Đội 737 MAX của hãng American Airlines - Ảnh chụp màn hình American Airlines
Theo Hiệp hội các tiếp viên hàng không chuyên nghiệp (APFA) ở Mỹ, các tiếp viên hàng không hiện muốn được giải thích rõ về những gì đã diễn ra trong 2 vụ tai nạn chết chóc gần đây, liên quan tới 737 MAX và tại sao máy bay này giờ đã đủ an toàn để tiếp tục hoạt động.
"Tôi nghe phản hồi từ một số tiếp viên hàng không mỗi ngày và họ đang cầu xin tôi không bắt họ quay lại làm việc trên các máy bay dòng đó" - Chủ tịch APFA, bà Lori Bassani, kể lại với các phóng viên.
Việc lấy lại lòng tin của nhân viên các hãng bay là cần thiết với Boeing khi tập đoàn này tìm cách đưa 737 MAX quay lại bầu trời. Các máy bay dòng này đã được cho "nằm đất" trên toàn cầu từ hồi tháng 3 sau hai vụ tai nạn hàng không liên quan tới dòng máy bay này ở Indonesia vào tháng 10-2018 và ở Ethiopia vào tháng 3-2019.
Một tiếp viên hàng không đi kiểm tra trên chuyến bay của hãng American Airlines hồi tháng 10 - Ảnh chụp màn hình Dallas Morning News
Đầu tuần này, Boeing cho biết Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) dự kiến chứng nhận phần mềm kiểm soát chuyến bay đã được tái thiết kế của tập đoàn này vào giữa tháng 12 và các máy bay dòng 737 MAX có thể có chuyến bay thương mại từ tháng 1-2020.
Trong khi đó, tuần trước, hãng hàng không American Airlines cho biết sẽ lùi lại thời gian vận hành đội bay 737 MAX đến tháng 3 năm sau. Trước đó, hãng bay này thông báo sẽ nối lại các chuyến bay này vào tháng 1-2020.
Để chứng minh độ an toàn của dòng máy bay này với các hành khách, American Airlines lên kế hoạch thực hiện "các chuyến bay thao diễn" cùng với thành viên ban quản trị, các nhân viên và phóng viên trước khi nối lại các chuyến bay thương mại.
Chủ tịch Robert Isom của American Airlines cho biết các nhân viên của hãng hàng không này phải cảm thấy yên tâm với 737 MAX thì các máy bay mới có thể quay lại bầu trời.
"Sau khi FAA bắn tín hiệu chấp thuận và sau khi các phi công của chúng tôi khẳng định ‘đã sẵn sàng bay!’, chúng tôi có ý định bay thử dòng máy bay này để các nhân viên của mình yên tâm" - ông Robert Isom chia sẻ.
Cuộc điều tra sơ bộ cho thấy hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) có thể là nguyên nhân dẫn tới 2 vụ tai nạn trên. Hệ thống này được cho là đã nhận tín hiệu sai do cảm biến góc tấn gặp trục trặc, sau đó phát lệnh chúi mũi máy bay xuống. Phi công đã nỗ lực đưa mũi máy bay lên nhưng bất thành.
Nhiều tháng qua Boeing đã nỗ lực cập nhật phần mềm kiểm soát bay bị đặt vào vòng nghi vấn sau 2 vụ tai nạn liên quan tới dòng 737 MAX khiến 346 người thiệt mạng. 737 MAX được bay lại chỉ khi bản cập nhật phần mềm đối với MCAS được FAA và các nhà quản lý hàng không trên khắp thế giới chính thức chấp thuận, theo trang Business Insider.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận