
Đoàn đại biểu TP.HCM tại một phiên thảo luận tổ góp ý dự án luật - Ảnh: BÁ SƠN
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân làm phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV TP.HCM
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV TP.HCM.
Theo đó, bà Nguyễn Trần Phượng Trân - đại biểu Quốc hội, thành ủy viên, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM - giữ chức vụ phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV TP.HCM.
Trước đó, bà Văn Thị Bạch Tuyết - trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM - giữ chức vụ này.
Nhiều bệnh nhân mắc áp xe gan do nhiễm ký sinh trùng
Ngày 20-2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết thời gian gần đây, khoa vi rút - ký sinh trùng của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân mắc áp xe gan do nhiễm ký sinh trùng.
Kết quả xét nghiệm cho thấy có bệnh nhân dương tính với ba loại ký sinh trùng, bao gồm sán lá gan lớn (Fasciola hepatica), sán dây chó (Toxocara canis) và giun lươn (Strongyloides stercoralis).
Bác sĩ Trần Duy Hưng, trưởng khoa vi rút - ký sinh trùng, cho biết: Khai thác bệnh sử của bệnh nhân cho thấy môi trường sống và thói quen sinh hoạt, ăn uống có vai trò quan trọng trong việc lây nhiễm bệnh.
Bác sĩ Hưng chia sẻ một số bệnh nhân khám gần đây các ổ áp xe đều có kích thước lớn, lên đến 38 x 26mm, rải rác trong gan. Nếu không được điều trị kịp thời, các ổ áp xe này có thể gây ra hàng loạt hậu quả nguy hiểm như: nhiễm trùng bội nhiễm, nhiễm trùng ổ bụng nếu áp xe vỡ vào ổ bụng; nhiễm trùng huyết nếu vi khuẩn từ ổ áp xe lan vào máu; suy gan, suy đa cơ quan nếu tổn thương gan nghiêm trọng và kéo dài.
Người dân cần ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn và đặc biệt hạn chế ăn đồ sống như rau sống, gỏi cá sống, thịt chua, nếu có sử dụng rau sống thì phải rửa thật kỹ bằng nước sạch và rửa dưới vòi nước.

Xâm nhập mặn mùa khô 2024-2025 có thể sẽ diễn ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm - Ảnh: CHÍ HẠNH
Xâm nhập mặn xu hướng tăng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2024 - 2025, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và tập trung từ tháng 2 đến tháng 4-2025.
Các đợt xâm nhập mặn khả năng đi sâu vào các cửa sông Cửu Long và tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh, nông nghiệp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương như Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau…
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng, dự báo độ mặn cao nhất trên sông Hậu tại huyện Trần Đề từ 23,8 - 25,8‰; trung tâm huyện Long Phú từ 19,7 - 21,7‰; Đại Ngãi (huyện Long Phú) từ 9,9 - 11,9‰; An Lạc Tây (huyện Kế Sách) từ 5,2 - 7,2‰.
Độ mặn cao nhất tại các trạm trên sông Hậu có khả năng xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 3-2025, duy trì dài ngày do thiếu hụt nước ngọt từ thượng nguồn (sông Mekong).
Trưởng phòng dự báo thủy văn Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Phùng Tiến Dũng cho biết xu thế xâm nhập mặn ở khu vực trên từ ngày 21 đến 28-2 sẽ tiếp tục giảm trong 2-3 ngày đầu tuần, sau đó tăng lại đến ngày cuối tuần.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức xấp xỉ và thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 2-2024.
Chiều sâu ranh mặn 4% trong thời kỳ này có khả năng như sau: Phạm vi xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 40-52km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 35-42km; sông Hàm Luông là 40-50km; sông Cổ Chiên là 35-42km; sông Hậu là 35-42km; sông Cái Lớn là 30-37km.
Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2024 - 2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020.
Điều chuyển Bệnh viện Đại học Y dược về Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội
Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở Thanh Xuân, Hà Nội, tiền thân là Bệnh viện Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng được điều chuyển nguyên trạng về Trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội theo quyết định của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo thông tin từ trường, đề án điều chuyển đã được khẩn trương triển khai, đúng tiến độ và đảm bảo duy trì các hoạt động khám chữa bệnh. Ngay sau khi điều chuyển, trường và bệnh viện đã khẩn trương khảo sát, xây dựng phương án cải tạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Việc điều chuyển nguyên trạng bệnh viện trực thuộc Trường đại học Y dược cũng giúp gắn kết chặt chẽ chức năng đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Bệnh viện Đại học Y dược là bệnh viện đa khoa hạng 1, hiện tại có 370 giường.
Trước khi được điều chuyển, thế mạnh nhất của bệnh viện là khám sức khỏe nghề nghiệp.

Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 21-2. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức thời tiết đáng chú ý hôm nay 21-2 - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận