Người dân Sri Lanka xếp hàng chờ mua xăng ở thủ đô Colombo ngày 16-5 - Ảnh: REUTERS
* Tân Thủ tướng Ranil Wickremesinghe của Sri Lanka cho biết nước này đã xài đến những giọt xăng cuối cùng và kêu gọi người dân đừng xếp hàng chờ mua nhiên liệu.
"Hiện tại, chúng ta chỉ còn đủ xăng cho 1 ngày nữa. Những tháng sắp tới sẽ là thời gian khó khăn nhất cho chúng ta. Chúng ta phải chuẩn bị hy sinh và đối mặt với những thách thức trong giai đoạn này", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Wickremesinghe nói.
Dự kiến, một lượng dầu diesel và xăng mua bằng tín dụng của Ấn Độ sẽ đến Sri Lanka trong vài ngày tới.
Tuy nhiên, ông Wickremesinghe cho biết nước này còn thiếu 14 loại thuốc thiết yếu. Thủ tướng Sri Lanka cho biết đang cần khẩn cấp 75 triệu USD để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.
* Người đứng đầu chính sách đối ngoại châu Âu, ông Josep Borrell, cho biết các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) không thể thuyết phục được Hungary tham gia cấm vận dầu mỏ Nga ngày 16-5.
Theo Hãng tin Reuters, Hungary muốn được hỗ trợ hàng trăm triệu USD từ EU để bù đắp cho việc ngưng nhập khẩu dầu từ Nga. Các nước trong khối dự kiến sẽ tiếp tục bàn thảo về vấn đề này tại cuộc họp thượng đỉnh ngày 30-5, trong đó sẽ bao gồm đề xuất kéo dài giai đoạn chuyển đổi cho các nước Hungary, Slovakia và CH Czech. Biện pháp cấm vận của EU sẽ cần sự đồng thuận của tất cả 27 thành viên trong khối.
Chứng khoán tại Mỹ dao động trước nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái. Ngày 16-5, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 0,08% trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,39% và chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,2%. Tại châu Âu, chỉ số STOXX 600 hầu như không đổi, tăng 0,04%.
Giá vàng tăng nhẹ 0,3% ở thị trường Mỹ, đạt mức 1.814 USD/ounce. Trong khi đó, giá dầu thô cũng tăng khi EU bàn tính việc cấm nhập khẩu dầu thô của Nga và nguy cơ dịch COVID-19 tại Trung Quốc giảm. Giá dầu tại thị trường Mỹ tăng 3,71 USD lên mức 114,2 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 2,69 USD lên 114,24 USD/thùng. Giá tiền ảo bitcoin giảm 5,21% xuống còn 29.664 USD/bitcoin, theo Reuters.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson thông báo quyết định gia nhập NATO tại cuộc họp báo ngày 16-5 - Ảnh: REUTERS
* Chính phủ Thụy Điển quyết định chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong vài ngày tới, theo bước nước láng giềng Phần Lan. Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố: "Có đa số (nghị sĩ) trong Quốc hội ủng hộ việc gia nhập NATO" sau cuộc tranh luận về chính sách an ninh.
Trước đó, ngày 15-5, Phần Lan đã chính thức công bố ý định gia nhập NATO. Phần Lan và Thụy Điển được cho là chuẩn bị nộp đơn gia nhập liên minh quân sự NATO trong tuần này. Ngày 16-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định việc Phần Lan và Thụy Điển quyết định tham gia NATO không phải là mối đe dọa trực tiếp với Nga, song cảnh báo việc khối này mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ của hai nước trên sẽ buộc Matxcơva phải có phản ứng.
Trong phản ứng sau đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói ông không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, trong khi Pháp, Anh, Canada tuyên bố ủng hộ 2 nước Bắc Âu này.
* Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm Bộ trưởng Lao động Elisabeth Borne làm tân thủ tướng nước này, người phụ nữ đầu tiên nắm giữ cương vị thủ tướng kể từ năm 1992.
Tân Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne vẫy chào tại buổi lễ chuyển giao tại Paris sau khi được bổ nhiệm - Ảnh: REUTERS
Trong phát biểu sau khi được bổ nhiệm, bà Borne đã đề cập tới một số ưu tiên trong chính sách sắp tới, như về thương mại hay chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, bà cũng muốn truyền cảm hứng cho tất cả trẻ em gái sống theo đuổi ước mơ của mình.
Trước đó, Thủ tướng Pháp Jean Castex đã nộp đơn xin từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron. Động thái của ông Castex đã mở đường cho một cuộc cải tổ nội các được trông đợi từ lâu của Tổng thống Macron, người sau khi tái đắc cử vào tháng 4-2022 đã nói rằng chính phủ mới nên mang tính "tập trung" hơn, với ít bộ trưởng hơn.
* Hơn 260 binh sĩ Ukraine, trong đó có 53 người bị thương, đã được sơ tán khỏi khu ngầm của tổ hợp nhà máy thép Azovstal, theo thông tin từ thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, bà Ganna Malyar.
Trong ngày 16-5, có 53 binh sĩ bị thương nặng đã được đưa khỏi cứ điểm kháng cự cuối cùng ở thành phố Mariupol để đến Novoazovsk để được chăm sóc y tế, và 211 binh sĩ khác được đưa đến Olenivka thông qua hành lang nhân đạo.
Trong bản phát biểu bằng video phát trên mạng xã hội, bà Malyar cho biết hai địa điểm nêu trên là khu vực hiện do lực lượng Nga và thân Nga kiểm soát nên có thể xem như các binh sĩ trên là tù nhân và sẽ được trao đổi sắp tới.
* Ngày 17-5, Triều Tiên cho biết có thêm 6 người tử vong và 270.000 người bị "sốt" giữa lúc dịch COVID-19 đang bùng phát tại nước này. Tổng số ca tử vong ở nước này tính đến tối ngày 16-5 là 56 trong khi tổng số ca sốt là 1,48 triệu ca.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), quân đội Triều Tiên đã "triển khai khẩn cấp các lực lượng mạnh mẽ đến tất cả nhà thuốc ở Bình Nhưỡng và bắt đầu phân phối thuốc". Trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã yêu cầu các quan chức ổn định nguồn cung thuốc men và huy động quân đội tham gia bình ổn thuốc.
Các hành vi chống lại cộng đồng LGBT đa phần xảy ra tại khu vực đô thị - Ảnh: INGRAM
* Đơn kiện chống lại những hành vi tấn công tội ác và phạm tội với những người thuộc cộng đồng LGBT+ đã tăng 28% tại Pháp trong năm 2021 so với năm trước, theo số liệu mới được Bộ Nội vụ nước này công bố ngày 16-5. LGBT là cộng đồng của những người có xu hướng tính dục cũng như bản dạng giới khác với những người có xu hướng tính dục và bản dạng giới thông thường.
Tổng cộng đã có 2.170 vụ việc được lực lượng chức năng ghi nhận trong năm 2021. Còn nếu so với hồi năm 2019 (tức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19) thì mức tăng chỉ là 12%. Xét trong 5 năm (2016-2021), số hành vi chống người thuộc cộng đồng LGBT+ đã tăng gấp đôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận