Giá mít Thái đang ở mức cao - Ảnh: N.TRÍ
Giá mít Thái vượt mốc 50.000 đồng/kg
Theo thông tin từ nhiều nhà vườn khu vực miền Tây Nam Bộ, giá mít Thái hiện đã vượt mức 50.000 đồng/kg, tăng 3.000-4.000 đồng so với vài ngày trước và tăng gấp 4 lần so với khoảng 2,5-3 tháng trước đó.
Cụ thể, mít Thái tại nhiều tỉnh được các vựa lớn báo giá với mít loại 1 dao động 47.000 - 52.000 đồng/kg; loại 2 từ 40.000 - 46.000 đồng/kg, và loại 3 từ 25.000 - 40.000 đồng/kg. Trường hợp thương lái vào vườn mua mít sẽ có giá thấp hơn giá vựa khoảng 3.000 đồng/kg.
Nhiều hộ dân trồng mít cho hay giá mít Thái tăng chủ yếu do thời điểm mùa nghịch nên sản lượng thấp, trong khi đó nhu cầu thị trường còn cao, đặc biệt cần mít xuất qua Trung Quốc. Do đó có thể giá mít Thái sẽ tiếp tục còn ở mức cao trong thời gian tới.
2 hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trung du miền núi phía Bắc
Thủ tướng vừa thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm chủ tịch, nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu;
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng quyết định thành lập, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng.
Thành viên hội đồng có các bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương của các bộ và cơ quan ngang bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh thành.
Sản phẩm cao su được chế biến từ mủ cao su thiên nhiên - Ảnh: N.TRÍ
Trung Quốc chi tỉ USD nhập cao su của Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 986,49 ngàn tấn, trị giá 1,33 tỉ USD, tăng 0,3% về lượng, nhưng giảm 20,5% về trị giá so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, 7 tháng đầu năm, Trung Quốc đã chi hơn 1 tỉ USD để nhập 757.600 tấn cao su của Việt Nam, tăng 12% về lượng, nhưng giảm hơn 10% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai cho Trung Quốc, chỉ sau Thái Lan.
Sản lượng tăng nhưng giá trị xuất khẩu cao su giảm do giá xuất bình quân giảm. Trong đó, tháng 7-2023, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.306 USD/tấn, giảm 1,6% so với tháng 6-2023 nhưng giảm đến 19,6% so với tháng 7-2022.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su sang các thị trường phần lớn đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu cao su sang một thị trường chủ chốt vẫn tăng trưởng tốt về lượng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Hà Lan...
Sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng
Dự thảo sửa đổi chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm cho biết mức hỗ trợ kể trên để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo, sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu, điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí. Cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo năm học.
Đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí (đã hưởng chính sách nhưng không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; không đủ thời gian công tác; đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành khác) sẽ bị thu hồi kinh phí đã hỗ trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận