
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về hồ sơ đề nghị sửa đổi Hiến pháp - Ảnh: Quochoi.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi Hiến pháp
Sáng nay 14-4, phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc. Phiên họp được tổ chức 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 14 đến 17-4 (dự phòng từ 18 đến 21-4). Đợt 2 từ ngày 22 đến sáng 28-4 (dự phòng chiều 28, 29-4).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc và cùng các phó chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.
Theo chương trình, vào buổi chiều ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính (thay thế nghị quyết 35/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030).
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Nhiều doanh nghiệp 'khất' nợ trái phiếu
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 31-3 có 1 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 500 tỉ đồng và 4 đợt phát hành ra công chúng trị giá 10.199 tỉ đồng trong tháng 3-2025.
Cũng trong tháng 3, các doanh nghiệp đã mua lại 5.430 tỉ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2024.
VBMA cho biết trong 9 tháng còn lại của năm 2025, ước tính sẽ có khoảng 172.963 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 93.483 tỉ đồng, tương đương 54%.
Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 5 mã trái phiếu chậm trả lãi 305 tỉ đồng và 2 mã chậm trả gốc 355 tỉ đồng trong tháng 3, theo VBMA tổng hợp.
Về kế hoạch phát hành sắp tới, có Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công chúng trong năm 2025 với tổng giá trị tối đa gần 500 tỉ đồng. Đây là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 1 năm và với mức lãi suất 9,5%/năm.
Ngoài ra, VietinBank cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công chúng đợt 2 trong quý 1 và 2 năm 2025 với tổng giá trị tối đa 4.000 tỉ đồng.
Nhiều người trưởng thành mắc sởi, đã có ca tử vong

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác sàng lọc, phân luồng, thu dung điều trị bệnh nhân sởi tại các bệnh viện ở Hà Nội hôm 27-3 - Ảnh: TTXVN
Theo Bộ Y tế, bệnh sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh sởi. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, thậm chí tử vong.
Hiện nay đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân sởi là người trưởng thành, có diễn biến nặng và đã có trường hợp tử vong.
Để giảm thiểu nguy cơ diễn biến nặng và tử vong liên quan đến bệnh sởi ở nhóm có nguy cơ cao diễn biến nặng liên quan đến sởi, Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế khuyến cáo như sau:
1. Người có nguy cơ cao (người có bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi), nhất là những người không rõ tiền sử tiêm chủng và chưa từng mắc sởi nên chủ động tiêm vắc xin phòng sởi.
2. Người có nguy cơ cao khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng của bệnh.
3. Hạn chế tiếp xúc với những trường hợp mắc sởi hoặc nghi mắc sởi, nếu bắt buộc phải tiếp xúc cần mang khẩu trang và vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với người bệnh.
4. Tăng cường vệ sinh thân thể, mũi họng, giữ ấm, nâng cao thể trạng để tăng cường sức đề kháng phòng bệnh sởi.
5. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ thông thoáng môi trường nơi làm việc, học tập, sinh hoạt; vệ sinh thường xuyên các bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc, học tập.
Thêm 23 phường, xã ở TP.HCM công bố hết dịch sởi
Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ngày 13-4 cho biết UBND TP đã ban hành quyết định công bố hết dịch sởi tại 23 phường, xã thuộc các quận Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú, Phú Nhuận, TP Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Cần Giờ.
Đây là đợt công bố thứ hai trong lộ trình kiểm soát và tiến tới kết thúc dịch sởi trên toàn thành phố.
Theo quyết định, các địa phương này đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định về công bố hết dịch như: không ghi nhận thêm ca mắc mới sau ít nhất 21 ngày liên tiếp và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch sởi.
Trước đó, 22 phường, xã ở TP.HCM cũng đã được công bố hết dịch sởi. Đây là kết quả tích cực từ sự chủ động trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi, kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, điều tra, xử lý dịch và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.
Tuy nhiên trong bối cảnh di biến động dân cư và tình hình dịch sởi vẫn còn diễn tiến tại các tỉnh thành trong khu vực, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân không lơ là, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em theo lịch.

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 14-4. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY.

Dự báo thời tiết hôm nay 14-4 tại các vùng miền.

Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận