21/01/2020 15:47 GMT+7

Tiểu đội nông dân Huế ‘cưỡi’ phi cơ vô Sài Gòn gói bánh chưng, bánh tét

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Ở Sài Gòn không thiếu người gói bánh chưng, nhưng để gói được bánh chưng loại ngon thượng hạng, chủ lò bánh phải thuê một “tiểu đội” sành nghề từ làng Chuồn (Huế) đi máy bay vô Sài Gòn gói bánh, chỉ trở ra Huế ăn tết vào chiều 30.

Tiểu đội nông dân Huế ‘cưỡi’ phi cơ vô Sài Gòn gói bánh chưng, bánh tét - Ảnh 1.

Ông Hồ Đắc Mạnh đảm nhiệm vai trò cho nhụy vào trong những chiếc bánh - Ảnh: NGỌC HIỂN

Đó là câu chuyện lạ kỳ ở lò bánh chưng, bánh tét của ông Trần Thanh Toàn (gốc Huế) tại quận Bình Tân (TP.HCM).

Hơn chục năm nay, cứ đến cuối tháng chạp, ông Toàn lại mua vé máy bay cho một "tiểu đội" gần cả chục nông dân Huế khăn gói vô Nam chỉ để cùng nhau gói bánh chưng.

Đây là những đôi tay gói bánh sành sỏi sống bên đầm Chuồn (đầm nước lợ trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, lớn nhất Đông Nam Á) - một ngôi làng gói bánh nức danh xứ Huế với truyền thống làm nghề này đã mấy trăm năm.

Đến chiều 30 tết khi những mẻ bánh cuối cùng đã ra lò, những nông dân này lại khăn gói, mang theo "cục tiền" trở lại cố đô ăn tết.

Điều đặc biệt, lò bánh của ông Toàn chỉ đỏ lửa rộn ràng chừng chục ngày tết, còn thường nhật ông vẫn phải lo các công việc khác.

y vậy mà mỗi ngày lò của gia đình gốc Huế này vẫn xuất ra thị trường hơn 1.000 chiếc bánh và rất "chảnh" khi chỉ bỏ cho những bạn hàng đã làm ăn lâu nay mà chẳng bán lẻ ra thị trường.

Tiểu đội nông dân Huế ‘cưỡi’ phi cơ vô Sài Gòn gói bánh chưng, bánh tét - Ảnh 2.

Chộn rộn không khí tết khi người làm nhụy, người gói bánh ở một góc Sài Gòn trưa 26 tết - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tỉ mẩn ngồi xếp nhụy cho những chiếc bánh chưng, ông Hồ Đắc Mạnh (63 tuổi) cho biết cả chục năm nay, cứ đến tết là ông lại vào Sài Gòn "kiếm bạc" bằng nghề gói bánh chưng.

Theo ông Mạnh, ở quê chỉ gắn với đồng ruộng, làm "thợ đụng" kiếm thêm tiền, cuối năm chẳng dư giả nhiều nên mỗi một lần vô Sài Gòn là ông cầm về được "cục bạc" chừng 7-8 triệu ăn tết.

Tương tự, ông Hồ Văn Bường (54 tuổi) cho biết dân gian có câu "lúa tháng giêng, tiền tháng chạp" nên cứ cuối năm ông lại vô Sài Gòn bỏ công, bỏ sức làm cái nghề truyền thống của làng mình.

Để tạo không khí vui vẻ cho "tiểu đội" ông Bường thường hay nhận vai trò chủ xướng hát chầu văn, ca Huế tạo nên một không gian quê đậm chất Huế giữa phố thị.

Trong số các thợ làm bánh, ông Đoàn Đình Lâu (54 tuổi) là người duy nhất lần đầu tiên đến Sài Gòn gói bánh lại được đi bằng máy bay miễn phí. Nói về chuyến bay đầu tiên của cuộc đời, người nông dân Huế này chỉ nhận xét gọn: "Đi máy bay êm hơn đi xe đò".

Ông Trần Thanh Toàn cho biết từ tháng 7 âm lịch ông đã ra Huế tìm thợ làm, mua vé máy bay cho cả đoàn thợ vô Sài Gòn. Tuy ở Sài Gòn không thiếu người làm bánh, ông Toàn cho rằng tay nghề không đạt đến độ sắc sảo, chỉn chu như dân làng Chuồn nên tốn kém mấy ông cũng phải mướn cho được dân làng Chuồn vào gói bánh.

Tiểu đội nông dân Huế ‘cưỡi’ phi cơ vô Sài Gòn gói bánh chưng, bánh tét - Ảnh 3.

Nếp Bắc trắng tinh với nhân đậu xanh Long Xuyên - Ảnh: NGỌC HIỂN

Để cho ra những chiếc bánh ngon, ông Toàn phải chọn nếp Bắc, nhân bánh là đậu xanh loại 1 Long Xuyên và các loại lá chuối, lá dong, lạt… phải là "hàng tuyển" nhập trực tiếp từ Long Thành (Đồng Nai) về Sài Gòn.

Thịt heo phải đúng loại 3 chỉ ngon nhất của con heo mới chịu. Vì thế, ông Toàn cho biết lò của ông có sẵn những mối quen, không bán lẻ ra thị trường và giá bỏ sỉ cũng không dưới 150.000 đồng mỗi chiếc bánh chưng, bánh tét.

"Đây là nghề truyền thống của quê mình, cực thì cực thiệt nhưng nói đến chuyện nghỉ cũng tiếc, cố gắng làm vừa tạo công ăn việc làm cho anh em mình ở quê, mình cũng kiếm được chút đỉnh", ông Toàn nói.

Suốt bao mùa bánh chưng xanh, ông Toàn kể rằng niềm vui nhất với ông là dân mình được ăn những chiếc bánh chất lượng, đúng vị quê của dân làng Chuồn đã bao đời truyền dạy, giữ gìn nghề truyền thống ngày tết.

Tiểu đội nông dân Huế ‘cưỡi’ phi cơ vô Sài Gòn gói bánh chưng, bánh tét - Ảnh 4.

Bên cạnh thuê những nông dân nam gói bánh, ông Toàn cũng thường thuê thêm các o, các chị ngoài Huế vô để chuẩn bị nếp, đậu xanh - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tiểu đội nông dân Huế ‘cưỡi’ phi cơ vô Sài Gòn gói bánh chưng, bánh tét - Ảnh 5.

Lá chuối nhập từ Long Thành (Đồng Nai) để nấu bánh tét - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tiểu đội nông dân Huế ‘cưỡi’ phi cơ vô Sài Gòn gói bánh chưng, bánh tét - Ảnh 6.

Ông Hồ Văn Bường, một tay gói bánh có tiếng ở làng Chuồn đảm nhiệm vai trò cột lạt - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tiểu đội nông dân Huế ‘cưỡi’ phi cơ vô Sài Gòn gói bánh chưng, bánh tét - Ảnh 7.

Những nông dân làng Chuồn thường ngày chân lấm tay bùn nay gác lại công việc đồng áng để vô Sài Gòn gói bánh - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tiểu đội nông dân Huế ‘cưỡi’ phi cơ vô Sài Gòn gói bánh chưng, bánh tét - Ảnh 8.

Những chiếc bánh tét tròn trịa đã hoàn thành - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tiểu đội nông dân Huế ‘cưỡi’ phi cơ vô Sài Gòn gói bánh chưng, bánh tét - Ảnh 9.

Những chiếc bánh chưng vuông vức được ông Toàn khẳng định "ngon hơn ngoài Huế" - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tiểu đội nông dân Huế ‘cưỡi’ phi cơ vô Sài Gòn gói bánh chưng, bánh tét - Ảnh 10.

Những mẻ bánh chưng ra lò vào ngày 26 tết - Ảnh: NGỌC HIỂN

Đi chợ Tết xưa có ông đồ, bánh chưng ở Hà Nội Đi chợ Tết xưa có ông đồ, bánh chưng ở Hà Nội

TTO - Từ 2-2 đến 6-2, một phiên chợ đặc biệt diễn ra tại Aeon Mall (Hà Nội) tái hiện không gian sống động của phiên chợ Tết xưa cũ với ông đồ, bánh chưng, hoa đào và các món ăn cổ truyền dân tộc dịp Tết.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên