Máy bay Trung Quốc COMAC sắp trình diễn ở Tân Sơn Nhất
Trung Quốc lần đầu "trình làng" máy bay C919 ra trường quốc tế tại các sự kiện của Airshow 2024 ở Singapore, sau đó là Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh trong 4 ngày (từ 26-2 đến 29-2).
C919 và ARJ21 là 2 loại máy bay dân dụng đầu tiên tại Trung Quốc do COMAC thiết kế và chế tạo, trong đó ARJ21-700 là máy bay phản lực hai động cơ với tối đa 90 chỗ ngồi, còn C919 là máy bay chở khách thân hẹp với tối đa 192 chỗ ngồi.
C919 có chiều dài gần 39m, sức chứa tối đa 192 hành khách, tầm bay tối đa 4.075km. Theo những hình ảnh công bố trước đó, máy bay C919 có cấu hình ghế tương tự các mẫu Boeing 737 Max và Airbus A320/321 với một lối đi ở giữa và hai hàng ghế (mỗi bên 3 chiếc). C919 có tham vọng sẽ cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus 320.
Theo các doanh nghiệp hàng không, máy bay này đang di chuyển từ Vân Đồn đến các địa điểm như Côn Đảo, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng. Việc trình diễn loại máy bay này của Trung Quốc tại Việt Nam, các hãng bay nội địa đang xem xét phương án hiệu quả, đánh giá tầm hoạt động của cặp máy bay C19 và ARJ21 để xem xét đầu tư, vận hành.
Số trẻ được sinh ra đủ ngày tháng bị dị tật ngày càng ít
Theo giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, nhờ chương trình sàng lọc tiền sản mà số trẻ được sinh ra đủ ngày tháng có dị tật ngày càng ít và những dị tật này có thể sửa chữa được.
Cụ thể, khoảng 20 - 30 năm trước, khi chưa có chương trình sàng lọc tiền sản, mỗi năm Bệnh viện Hùng Vương ghi nhận 200 - 300 trẻ sinh ra đủ ngày tháng có bất thường, bị dị tật bẩm sinh.
Từ khi phát triển chương trình này, hiện mỗi năm có khoảng 100 trẻ có dị tật. Đa phần những dị tật này có thể sửa chữa được, đã được phát hiện dị tật trong quá trình tầm soát tiền sản, hội chẩn và xác định có thể sửa chữa sau sinh.
"Chương trình sàng lọc tiền sản phát hiện sớm những thai dị tật bẩm sinh, đặc biệt là đa dị tật để có các can thiệp như chấm dứt thai kỳ sớm, giảm ảnh hưởng tâm lý thai phụ, giảm thời gian mang nặng đẻ đau". PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, đã cho biết như vậy tại lễ ký biên bản ghi nhớ dự án hợp tác tầm soát bệnh lý thai kỳ với Gene Solutions Lab.
Ống thép Việt vào chuỗi bán lẻ Nhật Bản
Ống thép do Công ty Hòa Phát sản xuất tại Việt Nam lần đầu "lên kệ" chuỗi hệ thống bán lẻ 1.200 cửa hàng ở Nhật Bản.
Ống thép xuất sang Nhật Bản được bán theo hình thức "Diy", nghĩa là sản phẩm tới tận tay người dân. Người tiêu dùng Nhật sẽ mua ống thép để ứng dụng vào nhiều việc khác nhau như: làm giàn giáo trồng cây, giá kệ chứa gỗ, làm nhà để xe, sản phẩm gia dụng…
Để thâm nhập được vào thị trường này, sản phẩm ống thép đã đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng về độ chịu lực và ăn mòn, kháng thời tiết cao, đặc biệt là khí hậu lạnh của Nhật Bản. Sản phẩm được ứng dụng cho cả các sản phẩm ngoài trời trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
"Dự kiến trong thời gian tới, đối tác Nhật Bản sẽ sang Việt Nam trao đổi về các đơn hàng cho năm 2024 và có kế hoạch tiếp tục nhập thêm các dòng sản phẩm khác sau đơn hàng này" - đại diện Hòa Phát thông tin.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1-2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 2,2 tỉ USD, tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước đó.
Ra mắt cuốn sách hiếm hoi về "bệnh da hiếm gặp"
Sách do GS.TS Trần Hậu Khang, chuyên gia hàng đầu ngành da liễu ở Việt Nam viết, là tài liệu y khoa có giá trị của chuyên ngành da liễu Việt Nam cũng như thế giới, do đây là cuốn sách hiếm hoi viết về đề tài này cả trong và ngoài nước.
Sách tập hợp các kiến thức, bằng chứng y khoa, quan sát lâm sàng, thông tin về điều trị 50 bệnh da liễu hiếm gặp, đúc kết từ hơn 40 năm làm nghề thầy thuốc da liễu của GS Khang. Trong số này có những căn bệnh vẫn còn là bí ẩn.
Theo ông Trần Hậu Khang, toàn bộ tiền bán sách thu được sẽ được dành tặng cho Hội bệnh nhân vảy nến Việt Nam, Hội bệnh nhân Lupus ban đỏ Việt Nam và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận