06/01/2014 15:35 GMT+7

Tiếng Anh sẽ theo học sinh đi suốt cuộc đời

TTO
TTO

TTO - Hiện nay tiếng Anh không chỉ là một môn để thi mà hơn hết nó là chìa khóa để học sinh Việt Nam đi khắp bốn bể năm châu khi đất nước tiến sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu.

86reUdMK.jpgPhóng to
Môn thi tiếng Anh đang được tranh cãi dữ dội - Ảnh minh họa: DAD

Vì vậy, khá nhiều bạn đọc ủng hộ việc đưa tiếng Anh vào môn thi tốt nghiệp.TTO xin trích đăng ý kiến bạn đọc:

Tiếng Anh - chìa khóa mở cánh cửa hội nhập nhanh nhất

Tiếng Anh đã phổ cập hầu như 90% trên thế giới. Ở Việt Nam hiện nay các trường Anh ngữ thi nhau đua nở. Đủ loại sách, phương pháp đào tạo... cho học viên. Thế nhưng, sau đào tạo khả năng nghe và nói của học viên còn rất yếu. Ngay cả với một số giáo viên Anh ngữ, người Mỹ nghe sẽ không hiểu họ muốn nói gì! Cho nên việc đưa tiếng Anh là ngoại ngữ chính bắt buộc đó là điều rất cần thiết. Phải dạy Anh ngữ cho học sinh ngay bậc tiểu học, vì lúc đó các em học sinh dễ luyện về phát âm. Tôi nghĩ nên làm ngay, chúng ta đã chậm, nhưng chậm còn hơn không. Có như thế mới mở cánh cửa hội nhập với thế giới nhanh nhất.

David Ninh

Băn khoăn môn ngoại ngữ

Sao nước ta lại băn khoăn chuyện mà các nước xem là tất nhiên và bắt buộc, thời đại hội nhập mà không biết ngoại ngữ là một rào cản rất lớn, thậm chí có nước các bảng hiệu đều có 2 thứ tiếng. Việt Nam muốn chuyển mình thì người dân biết thêm 1 thứ tiếng là điều tất nhiên.

văn quân

Cần phải thi môn tiếng Anh

Theo tôi nghĩ, bỏ môn thi tiếng Anh là một bước lùi trong thi tốt nghiệp THPT. Lý do Bộ GD-ĐT đưa ra để bỏ thi tiếng Anh là thiếu thuyết phục. Nếu bộ cho rằng thi tiếng Anh ở THPT là hình thức, không thực chất vậy thi tiếng Anh đại học khối A1 có thực chất không? Không phải bỏ môn thi tiếng Anh mà chuyển sang khuyến khích thi tiếng Anh mới gọi là đổi mới toàn diện. Những năm gần đây, học sinh bắt đầu thích thú với môn tiếng Anh, phong trào học tiếng Anh trong trường phổ thông đang lên. Rất mừng. Nay bỏ thi khác nào ngọn lửa đang nhóm lại bị giội một xô nước lạnh. Nếu bỏ thi, phải mất nhiều năm nữa để nhen nhóm lại. Quá lãng phí!

Lê Hồng Kông

Phải đưa tiếng Anh vào môn thi bắt buộc

Theo tôi, môn ngoại ngữ vẫn được đưa vào môn thi bắt buộc, vì nếu cộng 2 điểm nếu trên 9, 1,5 điểm nếu từ 7 điểm trở lên thì vấn đề này sẽ dễ xảy ra tiêu cực, làm như vậy có thể có em không chịu học nhưng do học thêm chính thầy cô sẽ được nâng điểm để được cộng 2 điểm vào điểm tốt nghiệp, trong khi có em rất có khả năng về ngoại ngữ nhưng do vấn đề gì đó khi thi không được kết quả như mong muốn sẽ bị điểm thấp, như vậy sẽ không công bằng và không phản ánh đúng năng lực của học sinh. Hãy để môn ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc như trước đây hoặc một trong 2 môn tự chọn.

lephuong

Không băn khoăn môn ngoại ngữ

Tôi nghĩ nếu nước ta như Nhật Bản thì có thể cân nhắc môn ngoại ngữ đặc biệt Anh văn. Thứ nhất cộng đồng thế giới luôn dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp. Thứ hai các nước kém phát triển cần tiếng Anh để hội nhập và phát triển mọi mặt. Đơn cử Ấn Độ, Philippines, Singapore... sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2. Riêng Philippines dùng tiếng Anh đi làm thuê khắp thế giới đem kiều hối đứng đầu về cho đất nước này.

Cao Văn Dũ

Tiếng Anh là tối cần thiết!

Tôi xin nói một sự thực rõ ràng: tiếng Anh của phần lớn giáo viên Việt Nam qua bên Mỹ đều phải học lại! Bên Việt Nam chỉ chú trọng vào đọc viết, ngữ pháp còn quá chú trọng từ chương, không thực tiễn! Học sinh học một thứ tiếng Anh như thế không giao tiếp được, đi làm công nhân cũng chưa được huống hồ đi học cao đẳng, đại học!

Việc không bắt buộc môn tiếng Anh hóa ra lại làm hại cho học sinh! Học sinh cần đầu tư học tiếng Anh khi còn rất bé, còn chờ đến khi lớn tuổi thì muộn rồi! Muốn trở thành công dân quốc tế cần phải cố gắng rất nhiều!

Phoenix

Đừng bỏ tiếng Anh

Có thi ngoại ngữ mà học sinh còn yếu còn đỡ hơn, bỏ ngoại ngữ thì coi như thiệt thòi cho họ sau này. Ngoại ngữ có liên quan tới các môn khác như tin học. Tôi tốt nghiệp cấp III năm 1971 rồi nhập ngũ, đến nay 62 tuổi tôi vẫn sống được nhờ ngoại ngữ. Tôi đã từng dạy tiếng Anh cho chuyên gia người Pháp. Khi ra trường chỉ ngoại ngữ là còn dùng phổ biến còn các môn khác thì đi vào quên lãng. Theo tôi, môn chính yếu là văn và ngoại ngữ ta dùng cho đến chết còn các môn khác thì tự chọn. Tôi muốn làm nhà toán học thì tôi chọn toán nhưng tôi vẫn phải biết tiếng Việt và ít nhất 1 ngoại ngữ. Theo tôi, văn và ngoại ngữ là quan trọng nhất. Tôi đi xin việc làm chưa ai bắt tôi chứng minh hình học hay đại số bao giờ, mà chỉ chú trọng đến ngoại ngữ và tin học mà thôi.

quangkhai

Ngoại ngữ là chìa khóa

Nếu ngoại ngữ là môn tự chọn thì chẳng học sinh nào đăng ký thi hết. Chúng ta phải nhìn vào mặt tích cực phương án cộng điểm của bộ khi thi ngoại ngữ. Vì khi đó không bắt buộc thì học sinh và nhà trường cũng sẽ tự giác đăng ký thi ngoại ngữ mà thôi, 5 điểm được cộng 1 điểm... Phương án 1 là hay nhất. Còn ngoại ngữ bắt buộc hay không theo tôi hiện tại ngoại ngữ dạy trong nhà trường hiện nay không khác gì để đối phó với các kỳ thi. Còn kỹ năng nghe nói hoàn toàn không có.

Dũng Tùng

Ngoại ngữ rất cần!

Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu rồi. 99% kiến thức ở dưới dạng tài liệu, dữ liệu bằng tiếng Anh. Không có tiếng Anh thì chúng ta giống như ở vùng sâu vùng xa, ốc đảo vậy.

bạn đọc

Phân biệt vùng miền là chưa hiểu về việc học và thi tiếng Anh

Có ý kiến cho rằng không nên đưa môn tiếng Anh vào môn thi bắt buộc. Điều này không đúng nếu xét kỹ về việc dạy học và thi cử lâu nay. Có thể thấy rằng đề thi tốt nghiệp lâu nay chỉ có nội dung về từ vựng, ngữ pháp, mẫu câu giao tiếp, vài câu phát âm... Và không hề có nội dung nghe nói.

Như vậy có thể thấy rõ các nội dung trong đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình của sách giáo khoa và học sinh hoàn toàn có thể học được mà không cần bất cứ phương tiện hiện đại nào. Thực tế tôi thấy ở nông thôn những học sinh nào yếu ngoại ngữ là do thiếu rèn luyện, lười học là chủ yếu.

Một nguyên tắc mà ai cũng biết là nếu bỏ môn tiếng Anh thì càng làm cho người ta không nỗ lực với môn này. Ngược lại nếu xem đó là môn bắt buộc thì sẽ tạo động lực thúc đẩy học sinh rèn luyện. Việc này cũng có lợi vì sau này khi vào đại học hầu như tất cả các học sinh khi ra trường đều phải có bằng cấp về ngoại ngữ ở cấp độ nào đó.

Chính tôi đã chứng kiến nhiều sinh viên khối A, lúc học ở phổ thông chỉ chú trọng các môn khoa học tự nhiên, bỏ lơ ngoại ngữ. Đến khi là sinh viên mới thấy khổ vì yếu ngoại ngữ. Ở cấp quản lý cao nhất của mình tôi nghĩ bộ nên có định hướng bằng các chính sách của mình thì mới tạo động lực cho học sinh học môn tiếng Anh để có cơ hội hòa nhập với thế giới.

Văn Tâm

TTO

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Cải tiến thi tốt nghiệp THPT: giáo viên băn khoăn, học sinh hớn hở Tốt nghiệp THPT năm 2014: sẽ chỉ thi 4 môn?Thi tốt nghiệp THPT: 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọnĐổi mới thi mới ở bước khởi đầu90% giáo viên THPT chưa đạt chuẩnĐề án ngoại ngữ quốc gia 2020: khi “mạnh ai nấy bơi”Đưa tiếng Nhật vào đề án ngoại ngữ quốc giaTrên 90% sinh viên không thể học bằng tiếng AnhKhi nhà giáo ôm cặp đi thiTiếng Anh và... nỗi sợ hãi

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên