14/11/2021 07:24 GMT+7

Tin sáng 14-11: Số ca tăng, TP.HCM có nhiều giải pháp can thiệp; 4% trẻ mắc COVID-19 diễn biến nặng

LAN ANH - THÙY DƯƠNG - TTXVN
LAN ANH - THÙY DƯƠNG - TTXVN

TTO - F0 tại TP.HCM gia tăng, TP.HCM đã thành lập đội đặc nhiệm kiểm dịch, tổ chuyên trách điều phối trạm y tế lưu động, kích hoạt lại mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành"... Bộ Y tế cho biết dự kiến tiêm đạt 100 triệu mũi vắc xin đến ngày 14-11.

Tin sáng 14-11: Số ca tăng, TP.HCM có nhiều giải pháp can thiệp; 4% trẻ mắc COVID-19 diễn biến nặng - Ảnh 1.

F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 01, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

F0 có xu hướng tăng tại một số quận huyện, TP.HCM thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch

Trong một tuần qua, số địa phương trên địa bàn TP.HCM có số F0 tăng cao gồm TP Thủ Đức, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, các quận Bình Tân, 12 và Gò Vấp. Trong 3 ngày gần đây, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn là hai nơi có nhiều ca COVID-19 nhất.

Qua phân tích biểu đồ ca bệnh COVID-19, số F0 tại huyện Bình Chánh có chiều hướng tăng và đang đi ngang trong thời gian gần đây. 

Huyện Hóc Môn có giai đoạn đạt đỉnh và hiện tại có tín hiệu đi xuống. 

Riêng quận Bình Tân và quận Gò Vấp vẫn đang ở mức cao và nằm ngang. 

Các địa phương có số ca không cao nhưng có xu hướng tăng gồm quận 10 và huyện Nhà Bè.

Số ca cách ly tại nhà đang có chiều hướng tăng trong khi giảm dần tại cơ sở cách ly tại quận, huyện vì TP đang thu hẹp các cơ sở này. Sở Y tế TP kiến nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM sớm triển khai lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0.

Y tế thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp can thiệp như thành lập Đội đặc nhiệm kiểm dịch, tổ chuyên trách điều phối trạm y tế lưu động, phát hành tờ rơi "Những điều cần biết dành cho người mắc COVID-19 (F0) khi cách ly tại nhà", kích hoạt lại mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành", đề xuất UBND TP.HCM cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở.

Lãnh đạo Sở Công thương đã kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng thức uống có cồn trên địa bàn thành phố được hoạt động trở lại trong điều kiện có kiểm soát cụ thể, đáp ứng bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19. 

Cụ thể, khách hàng phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, cơ sở kinh doanh hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21h hằng ngày…

Tin sáng 14-11: Số ca tăng, TP.HCM có nhiều giải pháp can thiệp; 4% trẻ mắc COVID-19 diễn biến nặng - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

4% trẻ mắc COVID-19 biến chuyển nặng

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn điều trị cho trẻ mắc COVID-19. Theo đó, trẻ mắc COVID-19 ít chuyển nặng như người lớn, nhưng vẫn có khoảng 4% chuyển nặng và tỉ lệ nguy kịch là 0,5%.

Còn lại phần lớn không triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp cấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%).

Trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng tuổi) có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Khi trẻ mắc COVID-19 có các dấu hiệu: thở nhanh; khó thở, cánh mũi phập phồng; rút lõm lồng ngực; li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống; tím tái môi, đầu chi; SpO2 < 95%, gia đình phải gọi ngay cho cấp cứu.

Ngoài ra, với 8 triệu chứng sau đây của trẻ, gia đình cần báo ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ: trẻ sốt > 38 độ C; đau rát họng, ho; tiêu chảy; trẻ mệt, không chịu chơi; tức ngực; cảm giác khó thở; SpO2 < 96%; ăn/bú kém.

Tin sáng 14-11: Số ca tăng, TP.HCM có nhiều giải pháp can thiệp; 4% trẻ mắc COVID-19 diễn biến nặng - Ảnh 3.

Y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 6, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

14-11: Việt Nam đạt 100 triệu mũi tiêm vắc xin COVID-19

Tính đến sáng 14-11, các điểm tiêm chủng COVID-19 cả nước đã tiêm được trên 99 triệu mũi tiêm, dự kiến Việt Nam sẽ tiêm được 100 triệu mũi vắc xin tính đến hết ngày hôm nay.

Hiện đã có khoảng 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, số tiêm đủ 2 mũi đạt 45% người từ 18 tuổi, riêng nhóm 12-17 tuổi đã có 1,2 triệu trẻ được tiêm chủng mũi 1.

Bộ Y tế đang triển khai đánh giá kháng thể sau tiêm chủng để cân nhắc mức độ bảo vệ cho người được tiêm và cho biết mức độ bảo vệ khá tốt. 

Đánh giá ban đầu trong một số nhóm được tiêm, có 97,5% người được tiêm có sinh kháng thể, có hiệu quả miễn dịch. Tiến tới đây sẽ khảo sát thêm mức độ bệnh ở người mắc COVID-19 đã tiêm chủng, xem tỉ lệ nặng, nhẹ cụ thể.

Bước đầu ghi nhận người đã tiêm đủ mũi vắc xin nếu mắc COVID-19 phần lớn ở mức độ nhẹ, đến nay chưa ghi nhận người mắc COVID-19 đã tiêm đủ 2 mũi Astra Zeneca tử vong, với vắc xin Pfizer có ghi nhận 1 trường hợp nhưng trên cơ địa người có nhiều bệnh nền. 

Với một vài vắc xin khác, thông tin của Tuổi Trẻ Online cho biết ghi nhận có ca tử vong đã tiêm đủ 2 mũi nhưng cần xem lại đầy đủ các dữ liệu về bệnh nhân.

Tin sáng 14-11: Số ca tăng, TP.HCM có nhiều giải pháp can thiệp; 4% trẻ mắc COVID-19 diễn biến nặng - Ảnh 4.

Học sinh Trường THCS Lam Sơn (quận Bình Thạnh) sau khi đi tiêm vắc xin COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bộ Y tế hướng dẫn chuyển đổi chai chứa khí sang oxy y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa có hướng dẫn chuyển đổi các chai chứa khí argon, nitơ, oxy công nghiệp, không khí nén sang chứa oxy y tế phục vụ phòng chống COVID-19. 

Quyết định này áp dụng với loại chai chứa khí bằng thép không hàn nạp lại được ở các kích thước. Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu để đảm bảo an toàn trong quá trình chuyển đổi, sử dụng, việc chuyển đổi phải thực hiện đúng quy trình, với các chai chứa khí còn hạn kiểm định, loại vật liệu phù hợp...

Được biết, oxy y tế là rất cần thiết trong quá trình cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng.

Tin sáng 14-11: Số ca tăng, TP.HCM có nhiều giải pháp can thiệp; 4% trẻ mắc COVID-19 diễn biến nặng - Ảnh 5.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân phường 11, quận Bình Thạnh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tình hình dịch COVID-19 ở một số tỉnh thành

- Hà Nội 24 giờ qua ghi nhận 146 ca COVID-19 mới, trong đó có 27 ca cộng đồng. Trong số này có 74 người đã tiêm đủ 2 mũi, 27 người tiêm 1 mũi, 33 người chưa đến tuổi tiêm chủng (dưới 18 tuổi). Cộng dồn số ca tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 là 5.924 ca, trong đó số ghi nhận ngoài cộng đồng 2.229 ca.

- Hải Dương ngày 13-11 ghi nhận thêm 21 ca COVID-19, trong đó 2 người đi về từ các tỉnh phía Nam. Tính từ ngày 12-10-2021 đến 16h ngày 13-11-2021, toàn tỉnh Hải Dương đã ghi nhận 179 ca bệnh, trong đó có 42 ca bệnh có yếu tố dịch tễ đi từ các tỉnh có dịch phía Nam. Từ ngày 27-7 đến nay, Hải Dương đã ghi nhận được 328 ca COVID-19.

- Phú Thọ ghi nhận thêm 39 ca COVID-19 mới. Từ ngày 14-10 đến nay, Phú Thọ ghi nhận 1.329 ca COVID-19. Nhiều nhất là các địa phương: thành phố Việt Trì 554 ca; huyện Thanh Sơn 239 ca; huyện Lâm Thao 165 ca; huyện Phù Ninh 159 ca; huyện Tân Sơn 67 ca...

- Nam Định từ ngày 25-10 (thời điểm ghi nhận ca COVID-19 cộng đồng đầu tiên tại thành phố) đến ngày 13-11, ổ dịch trên địa bàn thành phố ghi nhận 124 ca COVID-19 ở hơn 20 phường, xã. Ngày 13-11, Nam Định có 6 ca COVID-19.

- Thanh Hóa từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay ghi nhận hơn 1.500 ca COVID-19, trong đó có 979 người điều trị khỏi ra viện, 9 người tử vong. Tỉnh đang cách ly tập trung hơn 2.646 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 13.112 người.

- Nghệ An từ 18h ngày 12-11 đến 6h ngày 13-11 ghi nhận 27 ca mắc mới. Trong đó, có 7 ca cộng đồng. Từ đầu mùa dịch đến nay Nghệ An ghi nhận 3.012 ca COVID-19 ở 21 địa phương. Số bệnh nhân tử vong: 22. Tổng số công dân từ các tỉnh phía Nam về từ ngày 1-10 đến nay là 34.435. Phát hiện 501 ca dương tính (497 ca nhiễm mới, 4 ca tái dương tính).

- Quảng Bình cho biết, trong 24 giờ qua ghi nhận 25 ca COVID-19 mới, trong đó có 14 ca về từ vùng dịch. Tổng số ca COVID-19 toàn tỉnh từ trước đến nay lên 2.184 ca, trong đó 2.011 ca khỏi, 167 ca đang điều trị, 6 ca tử vong. 563.813 người tại Quảng Bình đã tiêm vắc xin COVID-19, trong đó 80.374 người đã tiêm đủ 2 mũi.

- Tối 13-11, Thừa Thiên Huế ghi nhận thêm 75 ca COVID-19, trong đó có 65 ca cộng đồng với 58 ca tại TP Huế, 3 ca tại TX Hương Trà, 3 ca tại TX Hương Thủy, và 1 ca tại huyện Phú Lộc. Tính đến nay, Thừa Thiên Huế có 1.558 ca F0 (từ tỉnh/thành phố khác chuyển đến 7 ca). Hiện đang điều trị 452 ca, đã được điều trị khỏi 1.102 ca, có 4 ca tử vong.

- Quảng Ngãi ghi nhận thêm 34 ca COVID-19, trong đó có 5 ca cộng đồng. Từ ngày 26-6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 1.982 ca COVID-19.

- Phú Yên trong 14 ngày qua (tính đến ngày 12-11) toàn tỉnh có 126 người dương tính, với 1 ca cộng đồng; 49 người là F1, ở trong khu cách ly, khu phong tỏa; 76 ca từ TP.HCM và các tỉnh có dịch trở về địa phương.

- Bà Rịa - Vũng Tàu 24 giờ qua ghi nhận 223 ca COVID-19, trong đó có 148 ca cộng đồng. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc cao nhất từ khi tỉnh nới lỏng giãn cách (ngày 16-10) đến nay. Tính từ khi xuất hiện ca COVID-19 ngày 28-6 đến nay, số ca ghi nhận trên địa bàn tỉnh là 6.283 ca.

- Tiền Giang đến ngày 13-11 có 15.926 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh, chiếm 79,3% trên tổng số F0. Tỉnh hiện có 3.795 bệnh nhân đang được điều trị. Trong ngày 12-11, tỉnh ghi nhận 634 ca mắc mới, tăng 217 ca so với ngày 11-11, nâng tổng số người mắc COVID-19 trên địa bàn lên 20.150 ca.

- Bến Tre có thêm 62 ca COVID-19, nâng tổng số ca COVID-19 toàn tỉnh là 3.267 ca. Trong đó, có 2.275 ca ra viện; 54 ca tử vong. Trong số ca mắc có 33 ca cộng đồng. Toàn tỉnh Bến Tre đã có 879.665 người được tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 (đạt tỉ lệ 89,70% dân số trên 18 tuổi) và 468.843 người được tiêm mũi 2 (tỉ lệ 47,81%).

Tin COVID-19 chiều 13-11: Thêm 8.467 ca nhiễm mới, TP.HCM vẫn nhiều ca nhất Tin COVID-19 chiều 13-11: Thêm 8.467 ca nhiễm mới, TP.HCM vẫn nhiều ca nhất

TTO - Trong 24 giờ qua, có thêm 8.467 ca mắc mới được ghi nhận tại 57 tỉnh, thành. TP.HCM vẫn là nơi có số ca mắc nhiều nhất với 1.240 ca.

LAN ANH - THÙY DƯƠNG - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên