12/11/2023 11:38 GMT+7

Chưa có bao giờ chợ ế như hiện nay

Tôi bán hàng tại chợ An Đông, TP.HCM từ năm 1988, lúc đó chợ mới còn chưa xây. Mấy chục năm gắn bó với chợ, thực sự chưa bao giờ tôi thấy buôn bán khó khăn như hiện nay.

Người bán nhiều hơn khách mua, tiểu thương tại chợ An Đông ngồi chơi điện thoại “giết thời gian” - Ảnh: NHẬT XUÂN

Người bán nhiều hơn khách mua, tiểu thương tại chợ An Đông ngồi chơi điện thoại “giết thời gian” - Ảnh: NHẬT XUÂN

Tình trạng vắng khách kéo dài, không khí chợ đìu hiu, hàng hóa ế ẩm... khiến tiểu thương kiệt quệ.

Năm 1988, tôi bắt đầu buôn bán, năm 1991 sang hai sạp tại chợ với giá 44 triệu đồng, và năm năm sau đó sang tiếp bảy kho để đựng hàng và một sạp với giá gần 300 triệu đồng. Nhìn tưởng ít, nhưng vàng lúc đó chỉ 4-5 triệu đồng/lượng, nên tính ra giá trị không hề nhỏ.

Tuy nhiên, điều an ủi là thời điểm đó bán được, dù bán giày dép với giá rẻ nhưng nhờ khách sỉ và lẻ đều đông nên luôn ăn nên làm ra, giá sang sạp tăng mạnh theo từng năm, mỗi sạp giá bằng cả căn nhà mặt phố.

Cụ thể, năm 1988, dù vàng chỉ hơn 4 triệu đồng/lượng, nhưng tiền thuế tiểu thương đóng đã hơn 3,6 tỉ đồng.

Nhưng do kinh doanh không xuể, lớn tuổi không đủ sức nên năm 2014 tôi đã sang lại hai sạp. 

Từ 2014 đến nay hoạt động kinh doanh chỉ tạm ổn trong vài năm đầu, nhưng từ dịch COVID-19 trở đi là sa sút hẳn, với lượng khách đến chợ giờ giảm trên 60% so với trước dịch, và giảm mạnh so với các năm làm ăn ổn định. 

Trải qua nhiều năm khó khăn, nhiều tiểu thương hiện nay dần lâm vào kiệt quệ.

Do đó, tính ra việc sang sạp trước đó vô tình lại là điều tốt, bởi với tình hình kinh doanh hiện nay, việc này gần như không dễ, nếu sang được cũng giá rất rẻ.

Tôi đã vài lần có ý định sang nhưng tìm không ra khách, và thực tế ở chợ có nhiều tiểu thương treo bảng sang sạp nhưng do kinh doanh khó khăn nên kêu sang 3-4 năm nay cũng không ai ngó ngàng, trong khi các năm trước, lúc kinh doanh tốt, nhiều "lính mới" chỉ mong có người sang sạp để nhảy vào "làm giàu".

Với tình trạng hiện nay, tôi từng có ý định viết đơn xin tạm nghỉ để khỏi đóng thuế. Tuy nhiên với mong muốn giữ khách mối, bạn hàng, tôi đã giao lại sạp cho con gái bán để ráng cầm cự chờ ngày "qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai".

Với việc kinh doanh sa sút, mỗi ngày bán chỉ được trên dưới triệu đồng, thậm chí có ngày quá vắng khách nên chỉ vài trăm ngàn đồng, nên gần như không có lời, nhiều thời điểm còn thua lỗ vì vắng khách.

Chưa kể, việc buộc phải "cõng" thêm nhiều triệu đồng từ khoản thuế, phí của bảy kho hàng hiện chưa cho thuê, sang lại được, nên khó khăn càng chồng chất.

Cứ tưởng xong dịch COVID-19 thì kinh tế khôi phục, người dân chịu mua sắm nhiều hơn, nhưng với tình trạng buôn bán ế ẩm kéo dài như hiện nay, tôi buộc phải sớm tính toán, điều chỉnh các kho hàng để tiện cho thuê, hoặc sang lại, giá thấp cũng phải tính đến phương án này, bởi nếu không thì sẽ không còn tiền xoay xở.

Là người kinh doanh nhỏ, chúng tôi luôn mong khách đông để mở rộng kinh doanh, đóng thêm thuế cho Nhà nước.

Nhưng với thực tế hiện nay, tôi mong Nhà nước sớm có giải pháp để cứu tiểu thương qua giai đoạn khó khăn này, như cứu người dân trong cơn dịch COVID-19, bởi khó khăn hiện nay không khác gì thời điểm dịch, thậm chí càng đuối hơn vì ế ẩm kéo dài nhiều năm qua.

Nhà nước có thể xem xét miễn giảm thuế trong giai đoạn ngắn hạn, chợ cũng nên xem xét có phương án hỗ trợ tiểu thương như giảm các khoản phí.

Tiểu thương có cầm cự, duy trì để "sống" được thì chợ mới "sống" được, còn nếu khó khăn đến kiệt quệ, rời bỏ dần hoạt động kinh doanh thì khó đóng thuế, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Chợ cuối năm đìu hiu, tiểu thương ngồi lo "Tết khó sống"Chợ cuối năm đìu hiu, tiểu thương ngồi lo 'Tết khó sống'

Thời điểm này hồi trước dịch là mùa làm ăn của các chợ tại TP.HCM, đơn hàng sỉ lẻ khắp nơi đổ về, tiểu thương làm cả ngày không hết việc. Vậy mà nay nhiều chợ rơi vào cảnh đìu hiu, khách hàng vắng bóng, người bán nhiều hơn người mua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên