Hình ảnh Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 17-6, đăng tải trên tài khoản Twitter của ông Johnson
* Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bất ngờ có chuyến thăm Kiev ngày 17-6, ngay sau chuyến thăm của các lãnh đạo Pháp, Đức, Ý. Đây là chuyến thăm Ukraine lần thứ hai của ông Johnson kể từ khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ngày 24-2.
Trong thông cáo phát đi sau đó, ông Johnson nói: "Chuyến thăm ngày hôm nay của tôi là nhằm gửi một thông điệp đơn giản và rõ ràng đến nhân dân Ukraine: nước Anh ở bên cạnh các bạn, và chúng tôi sẽ ở bên cạnh cho đến khi các bạn giành chiến thắng".
* Ngày 17-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Saint Petersburg 2022 (SPIEF 2022). Bài phát biểu đề cập nhiều thách thức quan trọng đối với nước Nga và nền kinh tế thế giới, trong đó nhà lãnh đạo nhấn mạnh Nga phải bảo vệ chủ quyền chính trị và độc lập kinh tế của mình.
Đề cập tới Liên minh châu Âu (EU), nhà lãnh đạo Nga cho rằng khối này đã mất đi “chủ quyền chính trị” của mình. Theo ông, EU đã đi theo con đường dẫn tới chủ nghĩa cấp tiến và sự biến đổi của giới tinh hoa, tình trạng lạm phát và bất bình đẳng gia tăng.
Tổng thống Putin cũng chỉ trích phương Tây vì đã đổ lỗi cho cá nhân ông gây ra khó khăn kinh tế và nhấn mạnh hành động của Nga ở Ukraine không liên quan tới tình trạng lạm phát cao ở các nước phát triển.
* Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) tổ chức ở thành phố Saint Petersburg (Nga) ngày 16-6, Phó thủ tướng Alexander Novak giải thích việc giá dầu tăng cao kỷ lục và lạm phát phi mã hiện nay là do "kế hoạch an ninh năng lượng yếu kém" tại Mỹ và châu Âu.
Ông dự báo kế hoạch giảm nhập khẩu dầu mỏ của Nga có thể dẫn tới khan hiếm các sản phẩm dầu trên thị trường châu Âu, và châu Âu sẽ phải trả thêm 400 tỉ USD vì giá năng lượng tăng và có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm các sản phẩm dầu mỏ.
Phó thủ tướng Novak cho biết Nga có thể chuyển xuất khẩu năng lượng từ các khách hàng châu Âu để hướng đến các nước như Trung Quốc và Ấn Độ nhằm bù đắp những thiệt hại về doanh số bán dầu cho châu Âu.
Bà Tinatin Kandelaki - phó tổng giám đốc của Gazprom-Media Holding - tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) ngày 16-6 - Ảnh: REUTERS
* Trong buổi điều trần công khai ngày 16-6, Ủy ban điều tra về vụ tấn công Đồi Capitol đã công bố nhiều chi tiết về những thúc ép của cựu tổng thống Donald Trump với cấp phó Mike Pence để ngăn cản việc xác nhận chiến thắng sau khi kiểm phiếu cho ông Joe Biden.
Sau cuộc điều tra kéo dài gần 1 năm, nhóm các nghị sĩ trong ủy ban này tìm cách chứng minh rằng việc ông Trump cương quyết từ chối kết quả bầu cử tháng 11-2020 không chỉ là chuyện tức giận tức thì của kẻ thua cuộc, mà là chiến lược có suy tính để giữ quyền lực.
* Nga thông báo đang tạo điều kiện cho việc xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu từ Ukraine thông qua các điểm trung chuyển do Nga nắm giữ trên biển Azov. Hãng tin Reuters ngày 16-6, dẫn lời Phó thủ tướng Nga Viktoria Abramchenko, cho biết Matxcơva đang đảm bảo một "hành lang xanh" cho các loại ngũ cốc và thực phẩm xuất khẩu khác của Ukraine.
Còn Hãng tin Interfax dẫn lời ông Denis Pushilin, một lãnh đạo lực lượng ly khai ở Donetsk, khẳng định các chuyến tàu chở ngũ cốc và thép sẽ sớm rời cảng Mariupol và có thể đến Trung Đông. Mariupol là thành phố cảng nằm ở phía nam Ukraine và hiện đang do Nga kiểm soát.
Chứng khoán toàn cầu sụt giảm trong ngày 16-6 khi hàng loạt ngân hàng trung ương từ Mỹ đến châu Âu nâng lãi suất để đối phó với lạm phát. Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 2,5%, S&P 500 giảm 3,3% trong khi Nasdaq mất đến 4,1%. Đây đều là mốc thấp nhất của cả 3 chỉ số trong 1,5 năm qua. Tại châu Âu, chỉ số STOXX 600 giảm 2,4%, còn chỉ số FTSE 100 của Anh tụt 3,14% sau khi ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm.
Giá dầu giảm sau khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt Iran nhưng đã tăng trở lại sau đó, theo Hãng tin Reuters. Giá dầu thô tại Mỹ tăng 1,45% lên 116,98 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent nhích nhẹ 0,57% lên 119,19 USD/thùng. Đồng USD mạnh lên cũng đẩy giá vàng lên 1.854 USD/ounce, tăng 1,2%.
Các lãnh đạo Đức, Pháp, Ukraine, Ý và Romania họp báo tại thủ đô Kiev của Ukraine ngày 16-6 - Ảnh: REUTERS
* Lãnh đạo 4 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang có mặt tại thủ đô Kiev của Ukraine ủng hộ ý tưởng "ngay lập tức" trao quy chế ứng cử viên EU cho Ukraine.
"Cả bốn chúng tôi ủng hộ trao quy chế ứng cử viên EU ngay lập tức cho Ukraine", Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại họp báo cùng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Romania Klaus Iohannis. Ông Macron cũng thông báo Pháp sẽ tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine.
Ủy ban châu Âu dự kiến họp vào ngày hôm nay 17-6 để thảo luận về vấn đề này. Sau khi trở thành ứng viên, Ukraine có thể mất nhiều năm để đáp ứng các tiêu chí để trở thành thành viên của EU.
* Ngày 16-6, Mỹ kêu gọi Nga đối xử nhân đạo như tù binh chiến tranh đối với các công dân Mỹ bị bắt giữ khi tham gia chiến đấu tại Ukraine. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, 2 công dân nước này đã bị bắt trong tuần qua và 1 người khác mất tích.
* Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố liên minh quân sự này sẽ tăng cường các đơn vị chiến đấu dọc sườn phía đông của khối.
Tại buổi họp báo sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO (dự kiến sẽ diễn ra ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha từ ngày 29 đến 30-6), ông Stoltenberg cho biết: "Biện pháp này có nghĩa là sẽ có thêm nhiều đội hình tác chiến được NATO triển khai để tăng cường cho các đơn vị chiến đấu của chúng ta ở sườn phía đông của liên minh. Sẽ có thêm nhiều hệ thống phòng thủ trên không, trên biển và trên không gian mạng, cũng như các kho dự trữ vũ khí và thiết bị được thiết lập sẵn".
Theo ông Stoltenberg, các bộ trưởng quốc phòng NATO cũng thảo luận về chủ đề phân bổ nguồn lực. Đầu tư quốc phòng đã tăng lên tại tất cả các quốc gia thành viên ở châu Âu và Canada trong 7 năm liên tiếp.
* Một nhóm thành viên của Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Cuba để hỗ trợ phân phối vắc xin COVID-19 của nước này trên toàn thế giới. Các nghị sĩ kêu gọi đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ không cản trở những nỗ lực hiện tại hoặc tương lai của Cuba trong công tác chia sẻ vắc xin COVID-19.
Nhiều quốc gia có thu nhập thấp không đủ khả năng mua vắc xin, hoặc những nơi có điều kiện khó khăn trong công tác phân phối rộng rãi vắc xin, chẳng hạn như quy trình bảo quản lạnh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS
* Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định suy thoái không phải là điều "không thể tránh khỏi". "Chúng ta ở vị thế mạnh hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới để vượt qua đợt lạm phát này", ông Biden trả lời phỏng vấn với Hãng tin AP.
Ngày 15-6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nâng lãi suất vay thêm 0,75%, cao nhất kể từ năm 1994, để đối phó với lạm phát, nhưng cũng làm gia tăng lo ngại kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh cứng" và rơi vào suy thoái.
* Công ty Tesla đã tăng giá một số sản phẩm thêm từ 3.000 - 5.000 USD do chi phí cung ứng tăng vọt và tỉ lệ lạm phát cao ở Mỹ. Lạm phát ở Mỹ lên đến mức kỷ lục và chi phí nguyên liệu phục vụ sản xuất phương tiện giao thông trở nên đắt đỏ hơn. Các sản phẩm như nhôm và lithium, là một phần của pin xe điện, đều tăng giá.
Hồi đầu năm 2022, giám đốc điều hành Tesla, tỉ phú Elon Musk cho biết giá lithium đã tăng rất mạnh và công ty thực sự có thể phải tham gia trực tiếp vào quá trình khai thác và tinh chế trên quy mô lớn, nếu chi phí không được cải thiện. Đầu năm nay, Tesla đã tăng giá các mẫu xe của hãng tới 2 lần trong một tuần.
Cưỡi lạc đà dạo biển
Các em nhỏ người Palestine đang cưỡi lạc đà đi dọc theo bãi biển ở thị trấn Rafah, phía nam Dải Gaza. Nơi đây vẫn thường diễn ra những cuộc đua ngựa, đua lạc đà truyền thống của người dân địa phương. (AFP)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận