
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: BVCC
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nhập viện khi đã có biến chứng phổi nặng, phải lọc máu và chạy ECMO. Sau 2 tuần điều trị, người bệnh đã không qua khỏi.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến hết ngày 20-3 cả nước ghi nhận rải rác 42.488 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố; 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Đa số trường hợp mắc bệnh ở nhóm trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi (72,7%).
Mặc dù chủ yếu ca mắc sởi thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên người lớn mắc sởi vẫn có nguy cơ chuyển nặng.
Theo thông tin từ Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận hàng trăm ca sởi ở người lớn. Mỗi ngày viện tiếp nhận 10-20 bệnh nhân là người lớn mắc sởi với các triệu chứng sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi.
Nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não - màng não.
Phần lớn đều chưa được tiêm phòng, hoặc trước có tiêm phòng sởi nhưng không tiêm nhắc lại. Các trường hợp mắc sởi thường từ 30 đến 50 tuổi và chủ quan không nghĩ là bản thân mắc sởi, nên khi vào viện thì bệnh đã nặng.
Sởi là bệnh có hệ số lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, dễ bùng phát trong cộng đồng nếu không được kiểm soát. Bởi vậy khi được chẩn đoán mắc sởi, người bệnh cần ngay lập tức được cách ly để điều trị, tránh lây cho các trường hợp khác.
Các ca mắc sởi có biến chứng như viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, tăng men gan, suy gan, suy đa phủ tạng phải lọc máu, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản… chiếm khoảng 5% trong số các bệnh nhân nhập viện.
Những trường hợp có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao hơn, dễ diễn tiến nặng phải can thiệp máy móc.
Về việc phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo sởi là một bệnh truyền nhiễm và có thể phòng chống được bằng việc tiêm vắc xin. Vắc xin sởi có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm cho trẻ từ 9 tháng, sau đó được tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi hoặc 2 tuổi.
Đối với người lớn, khi hệ miễn dịch giảm thì cũng cần được tiêm nhắc lại. Nếu chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng có thể tiêm nhắc lại bằng vắc xin sởi - quai bị - rubella (MMR).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận