Khai mạc phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Hôm nay 12-7 khai mạc phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phiên họp sẽ bế mạc ngày 14-7. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu khai mạc.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Về giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện nghị quyết liên tịch về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6-2023; nghe báo cáo về kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
7 nhóm hàng xuất khẩu kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 6-2023 có 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên.
Cụ thể gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ.
Đáng chú ý, 5/7 nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng dương so với tháng trước. Trong đó điện thoại và linh kiện đạt 4 tỉ USD, tăng 37,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 5 tỉ USD, tăng 13,2%; dệt may đạt 3 tỉ USD, tăng 4,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,17 tỉ USD, tăng 0,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 3,7%.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, dù có chiều hướng tăng trở lại trong tháng 6 nhưng tính chung 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Hết tháng 6, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 164,68 tỉ USD, giảm 12%.
Người nuôi gà công nghiệp lỗ 6.000 - 9.000 đồng/kg
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá bán gà công nghiệp (lông trắng) thấp hơn giá thành sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, giá gà xuất chuồng bình quân 6 tháng đầu năm khoảng 25.900 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất gà lông trắng 32.000 - 35.000 đồng/kg. Điều này khiến các doanh nghiệp chăn nuôi thua lỗ triền miên.
Trong khi đó, giá trứng gia cầm bình quân 6 tháng qua vẫn ổn định, trong đó trứng gà có giá 1.950 đồng/quả và trứng vịt trung bình 2.420 đồng/quả.
Ông Lê Văn Quyết, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho biết giá thức ăn chăn nuôi tăng đã đẩy giá thành chăn nuôi gà công nghiệp lên mức cao kỷ lục thời gian qua. Trong khi đó, cung cầu chênh lệch kéo giá gà ở mức thấp.
"Nguồn cung từ các trại nuôi hiện đã giảm nhưng do nguồn thịt gà nhập khẩu nhiều, trong khi thị trường tiêu thụ chậm, cung cầu chênh nhau dẫn đến giá gà được người nuôi bán ra thời gian qua quanh quẩn ở mức thấp", ông Quyết nêu lý do.
TP.HCM: Trẻ mắc tay chân miệng tiếp tục tăng
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bác sĩ Dư Tấn Quy, trưởng khoa nhiễm - thần kinh, cho hay hiện số trẻ mắc tay chân miệng nhập viện tăng gấp 3-4 lần so với 3 tuần trước và xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Hiện đơn vị này điều trị cho khoảng 200 trẻ mỗi ngày.
Tại khoa hồi sức tích cực - chống độc có 12 trẻ phải nằm hồi sức, trong đó 6 trẻ phải thở máy và 2 trẻ phải lọc máu. Trong khi đó khoa khám bệnh tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú cho khoảng 400 trẻ mắc tay chân miệng mỗi ngày.
Hiện bệnh viện đã mở rộng thêm một tầng lầu để khoa nhiễm - thần kinh tiếp nhận trẻ mắc bệnh điều trị nội trú; bổ sung nhân sự cho khoa nhiễm - thần kinh. Khoa hồi sức tích cực - chống độc cũng chuẩn bị 20 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bác sĩ Lê Thị Kim Ngọc, phó trưởng khoa nhi C, cho biết số ca mắc tay chân miệng nặng đang tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Khoa này có sức chứa 50 giường nhưng hiện tại đã có 40 ca bệnh độ 2a.
Một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh tay chân miệng năm nay tăng nhanh với nhiều ca bệnh nặng là do sự xuất hiện của chủng vi rút EV71.
Tin tức COVID-19: 47 ca mắc mới, không còn bệnh nhân nặng
Bộ Y tế cho biết ngày 11-7 ghi nhận 47 ca mắc COVID-19, tăng nhẹ so với ngày trước đó. Cả nước tiếp tục không còn bệnh nhân phải thở máy, oxy.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.621.143 ca nhiễm, trong đó 10.640.202 bệnh nhân khỏi, 43.206 trường hợp tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận