Phạt một doanh nghiệp ở TP.HCM vì 'ém' bớt thông tin giao dịch với chủ tịch
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP xuất nhập khẩu Thiên Nam có địa chỉ tại quận 10, TP.HCM.
Thiên Nam bị xử phạt 92,5 triệu đồng do không công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023.
Công ty công bố thông tin không đúng thời hạn quyết định của hội đồng quản trị về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty.
Doanh nghiệp này còn bị phạt 60 triệu đồng do có hành vi công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật về báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2023.
Ngoài ra theo báo cáo tài chính quý 4-2023 cho thấy năm 2023, công ty phát sinh khoản phải thu khác với ông Nguyễn Quang Hòa, chủ tịch HĐQT.
Cụ thể phải thu khác đầu năm hơn 7,89 tỉ đồng, số dư cuối năm hơn 32,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, nội dung giao dịch này không được trình bày đầy đủ tại báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2023.
Doanh nghiệp của ông chủ khách sạn dát vàng khất nợ trái phiếu
Công ty cổ phần Đường Man vừa gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) báo cáo về việc chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu 6 tháng đầu năm 2024.
Theo tin tức, lô trái phiếu DMBOND2017 đã đến hạn thanh toán là ngày 28-2 và 31-5-2024 với tổng số tiền hơn 12 tỉ đồng.
Tuy nhiên công ty cho biết chưa thu xếp được đủ nguồn thanh toán theo kế hoạch. Do vậy, Đường Man xin lùi thời hạn thanh toán hai kỳ lãi này tới ngày 30-6-2025.
Đường Man là công ty nằm trong hệ sinh thái Hòa Bình Group của ông Nguyễn Hữu Đường (thường được gọi đại gia Đường "bia").
Vị đại gia này từng gây chú ý khi thông báo rao bán khách sạn dát vàng Dolce By Wyndham Ha Noi Golden Lake ở Giảng Võ, Hà Nội với giá khởi điểm 250 triệu USD. Sau đó ít lâu thì dừng bán khách sạn này.
Đất Xanh sẽ rót thêm tiền vào bất động sản Hà An
Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) vừa quyết định tăng số tiền dự kiến góp vào công ty con CTCP đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An lên gần 1.560 tỉ đồng trong tổng 1.800 tỉ đồng dự thu từ đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Thời gian dự kiến thực hiện từ quý 4-2024 đến hết năm 2025, sau khi công ty hoàn tất đợt chào bán. Tỉ lệ sở hữu tại công ty con vẫn sẽ giữ nguyên 99,99% vốn điều lệ.
Ngoài ra, số vốn còn lại sẽ góp thêm cho hai công ty của bất động sản Hà An là Hội An Invest và xây dựng - thương mại - dịch vụ Hà Thuận Hùng để thanh toán nợ trái phiếu và nợ vay tổ chức tín dụng.
Trong đó, DXG góp 802 tỉ đồng vào Hội An Invest để thanh toán gốc, lãi trái phiếu; góp 757 tỉ đồng vào xây dựng - thương mại - dịch vụ Hà Thuận Hùng để thanh toán gốc, lãi nợ vay tổ chức tín dụng.
Đề xuất nghệ thuật lân sư rồng TP.HCM là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị xem xét đưa di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật lân sư rồng TP.HCM vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trước đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Liên đoàn Lân sư rồng TP và các đơn vị liên quan thực hiện kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật lân sư rồng TP.HCM.
Nghệ thuật lân sư rồng là hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của người Hoa tại TP.HCM. Bên cạnh các yếu tố nghệ thuật, múa lân sư rồng còn mang ý nghĩa tâm linh và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Hoa.
Ba linh vật lân, sư, rồng đều mang tính thần thoại, đại diện cho mong ước thịnh vượng, may mắn, xua đuổi điềm xấu, thường được biểu diễn trong các lễ hội, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, ngày khai trường, động thổ…
TP.HCM có 141 vùng hạn chế khai thác nước ngầm
UBND TP.HCM đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục, bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, tại TP không có vùng cấm khai thác nước dưới đất theo Luật Tài nguyên nước 2023 và các nghị định liên quan.
TP.HCM xác định có 141 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, chia làm hai cấp độ:
- Vùng hạn chế 1 (135 vùng) bao gồm khu vực có nguy cơ sụt, lún đất và khu vực có nguồn nước ngầm có nguy cơ bị xâm nhập mặn.
- Vùng hạn chế 2 (6 vùng, tập trung ở TP Thủ Đức) gồm khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác nước ngầm.
Về các biện pháp hạn chế khai thác nước ngầm đối với những vùng này, UBND TP.HCM yêu cầu không chấp thuận việc đăng ký, cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác nước để xây dựng thêm công trình khai thác (trừ trường hợp khoan thay thế giếng thuộc công trình đã được cấp giấy phép theo quy định) và thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận