31/08/2013 09:42 GMT+7

Tiêu cực làm tai nạn giao thông thêm nghiêm trọng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã nhận định như thế tại phiên giải trình về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông do Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội tổ chức ngày 30-8.

Tham nhũng làm tai nạn giao thông thêm nghiêm trọng

z9BsFNyY.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại phiên chất vấn - Ảnh: L.kiên
m6m9voqs.jpgPhóng to
Trung tướng Đỗ Đình Nghị - Ảnh: Lê Kiên

Đó là nhận định của bà Lê Thị Nga - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng thừa nhận tại phiên giải trình về “Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô” được Ủy ban Quốc phòng - an ninh tổ chức ngày 30-8.

Tham nhũng, tiêu cực được xác định không chỉ với lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường mà với cả lực lượng có thẩm quyền cấp phép kinh doanh, đào tạo, sát hạch ngồi trong phòng lạnh.

Đổ lỗi cho lái xe là chưa đủ

"Hiện nay trong công tác đảm bảo trật tự giao thông thì CSGT có vai trò hết sức quan trọng, tham mưu, nòng cốt. Trong công tác có rất nhiều gương hi sinh. Như năm 2012 có hai đồng chí hi sinh, 101 đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ, hơn 5.000 trường hợp không nhận tiền tiêu cực từ lái xe, chủ hàng..."

Trung tướng Đỗ Đình Nghị

"Chúng tôi thấy rất lạ là một số phát ngôn như của đồng chí lãnh đạo Cục CSGT đường bộ, đường sắt rằng nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà nói là tham nhũng thì không thỏa đáng. Tôi cho rằng những phát ngôn, đánh giá như vậy cần phải xem lại"

Lê Thị Nga

“Nếu cứ thường xuyên đánh giá tai nạn giao thông là do ý thức của lái xe, của người tham gia giao thông là đúng nhưng chưa đủ. Ở đây phải nói đến vấn đề của người thực thi công vụ. Tại sao một xe quá tải chạy từ Nam ra Bắc trước dày đặc các trạm, chốt cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông mà vẫn chạy từ điểm đầu đến điểm cuối được?” - bà Nga đặt vấn đề. Theo bà, năm 2013 Tổ chức Minh bạch thế giới công bố kết quả khảo sát về quan điểm và trải nghiệm của người dân về tham nhũng thì trong đó lực lượng CSGT vẫn là một trong những bộ phận bị đánh giá là tốp hàng đầu về tham nhũng. “Chúng tôi thấy rất lạ là một số phát ngôn như của đồng chí lãnh đạo Cục CSGT đường bộ, đường sắt rằng nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà nói là tham nhũng thì không thỏa đáng. Tôi cho rằng những phát ngôn, đánh giá như vậy cần phải xem lại” - bà Nga bình luận và đề nghị đại diện Bộ Công an cho biết thực trạng người dân cảm nhận có đúng không, bao giờ khắc phục được.

Bà Nga chất vấn: “Giải pháp cụ thể nào để khắc phục tình trạng tiêu cực của CSGT trên các trục đường, mà theo tôi, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để dẫn đến góp phần vào tai nạn giao thông?”. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, để “cố gắng hạn chế tiêu cực trong hoạt động tuần tra, kiểm soát, tới đây chúng tôi phối hợp với Bộ Công an siết lại các văn bản quy phạm pháp luật, người dân phải được giám sát công khai. Văn bản phải dễ hiểu, không để tình trạng hiểu thế nào là quyền của người thực thi. Tất nhiên, nguyên nhân tai nạn không chỉ có hoạt động tuần tra, kiểm soát và có vấn đề cấp phép kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, nghĩa là có nguyên nhân từ trong phòng lạnh”.

Phúc đáp chất vấn của bà Nga, trung tướng Đỗ Đình Nghị - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - cho biết Bộ Công an đã đặt ra rất nhiều giải pháp để chấn chỉnh tình trạng tiêu cực. Ví dụ đề xuất nộp phạt qua tài khoản (vì để tình trạng phải đến kho bạc hiện nay gây rất nhiều khó khăn cho người vi phạm nên họ dễ thỏa hiệp với CSGT) thì “Chính phủ đã đồng ý nhưng các bộ, ngành nghiên cứu chưa ra được”. Đề xuất thêm chế độ chính sách, đảm bảo điều kiện làm việc cho lực lượng CSGT “cũng đã được ghi nhận, thế nhưng hơn năm nay rồi cũng chưa có”. Hay là đề nghị để xử phạt minh bạch hơn thì phải đầu tư hệ thống giám sát, Chính phủ đã phê duyệt, nhưng do khó khăn về kinh phí nên chưa được đầu tư.

“Tôi đề nghị Chính phủ, ở đây là Bộ GTVT cần xem xét các nguyên nhân kinh tế, trong đó có chi phí cho vận hành của xe trên đường, nhất là chi phí xe khách, xe tải xem nó liên quan như thế nào đến an toàn. Chi phí xăng dầu tăng, chi phí cầu đường xu hướng tăng cao. Và cả những chi phí không chính thức mà người dân hay gọi là chi phí “làm luật” trên đường, khoản chi phí này cũng tương đối mà một người lái xe khách, xe tải hoàn toàn có thể tính được” - bà Lê Thị Nga nói.

GrALfg8p.jpgPhóng to
Bà Lê Thị Nga

Phạt nặng chủ xe, siết chặt quản lý

Ông Đinh La Thăng đã hứa rất nhiều trong suốt phiên điều trần, khi các đại biểu tập trung hỏi về trách nhiệm quản lý trước tình trạng buông lỏng cấp phép kinh doanh vận tải, thả nổi hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe... “Tình trạng quản lý của chủ doanh nghiệp rất lỏng lẻo, thường là khoán trắng cho lái xe, mọi vấn đề trên đường thì lái xe chịu trách nhiệm hết... Đạo đức và nhận thức về luật lệ của nhiều lái xe rất kém, một nguyên nhân lớn là do đào tạo, cấp phép lái xe, có nhiều trường hợp chỉ đăng ký học rồi vào thi. Kiểm soát sức khỏe lái xe kém, nhiều trường hợp gây tai nạn rồi mới biết lái xe nghiện. Trách nhiệm quản lý nhà nước thế nào?” - đại biểu Trần Đình Thu đặt vấn đề.

Thừa nhận có tình trạng buông lỏng quản lý xảy ra ở nhiều nơi, ông Thăng cho biết đang nghiên cứu để tới đây sửa đổi, bổ sung các nghị định 91, 93 của Chính phủ để siết chặt công tác quản lý đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, với bến bãi, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, đưa các hoạt động này vào nề nếp. “Ví dụ như phải bổ sung quy định trách nhiệm của chủ phương tiện. Lâu nay cứ một vụ tai nạn xảy ra thì chỉ nghĩ đến trách nhiệm lái xe là chưa đúng, bởi lái xe chỉ là người làm công ăn lương. Bây giờ chúng tôi đặt lại vấn đề là trách nhiệm chủ doanh nghiệp thế nào, trách nhiệm quản lý nhà nước thế nào” - ông Thăng nói.

Đối với vấn đề đào tạo, sát hạch lái xe, ông Thăng cũng nhận đây là “lỗi của quản lý nhà nước”. Trong đó nêu rõ tình trạng như bùng nổ trung tâm đào tạo, sát hạch; chương trình, nội dung đào tạo không phù hợp, xe thì cũ kỹ; học viên chỉ cần nộp hồ sơ để thi chứ không cần học... “Các trung tâm đào tạo, sát hạch thì phải dạy cho người ta lái xe chứ không phải vào đăng ký để có bằng. Chương trình học lý thuyết, thực hành phải được điều chỉnh lại, phải học nhiều hơn, kỹ hơn. Đưa công nghệ hiện đại vào thi cử, hạn chế thấp nhất mức tác động của con người” - ông Thăng nêu giải pháp.

Phạt xe không chính chủ theo lộ trình

Cuối tháng 7-2013 trong dự thảo lần 6 nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (thay thế nghị định 71) mà Bộ GTVT chủ trì xây dựng đã bỏ quy định xử phạt chủ môtô, xe gắn máy không chuyển quyền sở hữu phương tiện (sở hữu không chính chủ). Tuy nhiên chiều 30-8, Bộ GTVT và Bộ Công an đã có buổi làm việc về quy định này và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đề nghị đưa hành vi này vào dự thảo.

Theo đó, ông Thăng yêu cầu tổ soạn thảo cân nhắc đưa hành vi này vào dự thảo nghị định theo hướng: trong trường hợp khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng lực lượng CSGT mới kiểm tra xem xe có sang tên, chuyển quyền sở hữu hay không để xử phạt. Mức phạt đối với hành vi này giữ nguyên theo nghị định 34/2010 nhưng phải có lộ trình đối với ôtô là 1-1-2015, còn xe máy là 1-1-2017.

T.PHÙNG

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên