05/04/2013 08:08 GMT+7

Hoàng Sa qua tư liệu của Việt Nam Cộng hòa

HỮU KHÁ - MAI HOÀNG
HỮU KHÁ - MAI HOÀNG

TT - Lần đầu tiên, một đề tài nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn trong cả nước đặt vấn đề nghiên cứu về Hoàng Sa từ các nguồn tài liệu lưu trữ của chính quyền cũ.

Đề tài được thực hiện nhằm giúp các cơ quan trong việc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

GOh1oJTd.jpgPhóng to
Tài liệu nói về quản lý, bảo vệ Hoàng Sa năm 1960 của chính quyền VN Cộng hòa - Ảnh: Hữu Khá chụp lại

Chiều 4-4, ông Bùi Xuân - phó Ban tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng - cho biết đề tài khoa học “Quần đảo Hoàng Sa của VN qua các tài liệu lưu trữ của chính quyền VN Cộng hòa giai đoạn 1954-1975” đã được nghiệm thu. Đây là lần đầu tiên một đề tài nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn trong cả nước đặt vấn đề nghiên cứu về Hoàng Sa từ các nguồn tài liệu lưu trữ của chính quyền cũ. Đề tài được thực hiện để giúp các cơ quan trong việc đấu tranh khẳng định chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa (nay là huyện Hoàng Sa của TP Đà Nẵng).

Ban chủ nhiệm đề tài đã tiếp cận, nghiên cứu hàng chục ngàn trang tư liệu liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa. Tất cả trang tư liệu này đều là bản gốc, độc bản có giá trị thuyết phục cao, đáng tin cậy về mặt văn bản học. Do vậy, mỗi trang tư liệu được xem như một hiện vật lịch sử, làm cơ sở bằng chứng cho việc chứng minh chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa. Tất cả các tư liệu phản ánh một cách chân thực, sinh động những hoạt động quản lý địa giới hành chính, ấn định lãnh hải, phương diện ngư nghiệp, điều phái quản lý hành chính, canh phòng các đảo, tình hình tiếp viện quân xa, tiếp tế lương thực, điều kiện sống của binh lính, nhân viên khí tượng trên quần đảo Hoàng Sa.

Nội dung đề tài chia làm năm phần: Khảo sát về quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa của VN qua các thời kỳ lịch sử; Tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa thuộc Phông tư liệu đệ nhất của chính quyền VN Cộng hòa (1954-1963); Tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa thuộc Phông tư liệu đệ nhị của chính quyền VN Cộng hòa (1964-1975); Tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa thuộc Phông tư liệu phủ thủ tướng VN Cộng hòa (1954-1975) và Ý nghĩa các tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của chính quyền VN Cộng hòa (1954-1975).

* Tủ sách biển đảo của NXB Trẻ vừa ra mắt cuốn sách Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa của đại úy, nhà báo Lê Văn Chương (báo Biên Phòng, thường trú tại Quảng Ngãi, sinh năm 1973). Cuốn sách dày 296 trang, gồm nhiều phóng sự - ghi chép với nhiều nhân vật, những câu chuyện ít ai biết về các ngư dân Quảng Ngãi kiên cường bám biển suốt 60 năm qua, đối mặt với bão tố lẫn những vụ đụng độ, góp sức khẳng định chủ quyền đất nước trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuốn sách được chia làm bảy phần: Nắm cát Hoàng Sa, Phong ba trên đảo Hoàng Sa, Mưu sinh ở Hoàng Sa, Người hùng trên biển, Tết giữa Hoàng Sa... cùng nhiều bức ảnh minh họa sống động. Qua những bài viết của mình, tác giả muốn khẳng định: “Ra Hoàng Sa, dù bị thiệt thòi, mất mát nhưng các ngư dân vẫn kiên trì bám biển, vẫn một lòng hướng về mảnh đất mà các bậc tiền nhân một thời đã đổ bao xương máu để giữ gìn”.

HỮU KHÁ - MAI HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên