Theo luật được Tổng thống Joe Biden ký vào năm 2024, TikTok sẽ bị cấm tại Mỹ nếu công ty mẹ Bytedance không thoái vốn khỏi ứng dụng video này trước ngày 19-1-2025, tức chỉ một ngày trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng TikTok gây ra đe dọa với an ninh quốc gia, do có liên hệ với Trung Quốc và có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp.
Trong phiên tranh luận ngày 10-1, Tòa án tối cao cân nhắc quyền tự do ngôn luận và các tác động an ninh quốc gia của nền tảng mạng xã hội có chủ sở hữu nước ngoài, với 170 triệu người dùng ở Mỹ.
TikTok đề nghị tạm hoãn luật
Một tòa án cấp dưới đã bác bỏ lập luận rằng đạo luật này vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ, trong đó bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Theo Hãng tin Reuters, luật sư Noel Francisco - đại diện cho TikTok và Bytedance - nói rằng ứng dụng này là một trong những nền tảng phát biểu phổ biến nhất với người Mỹ.
Ông cho rằng mục tiêu thực sự của đạo luật chính là "ngôn luận" - nỗi sợ người Mỹ, ngay cả khi có được thông tin đầy đủ, vẫn có thể bị thông tin sai lệch từ Trung Quốc dẫn dắt.
"Đạo luật này không nên được duy trì", luật sư Francisco nói.
Ông Francisco đã yêu cầu các thẩm phán ít nhất là tạm hoãn luật: "Điều này sẽ cho phép quý vị cân nhắc kỹ lưỡng những lý do mà tổng thống đắc cử có khả năng bác bỏ vụ việc".
Vào hôm 27-12, ông Trump đã kêu gọi Tòa án tối cao hoãn thời hạn thoái vốn vào ngày 19-1 để cho phép chính quyền mới của ông "có cơ hội theo đuổi giải pháp chính trị cho các vấn đề trong vụ việc".
Phía TikTok cho biết lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến người dùng, các nhà quảng cáo, sáng tạo nội dung và đội ngũ nhân viên. Hiện TikTok có khoảng 7.000 nhân viên tại Mỹ.
Tòa liên tục chất vấn
Chánh án John Roberts đặt câu hỏi về quyền sở hữu TikTok của Bytedance, lo ngại công ty mẹ có thể thực hiện công tác tình báo cho Trung Quốc.
Trong khi đó, thẩm phán Clarence Thomas đã chất vấn TikTok vấn đề ngôn luận của nền tảng.
Luật sư Francisco lập luận rằng luật áp đặt "gánh nặng trực tiếp" lên vấn đề ngôn luận của TikTok thông qua yêu cầu thoái vốn.
Tuy nhiên, thẩm phán Thomas nói vấn đề nằm ở việc hạn chế Bytedance, chứ không phải hạn chế quyền tự do ngôn luận của TikTok.
Đề cập đến ByteDance, thẩm phán Elena Kagan nói rằng luật này "chỉ nhắm vào tập đoàn nước ngoài này, vốn không được hưởng Tu chính án thứ nhất".
Bà Kagan chất vấn về mối liên hệ giữa quyền tự do ngôn luận của TikTok và đạo luật yêu cầu Bytedance phải thoái vốn. Bà cho rằng TikTok về lý thuyết vẫn có thể sử dụng thuật toán cho dù Bytedance có thoái vốn hay không.
Chỉ ra hạn chót 19-1 sắp đến, đại diện TikTok nhấn mạnh: "Trong 10 ngày, vì đạo luật được thông qua, TikTok không thể lên tiếng trừ khi Bytedance thực hiện một cuộc thoái vốn đủ điều kiện".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận