bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Theo phụ lục thông tư, "bệnh COVID-19 nghề nghiệp" là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.
Nhóm người lao động thường gặp và tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 bao gồm: nhân viên y tế; người làm việc trực tiếp trong khu cách ly, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà; nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; sĩ quan, quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, công an và những người làm nghề khác được cử tham gia phòng chống dịch...
Chấm dứt tình trạng người bệnh phải đi mua thuốc, vật tư y tế ngoài bệnh viện
Đây là lưu ý của Bộ Y tế tại công văn số 1758/BYT-KCB, ngày 30-3, về việc thực hiện nghị quyết số 30/NQ-CP và nghị định số 07/2023/NĐ-CP nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện và sở y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế cho người bệnh; tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết số 30/NQ-CP và nghị định số 07/2023/NĐ-CP, báo cáo về Bộ Y tế để kịp thời giải quyết.
Những đơn vị có khó khăn, vướng mắc phải công khai, minh bạch với người bệnh, không để còn tình trạng người bệnh phải đi mua thuốc, vật tư y tế ngoài bệnh viện.
Việt Nam xuất khẩu thuốc và mỹ phẩm trị giá trên 500 triệu USD
Ngày 30-3, Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao tổ chức cuộc gặp gỡ giữa 15 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với 25 doanh nghiệp sản xuất thuốc và mỹ phẩm trong nước.
Việt Nam được xếp vào nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới. Ông Vũ Tuấn Cường, cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết hiện tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu thuốc đến Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Iran, Iraq, Mông Cổ, Afghanistan, Đức, Áo, Bỉ, Ý, Bulgaria, Moldova, Latvia, Ba Lan, Peru...
Về mỹ phẩm, thị trường xuất khẩu chính của mỹ phẩm Việt Nam là Nhật Bản (40%) và Đông Nam Á (25%).
Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu thuốc mới chỉ đạt khoảng 216 triệu USD, xuất khẩu mỹ phẩm đạt khoảng 302 triệu USD, còn thấp so với tiềm năng, mục tiêu của Việt Nam là nâng giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỉ USD.
Số ca mắc COVID-19 cao nhất trong hơn 1 tháng qua
Bộ Y tế cho biết ngày 30-3 cả nước ghi nhận 30 ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày thứ tư liên tiếp số ca mắc mới tăng.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.527.285 ca nhiễm, trong đó 10.614.956 bệnh nhân đã khỏi và 43.186 bệnh nhân tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận