Kiến nghị cho UBND quận, huyện được quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước
Quy định này đã tạo điều kiện cho người đang thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước có cơ hội mua nhà.
Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Đỗ Phi Hùng - Ảnh: Ngọc Hà |
Tại TP.HCM hiện còn gần 1.800 căn nhà thuộc sở hữu nhà nước chưa bán vì nhiều nguyên nhân. Ông Đỗ Phi Hùng, phó giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết:
- Có 1.455 trường hợp do người thuê khó khăn về kinh tế nên không nộp đơn mua nhà, 127 trường hợp chủ nhà không đồng ý với việc xác lập sở hữu nhà nước, 62 căn nhà đang có tranh chấp khiếu nại trong nội bộ gia đình hoặc giữa những người thuê nhà với nhau và 137 căn chưa bán vì nguyên nhân khác.
* Nếu người đang thuê các căn nhà trên muốn tiếp tục mua nhà, Nhà nước có bán nữa không, thưa ông?
- Chủ trương của TP là tiếp tục bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước. Giá bán được chia thành các loại như sau: nhà ở được bố trí trước ngày 27-11-1992 (ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 118 về việc đưa tiền nhà vào tiền lương - tức ngừng bố trí nhà ở cho cán bộ, công chức), đã nộp hồ sơ mua nhà cho cơ quan quản lý nhà thì sẽ tiếp tục được mua nhà theo quy định của nghị định 61. Người mua trả 40% tiền mua nhà cho diện tích trong hạn mức đất ở và 100% tiền mua nhà cho diện tích ngoài hạn mức đất ở. Tiền mua nhà được tính theo giá đất của quyết định 05 năm 1995 của UBND TP.HCM.
Trường hợp nhà được bố trí sau ngày 27-11-1992 có ba giai đoạn:
Từ ngày 27-11-1992 đến trước ngày 5-7-1994 (ngày Chính phủ ban hành nghị định 61 về mua bán và kinh doanh nhà ở): người mua nhà trả 40% tiền mua nhà cho diện tích nhà trong hạn mức đất ở và 100% cho diện tích lớn hơn hạn mức. Giá bán nhà là giá đất do UBND TP ban hành tại thời điểm bán nhà.
Nhà ở được bố trí từ ngày 5-7-1994 đến trước ngày 19-1-2007 (ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 09 về sắp xếp bố trí lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước), người mua nhà phải trả 100% tiền nhà theo bảng giá đất tại thời điểm bán.
Nhà ở được bố trí từ ngày 19-1-2007 về sau: không giải quyết bán nhà thuộc sở hữu nhà nước mà căn cứ quyết định 09 để xử lý.
* Những trường hợp chưa nộp hồ sơ mua nhà trước khi nghị định 34 về nhà sở hữu nhà nước có hiệu lực (ngày 6-6-2013) có được mua nhà?
- Người mua nhà nộp hồ sơ sau ngày 6-6-2013 sẽ được mua nhà theo nghị định 34, tức giá bán nhà theo giá đất được Nhà nước ban hành tại thời điểm bán nhà. Theo thông tư 48 do Bộ Tài chính ban hành ngày 22-4 nói trên, việc bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước sẽ kéo dài đến hết ngày 31-12-2014.
* Nhà nước có chính sách gì hỗ trợ những trường hợp khó khăn, không có tiền mua nhà?
- Hiện Nhà nước không có chính sách hỗ trợ nào khác vì giá nhà theo nghị định 61 đã hỗ trợ người thuê nhà rất nhiều. Tuy nhiên, có thể một vài địa phương, chính quyền vận động các mạnh thường quân hỗ trợ người thuê nhà nhà nước mua nhà...
* Trường hợp nào người đang thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước phải mua nhà theo giá thị trường?
- Người đang thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước đã được hưởng chính sách nhà ở một lần rồi, nhưng sau đó tiếp tục được thuê một căn nhà khác thì nay vẫn được mua nhà. Theo quy định của UBND TP, một hộ gia đình, cá nhân chỉ được hưởng chính sách nhà ở một lần. Nghị định 34 quy định người mua nhà thuộc sở hữu nhà nước lần hai không được miễn giảm. Hiện Sở Xây dựng TP đang xin chủ trương của UBND TP về việc tính tiền bán nhà lần hai cho những trường hợp này theo giá thị trường.
Trường hợp nhà thuê của Nhà nước nhưng không phải là nhà ở (nhà xưởng, cơ sở sản xuất kinh doanh) thì sẽ được bán theo giá thị trường (do Sở Tài chính xác định).
* Trường hợp người dân được các công ty, đơn vị bố trí nhà ở nhưng chưa bàn giao về cho UBND TP thì giải quyết thế nào?
- Hiện có vài trăm căn nhà do người dân đang thuê của các đơn vị, công ty trực thuộc các bộ, ngành trung ương và các đơn vị này không bàn giao cho thành phố. Thành phố không có thẩm quyền can thiệp buộc các đơn vị này phải bàn giao nhà. Nhiều trường hợp lấy lý do muốn giữ đất để làm dự án. Như vậy, đơn vị đang quản lý số nhà này sẽ tự lo tái định cư cho người dân đang ở trong khuôn viên đó.
Nếu người dân thấy thiệt thòi thì khiếu nại đến các cơ quan chủ quản của công ty, đơn vị đang quản lý nhà hoặc gửi đơn đến Bộ Tài chính - đơn vị được giao chủ trì sắp xếp nhà ở...
Gia hạn nộp tiền mua nhà như thế nào? Theo thông tư 48, có ba trường hợp được xét gia hạn nộp tiền mua nhà thêm 24 tháng nếu như hộ gia đình, cá nhân mua nhà ký hợp đồng mua nhà với cơ quan chức năng cho đến ngày 31-12-2014. Cụ thể, những hộ gia đình được bố trí nhà ở hoặc nhà không có nguồn gốc là nhà ở trước ngày 27-11-1992, nhưng nộp đơn xin mua nhà sau ngày 6-6-2013 (mua nhà theo chính sách và giá bán của nghị định 34) được xét gia hạn số tiền mua nhà phải nộp. Hộ gia đình, cá nhân tiếp tục được mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước theo nghị định 61, đã nộp hồ sơ trước ngày 6-6-2013 nhưng ký hợp đồng sau thời điểm này được gia hạn đối với số tiền phải nộp lần đầu. Thời hạn 24 tháng tính từ ngày ký hợp đồng. Hộ gia đình, cá nhân đã mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước theo nghị định 61 trước ngày 6-6-2013 mà trong năm 2014 phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì được xét gia hạn đối với số tiền còn lại. Thời hạn 24 tháng tính từ thời điểm phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Hồ sơ xin gia hạn gồm giấy đề nghị gia hạn, hợp đồng mua bán nhà ở và giấy tờ liên quan khác (nếu có) nộp cho Sở Xây dựng TP hoặc cơ quan quản lý nhà ở thuộc Bộ Quốc phòng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận