18/02/2014 06:30 GMT+7

Tìm cách phục dựng kiến trúc thánh địa Cát Tiên

MAI VINH
MAI VINH

TT - Ngày 17-2, bà Nguyễn Thị Nguyên - phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng - cho biết sở đang phối hợp với các chuyên gia sử học thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM và Viện Khảo cổ học (Viện hàn lâm Khoa học VN) xây dựng đề cương nghiên cứu các công trình kiến trúc thánh địa Cát Tiên nằm trong khu di tích khảo cổ Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng).

Thánh địa Cát Tiên: Có thật mà như huyền thoại Khám phá thánh địa Cát Tiên25 nhà khoa học quốc tế thực địa Thánh địa Cát Tiên

uCRc60Xh.jpgPhóng to
Mảnh vàng dập nổi hình rùa và mảnh vàng dập nổi hình nam thần được các nhà khảo cổ khai quật tại di tích khảo cổ Cát Tiên - Ảnh: Bảo tàng Lâm Đồng
I1AF6eCv.jpgPhóng to
Mảnh vàng dập nổi hình rùa và mảnh vàng dập nổi hình nam thần được các nhà khảo cổ khai quật tại di tích khảo cổ Cát Tiên - Ảnh: Bảo tàng Lâm Đồng

Theo bà Nguyên, việc nghiên cứu sẽ đặt cơ sở để phục dựng một số kiến trúc nằm trong quần thể di tích khảo cổ phục vụ nhu cầu phát triển du lịch và nghiên cứu lịch sử về sau. Bà Nguyên cho biết thêm công trình khoa học sẽ làm rõ một số vấn đề mà giới sử học VN còn đang tranh cãi như niên đại của thánh địa Cát Tiên, những giá trị tiềm ẩn đằng sau quần thể kiến trúc này...

Theo thông tin từ Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, di tích khảo cổ Cát Tiên được các nhà khảo cổ học khai quật năm 1991 và công nhận là di tích quốc gia vào năm 1998. Hiện nay diện tích đã được khai quật và đưa vào quản lý khoảng 10ha, phần chưa khai quật còn nằm trong đất của dân có diện tích hơn 70ha. Trước khi khai quật, di tích này bị đào phá bởi nạn đào tìm cổ vật, tìm vàng nên bị xáo trộn nhiều trên bề mặt.

Khu di tích là một quần thể kiến trúc đền tháp, có niên đại khoảng thế kỷ 7-8 sau Công nguyên. Phần kiến trúc trên mặt đất đã bị phá hủy. Dấu vết còn lại là những tường gạch cao khoảng 3m kết cấu bằng những loại gạch có hình dáng đặc biệt. Phần âm của kiến trúc có độ sâu khoảng 1,5m cũng được xây bằng gạch. Tỉnh Lâm Đồng đang đầu tư khoảng 38 tỉ đồng từ nay đến năm 2020 để xây dựng các công trình bảo vệ di vật đã được khai quật, xây dựng nhà bảo tàng để trưng bày các hiện vật. Hiện di tích khảo cổ Cát Tiên có khoảng 1.300 di vật đã được khai quật, do không có nhà trưng bày nên tạm thời được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng. Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng đang hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận di tích Cát Tiên là di tích quốc gia cấp đặc biệt.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên