Dịp cuối năm là thời điểm các khu chợ vào độ buôn bán nhộn nhịp, sôi động nhất khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Tuy nhiên, trái với cảnh tấp nập người mua kẻ bán, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online vào ngày 18-11, tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) - chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc - lại đìu hiu, ế ẩm.
Cụ thể, trong chiều cùng ngày, dù là ngày cuối tuần nhưng các gian hàng ở chợ Đồng Xuân vắng vẻ khách hàng, một vài sạp hàng bán đồ lưu niệm lác đác vài du khách nước ngoài. Vì vắng khách nên tiểu thương tranh thủ mỗi người một việc, người tranh thủ đọc báo, người đan len, bấm điện thoại... chờ khách.
Tiểu thương "ngồi chơi dài"
Cô Hằng, chủ một gian hàng bán đồng hồ, kính mắt ở chợ Đồng Xuân, cho biết dù là thời điểm cuối năm nhưng vẫn "ngồi chơi dài" vì không có khách mua.
"Tôi bán ở đây mấy chục năm rồi, nhưng nói chung năm nay rất ế, không biết lý do vì sao. Buôn bán giờ chả đủ ăn, có ngày bán được 1-2 khách, có ngày chả có ai mua" - cô Hằng than thở.
Sở hữu một gian hàng bán đồ dùng gia đình tại chợ Đồng Xuân, cô Hạnh nói chưa bao giờ chợ lại ế ẩm như hiện nay, kể cả thời điểm dịch COVID-19.
"Thời điểm cách đây 2 năm dù dịch bệnh nhưng vẫn còn bán được hàng hơn bây giờ, giờ bán khó gấp đôi, gấp ba. Trước đây khách hàng đến mua nhiều và xởi lởi, nhưng giờ họ đã mua ít rồi còn mặc cả từng đồng, chi li tính toán hơn" - cô Hạnh nói.
Theo cô, dù chợ đã rất ế ẩm nhưng "chưa biết là đã chạm đáy chưa", hay còn tồi tệ hơn nữa, bởi kinh tế hiện đang rơi vào giai đoạn suy thoái, đồng thời chịu sự cạnh tranh gay gắt của thương mại điện tử.
"Giờ buôn bán chỉ để có việc mà làm hằng ngày cho đỡ buồn thôi, chứ không có lãi, may mà trước đây bán được còn có tiền tích lũy, giờ lấy ra tiêu" - cô chia sẻ.
Dù ế ẩm nhưng "không thích bán online"
Dù biết việc buôn bán ế ẩm một phần do suy thoái kinh tế, phần khác do sự cạnh tranh khốc liệt của các sàn thương mại điện tử, tuy nhiên đa phần các tiểu thương ở các chợ truyền thống khi được hỏi đều nói không có ý định "bán online".
Cô Hạnh cho biết nhiều người ra chợ mua hàng nói trên mạng bán "giá thế này thế kia, thì lên trên mạng mà mua", bởi hàng mỗi nơi mỗi khác, chưa kể tiền thuê mặt bằng.
"Chúng tôi bán đã mấy chục năm nay ở chợ rồi, giờ nói chuyển sang bán hàng online thì sẽ có con cái hỗ trợ, nhưng chúng tôi không thích, lười thay đổi lắm" - cô Hạnh lý giải việc không chuyển sang bán hàng online.
Bán lẻ cũng... ế
Đi chợ Đồng Xuân để gom quần áo sỉ về bán lẻ, chị Nguyễn Như Quỳnh (quê Hà Nam) cho biết mọi năm cứ một tháng chị sẽ lên Hà Nội để đi dạo các chợ đầu mối gom hàng một lần. Tuy nhiên vì buôn bán quá chậm nên nay phải 3-4 tháng chị mới trở lại Hà Nội để nhập thêm mẫu mới.
"Như năm ngoái năm kia, mỗi lần lên Hà Nội là tôi gom 5-6 tải hàng, cứ đều đều mỗi tháng như vậy. Nhưng năm nay buôn bán cầm chừng, ế ẩm nên lần này lên tôi tính sẽ gom rất ít hàng, chứ ôm chồng hàng về không có khách mua thì lại đóng cửa sớm vì lỗ" - chị Quỳnh chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận