Mỗi sáng Thịnh đều thức dậy sớm đi chợ, nấu ăn cho hai anh em rồi vượt 15km đi làm thêm, đến trường - Ảnh: DUY THANH
Một ngày của cậu tân sinh viên khoa cơ khí Trường cao đẳng Công Thương miền Trung ấy xoay vòng với sáng sớm đi chợ, về nấu ăn, rồi chạy xe máy gần 15km vào TP Tuy Hòa (Phú Yên) làm việc cho một shop quần áo, trưa qua quýt cơm bụi để chiều lên giảng đường, tan học lại chạy về với em trai.
Tôi gắng học ba năm, ra trường đi làm để còn lo cho em trai học lên nữa. Mình cứ cố gắng và nỗ lực hết sức thì sẽ được đền đáp, sẽ được giúp đỡ.
BÙI XUÂN THỊNH
Vừa hết tang mẹ lại thọ tang cha
Một chiều cuối tháng 11 mưa tầm tã, con hẻm ở làng biển thôn Mỹ Quang Nam dẫn vào nhà Thịnh ngoằn ngoèo hun hút, sũng nước. Ngôi nhà cấp 4 hai anh em đang ở càng lạnh lẽo trong tiếng máy tụng kinh rì rầm trên bàn thờ người cha còn nghi ngút khói hương. Bên cạnh là di ảnh người mẹ.
Biến cố gia đình toàn đến vào những năm Thịnh học cuối cấp. Đang học lớp 9, mẹ mất. Mãn tang mẹ chưa bao lâu thì tháng 11-2021, ba cũng qua đời. Lúc đó Thịnh đang học lớp 12, em trai đang lớp 7.
Quê ở Hà Tĩnh, gia cảnh khó khăn nên cha Thịnh trôi dạt vào Phú Yên, mưu sinh bằng nghề đi bạn cho tàu đánh cá. Gặp mẹ Thịnh ở làng biển Mỹ Quang Nam rồi nên duyên vợ chồng khi cả hai đều đã "kha khá" tuổi. Năm 2004, Thịnh chào đời. 5 năm sau có thêm cậu em trai là Lợi.
Lúc đó, mẹ làm công nhân trong khu công nghiệp tại TP Tuy Hòa, còn ba theo tàu đi đánh cá, cuộc sống khó khăn nhưng gia đình ấm êm, hạnh phúc. Rồi đột nhiên mẹ bị sốt cao suốt khoảng 20 ngày, dù chạy chữa từ bệnh viện ở Phú Yên cho đến TP.HCM nhưng mẹ vẫn không qua khỏi.
"Lo đám tang cho má xong, một thời gian sau ba lại theo tàu đi biển ở các tỉnh phía Nam. Mỗi tháng ba về nhà một lần, nghỉ ngơi vài ngày, căn dặn hai anh em vài điều, rồi lại tiếp tục đi. Từ lúc mẹ mất, hai anh em tự lo chuyện ăn uống, học hành, giữ nhà cửa nhưng vẫn còn ba là chỗ dựa. Nào ngờ..." - Thịnh hướng đôi mắt buồn về phía bàn thờ ba.
Vậy mà sau chuyến đi biển trở về đầu tháng 9 âm lịch mới đây, đêm đó đang ngủ, ba Thịnh bị tai biến mạch máu não, không nói được, không đi đứng được. Mọi người đưa ông vào bệnh viện, nằm thở oxy khoảng một tuần thì ông đi.
Học gần để lo cho em
Hai cú sốc đầu đời quá lớn với hai anh em làm mọi thứ đảo lộn. Duy nhất một điều không thay đổi là cả hai chưa từng có ý định bỏ học. Anh em Thịnh quyết tâm phải học dù ba má không còn bên cạnh vì không muốn rồi đời mình cũng vất vả như bao nhiêu người của làng biển này khi không học hành đến nơi đến chốn.
Thịnh vui lắm khi trúng tuyển ngành công nghệ ô tô của hai trường ở Đà Nẵng, Đồng Nai nhưng nhiều đêm nhìn đứa em vô tư ngủ bên cạnh, bạn trằn trọc mãi. Nếu đi học, tằn tiện lắm mỗi tháng cũng tốn ít nhất 3 triệu đồng. Khoản tiền ấy đủ chi tiêu cho cuộc sống, học hành của hai anh em ở quê.
"Anh em tôi đang sống nhờ tiền trợ cấp xã hội mỗi tháng được 1.080.000 đồng, ngoài ra không còn khoản nào khác, làm sao học đại học xa nhà, rồi ai bảo ban, chăm sóc cho Lợi?" - Thịnh bộc bạch.
Cậu quyết định chọn ngành cơ khí Trường cao đẳng Công Thương miền Trung tại TP Tuy Hòa. Đó gần như là giải pháp tối ưu nhất với Thịnh lúc này, vừa gần nhà để bớt chi phí, vừa có thể đi về mỗi ngày lo cho cậu em trai.
Dù thuộc diện hộ nghèo, sinh viên sẽ được miễn, giảm học phí nhưng nhập học mỗi người phải đóng 8 triệu đồng. Bí bách, Thịnh chạy về quê nội ở Hà Tĩnh, rồi cậy nhờ bên ngoại xin tiền, mượn thêm của người thân để tạm đủ số tiền nhập học.
Những hôm đầu vào học, tranh thủ buổi nào không lên lớp, Thịnh làm phục vụ cho quán cà phê. Chừng hai tháng nay, bạn đã xin được công việc tại tiệm bán áo quần ở TP Tuy Hòa, tiền công 15.000 đồng/giờ.
Mỗi ngày học một buổi, buổi còn lại Thịnh đi làm thêm, thứ bảy và chủ nhật làm cả ngày. Tính ra mỗi tháng cũng có thêm khoảng 2 triệu đồng lo cuộc sống của hai anh em. Hôm nào thiếu thốn lại chạy qua nhà cậu, nhà dì gần đó, khi ký gạo, lúc lít mắm, cân cá.
Cô Huỳnh Thị Ái Dân, giáo viên chủ nhiệm của Thịnh ở Trường THPT Lê Thành Phương, nói cả trường đều biết hoàn cảnh của anh em Thịnh, càng quý hơn khi em vẫn duy trì kết quả học tập khá, giỏi và đỗ đại học.
"Chúng tôi cũng thường liên lạc, động viên em tiếp tục vươn lên. Hoàn cảnh chưa cho phép thì học cao đẳng, học nghề cũng là một lối ra tốt cho tương lai, nhất là còn làm điểm tựa cho em trai", cô Ái Dân chia sẻ.
"Thương cháu quá mà chẳng biết làm sao..."
Bà Trần Thị Quyền, dì bảy của Thịnh, rơi nước mắt khi nói về hai đứa cháu côi cút, mất cả ba má khi còn đang tuổi ăn, tuổi học.
"Cũng nhờ là cả hai đứa đều chăm học, hiền lành, hiếu thảo nên ai cũng thương. "Mất cha còn chú, mất mẹ bú dì", tụi tui cũng ráng cưu mang các cháu nhưng ai cũng nghèo khó quá, toàn đi làm thuê làm mướn nên cháu đỗ đại học mà mình đâu có lực để lo cho cháu học được, thương lắm mà không biết phải làm sao..." - bà Quyền bày tỏ.
62 học bổng cho tân sinh viên Phú Yên
Hôm nay (3-12), tại TP Tuy Hòa, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh Đoàn Phú Yên, Câu lạc bộ Nghĩa tình Phú Yên tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 62 tân sinh viên khó khăn của Phú Yên.
Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng, tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng do Câu lạc bộ Nghĩa tình Phú Yên tài trợ.
Đây là điểm thứ chín của chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" 2022. Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng bốn laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng cho sinh viên.
Dịp này, tỉnh Phú Yên, Câu lạc bộ Nghĩa tình Phú Yên và báo Tuổi Trẻ chính thức phát động và tiếp nhận đóng góp ủng hộ chương trình xóa 1.000 căn nhà tạm cho hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn từ nay đến năm 2025 với tổng kinh phí 50 tỉ đồng (dự kiến hỗ trợ 50 triệu đồng/căn).
20 mùa học bổng Tiếp sức đến trường - Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận