29/04/2013 09:54 GMT+7

Tìm cha từ những dòng nhật ký

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Dưới đây là câu chuyện cảm động về một quyển nhật ký chiến trường đã bị lãng quên gần 40 năm qua, về một người con liệt sĩ vẫn âm thầm đi tìm hài cốt của cha trong suốt 20 năm, dù cha hi sinh khi anh còn ẵm ngửa.

kXJCBYp7.jpgPhóng to
Cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Tùy (trái) kể với anh Nguyễn Mạnh Hùng về trường hợp hi sinh của cha anh Hùng - liệt sĩ Nguyễn Mạnh Toan - được ghi trong nhật ký - Ảnh: M.Hương

Ngày 30-4-2012, kỷ niệm 42 năm ngày cha mình nhập ngũ theo lời kể của mẹ, anh Nguyễn Mạnh Hùng (quê huyện Thanh Oai, Hà Nội) làm 10 mâm cơm mời tất cả đồng đội của cha - liệt sĩ Nguyễn Mạnh Toan - về họp mặt. Trước bữa cơm, anh khóc kể với mọi người về cuộc hành trình vất vả tìm cha bao nhiêu năm qua mà chưa có kết quả.

Nghe chuyện, cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Tùy chỉ ngồi lặng im, không nói. Ít ngày sau, ông gọi điện nhắn anh Hùng đến nhà mình rồi trao cho anh một quyển sổ bìa màu đỏ, giấy đã ố vàng nhưng vẫn còn rõ những dòng chữ xanh. Ông nói: “Bố cháu là tiểu đội trưởng của chú. Hồi đó, đơn vị bị địch bao vây, chặn đường ra. Ai hi sinh ngày nào, chôn ở đâu, chú đều ghi vào nhật ký”.

Quyển nhật ký có trang đầu viết vào ngày 15-4-1970 - ngày chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Tuấn Tùy đi khám nghĩa vụ quân sự. Nét viết chân phương, câu chữ mộc mạc. Đọc đến trang viết ngày 2-8-1971, anh Nguyễn MạnhHùng bật khóc.

Giữa lằn ranh sống - chết

Nhớ lại chuyện cũ, ông Nguyễn Tuấn Tùy vẫn đau xót và day dứt khi việc chôn cất cho đồng đội lúc đó còn sơ sài: “Chúng tôi chôn những đồng chí hi sinh dọc theo triền đồi. Mỗi người khi chết có 5m tăng để quấn xác nhưng phần nhiều là tăng đã rách nát. Chúng tôi đau xót bảo nhau: Thôi, đồng chí nào đi trước thì nhường cho chúng tôi mảnh tăng lành lặn để che mưa. Đói rét, bệnh tật, chúng tôi cũng không đủ sức mà khiêng đi xa hay đào sâu. Có trường hợp sẵn một hố củ mài đã đào sẵn, chúng tôi đành để đồng chí mình trong tư thế chôn ngồi”.

“...Ngày 11-7-1971: Chúng tôi lại bắt đầu cuộc hành trình. 13g, chúng tôi có mặt ở dòng sông Đa Lúp - dòng nước lồng lộn hung tàn hôm qua đã cướp mất của chúng tôi một đồng chí đi trước mở đường.

...Ngày 16-7-1971: Các đồng chí đi trước đã quay về báo một tin kinh khủng: “Mỹ càn chặn mất đường đi”, trên vai chúng tôi chỉ còn 12kg gạo mỗi người, mà từ đây xuống chiến trường còn xa lắm.

...Ngày 30-7-1971: Mỗi người còn 5kg gạo, lệnh ăn xuống 3 lạng mỗi ngày. 3 lạng gạo ăn làm sao? Chúng tôi phải kiếm măng ăn thêm cho đỡ đói. Hôm nay, vì thiếu thuốc và ăn thiếu thốn, một đồng chí đã hi sinh, đi chôn mà lòng đau như cắt.

Ngày 2-8-1971: Sang tháng 8, nỗi lo âu càng lớn. Gạo chỉ còn hơn 4kg, sao ăn một tháng được. Hôm nay, tôi đi lấy măng vì sáng chỉ ăn bát măng luộc. Gạo không, muối không, tôi đi không vững nhưng vẫn phải cố gắng đi. Trưa nay, mang được măng về thì đồng chí tiểu đội trưởng của tôi bị hi sinh vì ốm và đói. Khiêng bạn đi chôn. Cứ cảnh này mình sẽ ra sao. Cả đại đội tôi gồm 70 người thế là đến hôm nay đã mất 3 đồng chí.

Ngày 3-8-1971: Hoạt - một người bạn cùng trường cũ với tôi - hôm qua còn đi lấy măng mà đêm chết lúc nào không ai biết. Thế là mất 4 đồng chí vì đói và sốt.

Ngày 4-8-1971: Lại qua được một ngày. Bây giờ chúng tôi chỉ còn ăn mỗi ngày 1 lạng gạo. Bị Mỹ vây chúng tôi không sao đi được. Hiểu năm nay 19 tuổi, bằng tuổi tôi. Hiểu rất đẹp trai và vui tính, hôm nay đã hi sinh lúc 6g30 sáng. Như vậy là 5 đồng chí đã hi sinh. Thương bạn lo cho mình, tôi vừa buồn vừa thương. Đêm nay không ngủ được vì đói quá.

Ngày 5-8-1971: Hôm nay là ngày thứ 19 chúng tôi chịu đói. Và bây giờ tôi cũng thấy người yếu hẳn. Nhưng cả tiểu đội ốm hết rồi, chỉ còn mình tôi. Tôi phải đi kiếm măng về nấu cháo cho tất cả ăn. Người hi sinh thứ 6 là Ty. Ty ở Thanh Oai. Ty to và khỏe nhưng vì đói quá kiệt sức dần và đã hi sinh. Năm nay Ty 20 tuổi.

Ngày 6-8-1971: Cả ngày đi lấy măng về đun nấu để ăn. Đây là rừng tre nên măng rất nhiều và muỗi và vắt cũng lắm. Ở đây cũng như nơi của thần chết. Và hôm nay, đồng chí Đức đã hi sinh. 7 đồng chí đã nằm ở rừng tre này rồi.

Ngày 7-8-1971: Viễn cảnh chết chóc, đói rét diễn ra và thêm một đồng chí nữa hi sinh là 8.

Ngày 8-8-1971: Đồng chí thứ 9 hi sinh là Chương quê ở Quốc Oai. Chương chết lúc 14g30. Chương vừa 21 tuổi. Tôi vẫn đi lấy măng về ăn vì hôm nay gạo nhường những người ốm nặng.

Ngày 20-8-1971: 12 ngày qua tôi không viết nhật ký cũng vì đói quá và bận lấy măng. 12 ngày qua vẫn là cảnh chết chóc, đói rét và đến hôm nay đơn vị tôi đã hi sinh 14 đồng chí.

Hôm nay cũng là ngày sinh nhật tôi và năm nay tôi vừa tròn 19 tuổi. Gạo không còn một hột, ăn măng mãi chắc cũng phải theo số phận những bạn tôi mất. 12g tôi chưa ngủ vì đói quá...”.

Đọc lại những dòng chữ mà chính tay mình đã viết, ông Nguyễn Tuấn Tùy không nén được cơn xúc động mạnh. Giọng ông run run: “Trước đó, đã có hai đại đội hành quân vào chiến trường. Chúng tôi gồm 70 người ở lại chờ nhận khí tài. Bị địch bao vây, chúng tôi chỉ có thể ém quân nằm chờ vì liều lĩnh tấn công sẽ làm lộ bí mật. Rừng lồ ô thâm u, muỗi, vắt, sốt rét, thiếu gạo, thiếu muối, ngày nào cũng có người chết. Đã thế, ngày ngày máy bay địch cứ bay rất thấp ở trên đầu, phát loa kêu: “Các bạn đang bị bỏ rơi. Các bạn chỉ cần đi về hướng bắc, chúng tôi sẽ đón các bạn”. Thế nhưng lúc đó chúng tôi càng nghe chỉ càng thấy ghét, thấy tức, chỉ muốn bắn cho nó rơi xuống. Không một ai thoáng ý nghĩ ra đầu hàng.

Hằng ngày, sau khi lấy măng, nấu cho đồng đội ăn và chôn cất người chết, tôi lại ngồi viết, viết trong tâm trạng không biết khi nào đến lượt mình chết. Tôi có một chiếc đồng hồ, một quyển lịch nên biết được ngày, giờ. Sổ ghi nhật ký là quyển sổ quà của thầy cô, bạn bè Trường trung học Sư phạm bổ túc văn hóa Hà Tây tặng tôi ngày nhập ngũ. Tôi viết bằng bút Trường Sơn. Về sau tôi có thu được một cây bút bi của Mỹ nên viết bằng bút ấy nhưng chữ dễ bị nhòe.

Mãi đến ngày 25-8-1971, đường mới thông và chúng tôi mới có gạo tiếp tế để nấu cháo ăn. Bưng bát cháo mà lòng đau như cắt, thương tiếc các đồng chí đã hi sinh”.

Họ đều mới 19-20 tuổi và chưa có gia đình. Người nhiều tuổi nhất và duy nhất có vợ con trong số hi sinh đó cũng chỉ mới 21 tuổi. Người chiến sĩ 21 tuổi ấy chính là liệt sĩ Nguyễn Mạnh Toan - cha anh Nguyễn Mạnh Hùng và cũng là tiểu đội trưởng, người thứ ba đã hi sinh của đại đội được ghi lại trong quyển nhật ký của người cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Tùy.

Trả lại ngày giỗ cho các liệt sĩ

Anh Hùng kể: “Theo lời mẹ tôi kể lại, mùa xuân năm 1970 khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt, bố tôi lúc đó là đảng viên, thường vụ Huyện đoàn Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ đã viết đơn bằng máu xung phong lên đường nhập ngũ khi mẹ đang mang thai tôi. Cuối năm đó, ông bà tôi nhận được giấy báo tử, ghi ngày hi sinh của bố tôi là ngày 5-9-1971. Đó là tất cả những gì tôi có về sự hi sinh của bố”.

Năm 1993, khi anh Hùng tròn 23 tuổi, anh đã bắt đầu có ý thức đi tìm gặp những đồng đội cũ của bố để hỏi chuyện về bố. Năm 1999, anh một mình vào miền Nam, phóng xe máy tới Đồng Xoài, tìm đến địa bàn thuộc tỉnh Phước Long cũ để dò hỏi tin tức về đơn vị của bố. Nghe ở đâu có đồng đội nào của bố còn sống, anh không quản đường xa tìm đến. Kiếm được bao nhiêu tiền, anh lại tổ chức thuê xe đưa các chú, các bác cùng trở lại chiến trường xưa, hi vọng tìm ra chút manh mối về nơi hi sinh của bố.

Từ ngày đọc được quyển nhật ký của ông Tùy, anh Hùng chủ động tìm về quê hương của những liệt sĩ có tên trong quyển nhật ký để thông báo tin tức và trả lại cho gia đình ngày hi sinh thật sự của các liệt sĩ. Trong giấy báo tử, cũng như bố anh, các liệt sĩ khác trong nhóm 14 người hi sinh vì bệnh và đói rét tại rừng lồ ô năm ấy đều được báo tử cùng một ngày là 5-9-1971.

Cũng từ thời điểm này, anh đã tìm về xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, xác định được vị trí con suối Mít, quả đồi Lồ Ô - nơi bố anh và đồng đội bị bao vây như trong nhật ký đã ghi. Anh tâm sự: “Đến bây giờ thì tôi có thể xác định chính xác đây là nơi bố đã hi sinh. Tôi đã tổ chức hai chuyến tìm kiếm, khai quật cùng với những đồng đội cũ của bố mà chưa được vì địa hình rộng và thay đổi nhiều. Nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc. Tôi tin chắc sẽ có ngày mình đưa được bố và các chú về với quê nhà”. Đứng giữa quả đồi rộng lớn, giờ đã là những đồi trồng điều bạt ngàn, người đàn ông ngoài 40 tuổi, tóc đã điểm sợi bạc lại chắp tay khấn vọng. Chưa bao giờ người con trai liệt sĩ ấy tắt hi vọng...

Xác định được họ tên, quê quán của 14 liệt sĩ

Từ thông tin từ quyển nhật ký của cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Tùy và tư liệu của Bộ Quốc phòng, Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Marin) - trực thuộc Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam đã xác định được danh sách họ tên, quê quán của 14 liệt sĩ hi sinh tại khu vực suối Mít, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước (trong khi giấy báo tử chỉ ghi ngắn gọn nơi hi sinh là chiến trường phía Nam).

Đây là những liệt sĩ thuộc đại đội 26, trung đoàn 33, hi sinh trên đường hành quân từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường B2 (chiến trường miền Đông Nam bộ). Đại diện Trung tâm Marin cho biết trung tâm đang có kế hoạch xuất bản quyển nhật ký chiến trường của cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Tùy, bởi đây là một quyển nhật ký chứa đựng nhiều thông tin chân thực, xúc động về cuộc sống ở chiến trường, về tình đồng đội cũng như nhiều thông tin cụ thể về trường hợp hi sinh của các liệt sĩ (ngoài 14 liệt sĩ đã nêu) mà cựu chiến binh Nguyễn Tuấn Tùy đã được chứng kiến.

HmgMZW8d.jpgPhóng to
Một trang nhật ký - Ảnh: M.H.
MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên