Khối ngoại bán ròng chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân "cân" thị trường
Báo cáo vừa công bố của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong nửa đầu năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đà rút ròng mạnh của khối ngoại theo xu thế chung của các thị trường cận biên và mới nổi.
Điều này bắt nguồn từ sự ngược pha về chính sách tiền tệ giữa Fed và phần lớn các ngân hàng trung ương khác trong nửa đầu năm. Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng và có dấu hiệu giảm phát kết hợp với việc lĩnh vực bất động sản tiếp tục dò đáy khiến cho niềm tin khối ngoại về tăng trưởng của các thị trường phát triển tại châu Á bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn là đối tượng mua ròng và là người chơi chính trên thị trường, trong bối cảnh lãi suất thấp.
Theo VDSC, sang quý 2, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều đợt biến động trong kênh 1.180 - 1.300 điểm do những cơn gió ngược như biến động nhân sự ở thượng tầng trung ương, áp lực của tỉ giá gia tăng và nợ xấu ngành ngân hàng chưa cho thấy tín hiệu suy giảm.
Tuy nhiên đà tăng vẫn được giữ vững dưới bệ đỡ của dòng tiền nội. Kết quả, VN-Index tăng 10,2% trong 6 tháng đầu năm nay và thuộc nhóm thị trường có hiệu suất tốt nhất toàn cầu và vượt trội hơn so với những thị trường cùng hạng cận biên và mới nổi.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM thu nộp ngân sách hơn 9,2 tỉ đồng trong tháng 7
Tin tức từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát thị trường trong tháng 7-2024, đơn vị kiểm tra xử lý 344 vụ, thu nộp ngân sách hơn 9,2 tỉ đồng.
Đơn vị đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 1 vụ có dấu hiệu phạm tội buôn lậu trị giá tang vật vi phạm khoảng 3,5 tỉ đồng và 1 vụ chuyển trả để xử lý hành chính.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng mạnh giám sát cửa hàng kinh doanh xăng dầu, kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định nếu có dấu hiệu vi phạm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng...
Thu hồi giấy phép vận tải của hàng loạt đơn vị ở TP.HCM
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải của hàng loạt đơn vị do vi phạm quy định hoạt động.
Cụ thể, trong tháng 8 có 23 đơn vị (công ty) bị thu hồi giấy phép. Tháng 7 và tháng 6 có 17 đơn vị bị thu hồi giấy phép. Các đơn vị này chủ yếu kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container, ô tô.
Các đơn vị bị thu hồi giấy phép do không kinh doanh vận tải trong thời hạn 6 tháng (kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh) hoặc ngừng kinh doanh vận tải trong thời gian 6 tháng liên tục.
Các đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm nộp lại giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô về Sở Giao thông vận tải trong thời hạn 7 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực. Danh sách bị thu hồi giấy phép xem tại đây.
Khuyến khích không tăng giá vé xe lễ 2-9
Theo bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), đợt nghỉ lễ 2-9 tới, lượng khách qua bến dự kiến hơn 48.000 lượt. Còn bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) dự kiến lượng khách khoảng 36.300 lượt khách.
Để đảm bảo phục vụ tốt người dân, các bến khuyến khích đơn vị vận tải không tăng giá vé dịp lễ. Trường hợp có điều chỉnh tăng giá cước để đảm bảo bù đắp chi phí khi quay vòng xe (không có khách) thì có thể tham khảo thời gian dự kiến điều chỉnh trong ngày 30, 31-8. Đồng thời giá cước điều chỉnh không vượt quá 40% giá so với ngày thường.
Doanh nghiệp phải niêm yết, bán đúng giá vé quy định. Bến đã đề xuất tạm ngưng bán vé và báo cáo cơ quan quản lý tuyến xử lý theo quy định nếu đơn vị vận tải bán không đúng giá niêm yết.
Đối với bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), lãnh đạo bến dự kiến sẽ phục vụ hơn 200.000 lượt khách. Từ ngày 30-8 đến ngày 3-9, bến mở bán vé ủy thác từ 5h đến 21h, doanh nghiệp tự bán vé 24/24 giờ. Ngoài ra vé được bán online trên website, qua tổng đài 19007373.
Cấm xe nhiều đường trung tâm TP.HCM 3 ngày cuối tuần
Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông báo luân phiên cấm xe đi vào nhiều đường khu vực trung tâm vào cuối tuần này. Cụ thể, kể từ 19h đến 22h ngày 15-8 và từ 17h30 đến 22h ngày 16, 17-8 cấm xe đi trên đường Nguyễn Huệ (đoạn từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng).
Lộ trình thay thế: Đường Lê Thánh Tôn - đường Đồng Khởi - đường Tôn Đức Thắng; đường Tôn Đức Thắng - đường Hàm Nghi - đường Pasteur - đường Lê Thánh Tôn.
Ngoài ra, kể từ 6h đến 9h ngày 17-8, cấm xe đi trên đường Nguyễn Huệ (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Lê Lợi).
Lộ trình thay thế: Đường Lê Thánh Tôn - đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - đường Lê Lợi - đường Nguyễn Huệ; đường Nguyễn Huệ - đường Lê Lợi - đường Pasteur - đường Lê Thánh Tôn.
Riêng tuyến đường Lê Lợi, sở cũng cấm xe đi vào làn ô tô trên tuyến Lê Lợi (đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến đường Hàm Nghi) trong khoảng thời gian từ 6h đến 11h ngày 18-8. Xe cộ đi vào làn xe hỗn hợp theo hướng dẫn.
Người dân cũng hạn chế đi vào đường Võ Thị Sáu (đoạn từ đường Trương Định đến đường Nguyễn Thông) và đường Bà Huyện Thanh Quan (đoạn từ đường Lý Chính Thắng đến đường Điện Biên Phủ) kể từ 8h đến 12h ngày 17-8.
Hà Nội đẩy mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm Tết Trung thu
Từ nay đến Tết Trung thu, các đoàn tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm đối với các khách sạn từ 3 sao trở lên trên địa bàn thành phố có sản xuất bánh Trung thu. Nội dung kiểm tra tập trung vào nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, chế biến, vệ sinh cá nhân và kiến thức người sản xuất bánh Trung thu.
Theo khuyến cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, để bảo đảm an toàn sức khỏe, người tiêu dùng tuyệt đối không mua các loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng trôi nổi, hàng "siêu rẻ" hay giảm giá trên mạng.
Khi mua bánh Trung thu nên quan sát sản phẩm bằng cảm quan như: bánh không bị biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, mốc và có mùi lạ... Khi mua về, người tiêu dùng cần bảo quản, sử dụng bánh theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận