Nhân viên y tế phường 7, quận Phú Nhuận thăm khám và phát thuốc cho các F0 cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Qua thực hiện xét nghiệm nhanh tầm soát đã phát hiện 3.918 người có kết quả dương tính và kịp thời được điều trị ngay với thuốc kháng virus (Molnupiravir).
Các quận, huyện đang tiếp tục khẩn trương triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ theo kế hoạch và tiếp tục cho uống ngay liều kháng virus khi phát hiện ra ca F0. Ngoài ra, trong 15 ngày đầu chiến dịch, TP còn phát hiện 24.420 người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vắc xin (chiếm tỉ lệ 4,2%).
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 diễn ra chiều ngày 23-12, ông Phạm Đức Hải - phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 - cho biết TP sẽ không bắn pháo hoa vào Tết dương lịch, đồng thời đề nghị người dân đảm bảo 5K khi vui chơi Giáng sinh và Tết dương lịch.
Với kế hoạch tổ chức các hoạt động đón năm mới 2022 đã được ban hành, nếu dịch tại TP đạt cấp độ 3 - 4, UBND TP.HCM yêu cầu các sở ban ngành, đoàn thể và TP Thủ Đức, các quận huyện xây dựng kế hoạch tổ chức, chủ động giảm quy mô hoặc tạm dừng tổ chức các sự kiện, điều chỉnh các phương án phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch.
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, biến chủng Omicron đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới, TP.HCM luôn trong tâm thế như "đã xuất hiện biến chủng mới".
HCDC khuyên người dân cần thực hiện tốt nhất có thể các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là biện pháp 5K, cố gắng thực hiện các thói quen tốt như đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên hơn, giảm bớt việc tụ tập, ngồi với khoảng cách gần để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Tối 23-12, Thủ tướng cũng có công điện yêu cầu trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, chủ tịch UBND các tỉnh thành chỉ đạo và tổ chức việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nhanh hơn nữa.
Chậm nhất ngày 31-12-2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định), không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 - 18 tuổi trong tháng 1-2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1-2022.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TP.HCM và các tỉnh phía Nam gặp khó khăn về oxy cho điều trị bệnh nhân COVID-19
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có công điện gửi các bộ ngành, UBND tỉnh thành, cho biết tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm, ca chuyển nặng, ca tử vong vẫn có xu hướng tăng.
Đặc biệt, những ngày gần đây, tại TP.HCM và một số địa phương phía Nam gặp khó khăn trong đảm bảo oxy phục vụ công tác điều trị.
Yêu cầu Bộ Y tế, các bộ ngành, UBND tỉnh thành tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, không để tình trạng quá tải y tế trên diện rộng.
Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và UBND các tỉnh thành có giải pháp cụ thể để bảo đảm nguồn oxy phục vụ điều trị trong các tình huống. Trước mắt, chỉ đạo giải quyết ngay đối với địa bàn TP.HCM và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) được tiêm vắc xin mũi 2 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Hà Nội được phân bổ 200.000 viên thuốc kháng virus Molnupiravir
Hà Nội vừa được phân bổ 200.000 viên thuốc kháng virus Molnupiravir. Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Đống Đa liên hệ với nhà cung ứng, làm thủ tục nhận thuốc này và có trách nhiệm bảo quản theo đúng điều kiện bảo quản ghi trên nhãn, cấp phát cho các đơn vị tham gia chương trình thử nghiệm theo phân bổ của Sở Y tế.
Giám đốc trung tâm y tế, bệnh viện thu dung điều trị F0 khẩn trương cấp phát cho các bệnh nhân đủ điều kiện tham gia chương trình tại cơ sở thu dung, điều trị và tại nhà theo đúng quy định.
Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước về số ca mắc COVID-19 mới dẫn đến quá tải hệ thống y tế, nhiều bệnh nhân phản ảnh không gọi được y tế hoặc không được cấp phát thuốc kháng virus.
Các bệnh nhân F0 đang được xét nghiệm lại tại khu cách ly Bệnh viện dã chiến số 8 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 23-12 thông tin 24 giờ qua ghi nhận thêm 1.765 ca COVID-19, trong đó 733 ca cộng đồng, chiếm 41,5% tổng ca mắc. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc trong 24 giờ và ca cộng đồng cao nhất từ trước tới nay.
Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (199); Hà Đông (172); Đống Đa (155); Đông Anh (115); Ba Đình (106); Hai Bà Trưng (105); Bắc Từ Liêm (94); Thanh Trì (73); Thanh Xuân (64); Long Biên (64). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 là 33.809 ca, trong đó số ca cộng đồng 12.372 ca, số ca đã được cách ly 21.437 ca.
- Cao Bằng ngày 23-12, tỉnh có 39 ca COVID-19 mới, số ca nhiễm cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện trên địa bàn. Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Cao Bằng (ngày 5-11) đến nay, tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 324 ca COVID-19, trong đó có 182 bệnh nhân đã khỏi, 1 người tử vong do tuổi cao, mắc nhiều bệnh lý nền; 101 bệnh nhân đang được điều trị tại khu cách ly, 10 bệnh nhân được điều trị tại nhà.
- Tối 23-12, Hải Phòng cho biết vừa ghi nhận thêm 392 ca COVID-19, nâng số ca mắc toàn thành phố lên 5.436 ca, trong đó phần lớn được phát hiện qua xét nghiệm tự nguyện. Địa bàn có số ca dương tính cao nhất là huyện Thủy Nguyên với 122 ca, trong đó 38 ca tự đi làm xét nghiệm, 81 trường hợp F1, 3 trường hợp có kết quả test nhanh dương tính.
- Tối 23-12, Hà Nam cho biết trong ngày ghi nhận 35 ca COVID-19, trong đó có 19 F0 được phát hiện thông qua sàng lọc y tế. Lũy kế trong đợt dịch mới từ ngày 19-9 đến nay, tỉnh Hà Nam ghi nhận 1.726 ca COVID-19.
- Ngày 23-12, trong 24 giờ Quảng Bình ghi nhận thêm 43 ca COVID-19, với 40 ca tại cộng đồng. Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 3.472; số ca điều trị khỏi là 3.033, còn 307 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 84 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.
- Tính đến chiều 22-12, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 10.502 ca COVID-19, trong đó đang điều trị 2.061 người, 59 người tử vong và 8.382 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh.
- Bến Tre từ 6h đến 11h ngày 23-12, tỉnh có 225 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 23.901 ca. Trong đó có 11.818 ca được điều trị khỏi bệnh, 129 ca tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận