Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm hồi sức COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 14 (Q.Tân Phú) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Theo báo cáo này, cơ quan thanh tra đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Chính phủ, tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022. Trong đó có kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, bộ xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch vừa qua để chống lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Chính phủ giao cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội, TP.HCM.
Thanh tra đã xây dựng, phê duyệt 3 cuộc thanh tra này.
Trong 2 năm chống dịch COVID-19, Việt Nam đã mua sắm kit xét nghiệm, thiết bị vật tư trị giá nhiều ngàn tỉ đồng.
Gần đây, lãnh đạo Công ty Việt Á, đơn vị cung cấp một tỉ lệ khá lớn kit xét nghiệm trên thị trường bị khởi tố, bắt giam cùng nhiều lãnh đạo CDC các tỉnh, quan chức Bộ Y tế để điều tra nghi vấn đẩy giá bộ xét nghiệm lên cao để hưởng lợi bất hợp pháp, khiến vấn đề này nóng lên và đang được dư luận rất quan tâm.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TP.HCM: Sau Tết, học sinh tiểu học có thể học trực tiếp hoặc trực tuyến
Theo Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM, tùy thuộc trường tiểu học nằm trong vùng thuộc mức độ dịch như thế nào sẽ tổ chức đi học lại 2 buổi/ngày, bán trú hoặc tiếp tục học trực tuyến.
Khu vực cấp độ 1 (vùng xanh) tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hoặc bán trú cho tất cả các khối theo nhu cầu của học sinh và phụ huynh.
Khu vực cấp độ 2 (vùng vàng) tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày hoặc bán trú theo nhu cầu phụ huynh học sinh khối lớp 1, 2. Tổ chức cho học sinh đi học một buổi/ngày với các khối lớp 3, 4, 5.
Khu vực cấp độ 3 (vùng cam) tổ chức cho học sinh lớp 1, lớp 2 đi học một buổi/ngày. Học sinh lớp 3, 4, 5 tiếp tục học trực tuyến.
Khu vực cấp độ 4 (vùng đỏ), các trường tiếp tục tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình.
Y bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu hậu COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhiều bệnh viện thành lập khoa, phòng điều trị hậu COVID-19
Bệnh viện Chợ Rẫy vừa thành lập Phòng khám "Di chứng COVID-19". Trước đó, nhiều bệnh viện ở TP.HCM đã thành lập các khoa điều trị hậu COVID-19 như Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược…
Hiện nay, số bệnh nhân bị hậu COVID-19 đến khám và điều trị tại các bệnh viện trong TP.HCM có xu hướng gia tăng. Ngành y tế TP.HCM cũng xác định một trong những nhiệm vụ của ngành y tế TP trong năm 2022 là tập trung điều trị hậu COVID-19.
Hiện toàn TP.HCM có trên 300.000 người từng mắc COVID-19, tuy nhiên hiện chưa có con số thống kê chính thức số người bị hậu COVID-19.
Tiêm vắc xin mũi 2 Pfizer cho học sinh khối lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM sáng 23-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thủ tướng yêu cầu lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về lộ trình mở cửa lại trường học
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 18 ngày 18-1 kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các địa phương, thống nhất có lộ trình cụ thể để mở cửa các cơ sở giáo dục, đào tạo, các trường học trở lại trên toàn quốc, báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kết quả và đề xuất cụ thể để xem xét, quyết định.
Thủ tướng cũng giao các bộ ngành truyền thông hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp an toàn trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là đối với các địa phương tiêm đủ liều vắc xin cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi cao. Tiến hành khảo sát ý kiến về tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi.
Lực lượng chức năng P.Phố Huế (Hà Nội) phong tỏa y tế nhiều khu vực thuộc tập thể Nguyễn Công Trứ thời điểm phát hiện hàng loạt ca nhiễm COVID - Ảnh: NAM TRẦN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội từ 18h ngày 17-1 đến 18h ngày 18-1 ghi nhận 2.935 ca F0. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa có 136 ca; Hoàng Mai có 133 ca; Gia Lâm có 118 ca; Đông Anh có 109 ca. Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 97.260 ca.
- Từ sáng 17-1 đến sáng 18-1, Bắc Ninh ghi nhận 491 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 379 ca trong cộng đồng. Từ ngày 4-10-2021 đến ngày 18-1-2022, Bắc Ninh đã ghi nhận hơn 17.300 ca COVID-19, trong đó tổng số ca mắc ghi nhận tại các khu, cụm công nghiệp từ ngày 21-10-2021 đến nay là hơn 5.800 ca. Hiện có hơn 6.200 F0 đang được quản lý tại 26 cơ sở quản lý, thu dung, điều trị COVID-19 và tại nhà.
- Thanh Hóa ngày 18-1 ghi nhận 552 bệnh nhân mắc COVID-19 mới, đây là số ca mắc cao kỷ lục từ trước tới nay ở tỉnh này; trong đó, có 158 bệnh nhân phát hiện trong cộng đồng và 394 bệnh nhân đang được cách ly theo quy định.
Như vậy, từ ngày 27-4-2021 đến chiều 18-1-2022, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 13.662 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 10.192 người được điều trị khỏi, 18 người tử vong.
- Tính đến 18h ngày 18-1-2022, Hải Phòng có 2 ca tử vong do COVID-19, hơn 80 ca chuyển biến nặng. Có 512 ca COVID-19 mới, số ca nhiễm toàn thành phố Hải Phòng đến thời điểm này là 20.810 ca, đã công bố khỏi bệnh, xuất viện 12.491 ca, số đang điều trị là 16.554 ca, tử vong 35 ca.
- Quảng Ninh ngày 18-1 ghi nhận 366 ca COVID-19 mới (46 ca đã quản lý cách ly, 320 ca tại cộng đồng), trong đó TP Uông Bí có số ca mắc cao nhất với 87 ca, tất cả đều trong cộng đồng. Tiếp đến, Cẩm Phả 83 ca, Hạ Long 77 ca, Quảng Yên 46 ca, Đông Triều 40 ca, Móng Cái 21 ca, Vân Đồn 5, Ba Chẽ 4 ca, Tiên Yên 3 ca.
Tính từ thời điểm thực hiện nghị quyết số 128 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận tổng số ca mắc 8.656 ca (nhập cảnh: 110 ca, nội địa: 8.546 ca).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận