19/01/2017 09:07 GMT+7

Tìm tông tích người lính Việt có bia mộ ở Hoàng Sa

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TTO - Bia mộ của ông Nguyễn Minh - một người lính Việt được đồng đội chôn cất tại Hoàng Sa năm 1942, gián tiếp cho biết một góc khuất lịch sử, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thêm (phải) - cháu gọi ông Nguyễn Minh là ông nội chú và ông Nguyễn Đình Phú Kiết - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Với nội dung được khắc trên bia mộ rõ ràng, chúng tôi đi tìm thân nhân của ông Nguyễn Minh. Trước tiên phải đến làng Quảng Hậu.

Làng Quảng Hậu, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày xưa, nay chia làm ba thôn gồm có Quảng Hậu Tây, Quảng Hậu Trung và Quảng Hậu Đông. Ba thôn nằm trên một trục dài hơn 3 cây số.

Bà Nguyễn Thị Diên - 86 tuổi, ở làng Quảng Hậu Tây - là người lớn tuổi trong tộc Nguyễn, nói bà có ông nội chú đi lính Pháp và đã tử trận. “Nhưng ông cụ tên là Nguyễn Văn Toản, đánh giặc chết đâu bên Pháp” - bà Diên nói.

Nội dung bia mộ ông Nguyễn Minh tại đảo Phú Lâm năm 1943

Trưởng thôn Quảng Hậu Trung - ông Kiều Đình Nguyên - xác định tộc Nguyễn ở thôn mình không có ai đi lính Pháp. Chỉ còn Quảng Hậu Đông.

Ông Đinh Phú Kiết - vị lão làng 82 tuổi ở Quảng Hậu Đông - cho biết làng có ba người đi lính Pháp, trong đó có hai người hồi hưu. Sau này một người được dân bầu làm hương kiểm, một người được triều đình thăng cửu phẩm.

“Người được thăng cửu phẩm là ông Nguyễn Trước nên dân mình quen gọi là Cửu Trước. Ông Cửu Trước có người em ruột là Nguyễn Minh cũng đi lính Pháp, nhưng đi rồi mất tích luôn, không thấy về...” - ông Kiết kể.

Từ chỉ dẫn của ông Đinh Phú Kiết, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Thêm (60 tuổi) - người gọi ông Cửu Trước là ông nội bác - để tìm hiểu thêm về lai lịch ông Nguyễn Minh.

Trong ngôi nhà dựng trên khu đất cát, nghe chúng tôi trình bày câu chuyện và trưng ra bản chụp bia mộ của ông Nguyễn Minh, ông Nguyễn Văn Thêm đã không kìm được xúc động.

“Đây chắc chắn là bia mộ của ông nội chú của tui rồi. Tiếc quá, cha tui chết hồi năm 1966, không thấy được cái bia mộ này. Cha tui cứ nghĩ là ông chú mình đi lính mất tích ở nơi nào không biết...” - ông Thêm rưng rưng nước mắt nói.

Đây rồi!

Ông Thêm kể cha của ông mất năm ông lên 12 tuổi. Từ nhỏ, mỗi năm vào tháng chạp ông vẫn theo cha đi giẫy mả ông bà.

Đến nấm mộ của ông Nguyễn Minh, cha ông dặn dò: “Đây là mả gió của ông Nguyễn Minh, là ông nội chú của con, ông đi lính khố đỏ cho người Pháp, ra đi là biệt luôn, không biết chết ngày nào, chôn ở chỗ nào.

Bởi rứa nên cha mới rước thầy làm cái mả gió ni để mình tưởng nhớ, coi như là cái mả thiệt của ông. Con là trai trưởng trong nhà, phải nhớ đó” - ông Thêm bùi ngùi kể lại...

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên