Khi nhà giáo ôm cặp đi thi

NGUYỄN VẠN PHÚ 25/03/2013 19:03 GMT+7

TTCT - Một tâm lý bất an đang lan rộng trong giới giáo viên dạy tiếng Anh khắp cả nước. Ngay cả những thầy cô giáo có hàng chục năm kinh nghiệm, từng bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải quốc gia cũng phải đi thi để “đạt chuẩn châu Âu”. Ở hướng ngược lại, nhiều giáo viên kém đến nỗi theo báo chí đưa tin “Sợ chuẩn châu Âu, 40% giáo viên bỏ thi”. Vì đâu có chuyện lạ đời này?


Một lớp học bồi dưỡng tiếng Anh (FCE) cho giáo viên dạy tiếng Anh các trường tiểu học TP.HCM - Ảnh: Như Hùng


Trong khi đi tìm một thứ “chuẩn” nhằm đáp ứng các yêu cầu của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, không chỉ cần một sự cải tổ mạnh mẽ phương pháp đào tạo ở các trường đại học sư phạm ngoại ngữ, thi cử ở các cấp học mà còn cần một cách làm minh bạch, nghiêm túc và tôn trọng trong đánh giá người thầy.

Một thực trạng đáng lo

“Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020” được thông qua năm 2008 với tổng kinh phí gần 10.000 tỉ đồng có mục đích “đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam”.

Một trong những bước triển khai đầu tiên của đề án này là khảo sát năng lực giáo viên theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR). Theo đó, giáo viên cấp I phải đạt cấp độ B1, giáo viên cấp II - cấp độ B2, giáo viên cấp III - cấp độ C1. 

Kết quả khảo sát, rộ lên từ cuối năm trước, làm choáng váng nhiều người vì tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn rất thấp, ví dụ ở TP.HCM 1.100 giáo viên đi thi thì đến 929 vị không đạt. 

Trên bình diện toàn quốc, chỉ có 2-3% giáo viên đạt chuẩn. Sau này “chuẩn” được hạ thấp, việc khảo sát cũng du di hơn thì số lượng giáo viên đạt chuẩn có tăng lên đôi chút nhưng kết quả cho thấy một thực trạng chất lượng giáo viên dạy ngoại ngữ có nhiều vấn đề.

Trước tiên, nó cho thấy việc đào tạo giáo viên ngoại ngữ trong hàng chục năm qua bị lệch hướng theo sự lệch hướng dạy và học ngoại ngữ ở trường phổ thông. Người ta chỉ chú trọng các kỹ năng dịch, ngữ pháp, đọc hiểu một cách từ chương; các kỹ năng nghe nói bị bỏ qua hoặc xem nhẹ.

Việc thi cử cũng vậy, từ chỗ đề thi chỉ có ngữ pháp, dịch, đọc, hiểu, sau này có tiến bộ hơn cũng chỉ là các kiểu chơi chữ, các kiểu đố mẹo lắt léo. Vì thế học sinh chỉ được học về tiếng Anh chứ không phải được rèn luyện kỹ năng tiếng Anh. Thầy cô cũng dần mai một các kỹ năng ngôn ngữ mà chỉ còn lại kiến thức về ngôn ngữ, tức nói về tiếng Anh thì rành nhưng sử dụng tiếng Anh thì... bí. Nay bỗng dưng lấy một chuẩn châu Âu “lạ hoắc” để kiểm tra, tỉ lệ không thấp mới là chuyện lạ.

Kết quả khảo sát cho thấy đã đến lúc Bộ Giáo dục - đào tạo phải cải tổ mạnh mẽ nội dung và phương pháp đào tạo ở các trường đại học sư phạm ngoại ngữ mới mong đem lại chút giá trị nào đó cho mảnh bằng họ cấp. Đồng thời bộ cũng phải cải tổ chuyện thi cử ở cấp phổ thông mới tạo động lực thay đổi quán tính dạy và học theo kiểu cũ. Nếu không làm được hai điều này, việc khảo sát hay nâng trình độ giáo viên lên cũng chẳng để làm gì cả.

Các kiểu chữa cháy

Tình trạng giáo viên đạt chuẩn quá thấp đã làm nảy sinh một số kiểu chữa cháy mà nếu không cẩn thận sẽ làm phát sinh những vấn đề mới. Đầu tiên là việc giao cho một số trường đại học được tổ chức bồi dưỡng và sau đó tổ chức kiểm tra giáo viên. Các trường đại học là nơi đào tạo giáo viên không đạt chuẩn nay lại được giao nhiệm vụ đào tạo lại chính những giáo viên đó rồi được phép tổ chức thi thì làm sao tin tưởng được hiệu quả?

Đã có chuyện cạnh tranh giữa các trường để thu hút người học bằng cách nâng học phí lên cao nhưng thi thì dễ dãi theo kiểu khảo sát nội bộ. Các lần kiểm tra gần đây ở các tỉnh có dấu hiệu “giảm chuẩn” để chạy theo thành tích và đỡ xấu hổ về tỉ lệ đạt quá thấp.

Cần phải hiểu rằng nói chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu với các cấp độ như B1, B2, C1... là cách mô tả khả năng sử dụng tiếng Anh của người học chứ bản thân các cấp độ này không phải là bằng cấp hay chứng chỉ gì cả. 

Muốn biết một người có đạt cấp độ B1 chẳng hạn thì phải dùng các hệ thống kiểm tra hiện hành để khảo sát. Mỗi hệ thống đều công bố chứng chỉ nào của họ là tương đương cấp độ nào trong chuẩn châu Âu này. Ví dụ hệ thống Cambridge Exam quy định Movers bằng A1, Flyers hay KET bằng A2, PET bằng B1... Hay IELTS thì từ 4.0-5 là B1, từ 5.5-6.5 là B2, từ 7.0-8.0 là C1...

Nay không thể để các trường đại học hay các trung tâm ngoại ngữ mỗi trường, mỗi trung tâm tự soạn một bộ tài liệu riêng của họ, cứ thế mà dạy, mà tổ chức thi và sau đó cứ thế mà tuyên bố đạt chuẩn B1, B2, C1. Việt Nam có thể tự mình soạn một hệ thống kiểm tra như thế nhưng phải ở quy mô thống nhất cả nước. Một khi chưa có thì phải dựa vào các hệ thống kiểm tra quốc tế quen thuộc như IELTS, TOEFL hay TOEIC mà thôi.

Không thể làm khác vì làm khác là phá vỡ mục tiêu ban đầu, mọi việc sẽ trôi về như cũ; làm khác là tạo điều kiện cho sự dễ dãi, mua chuộc “chứng nhận đạt chuẩn” như với các loại chứng chỉ quốc gia A, B, C ngày trước. Đã làm thì phải cương quyết, chứ cứ cho các trường đại học dạy bồi dưỡng rồi tổ chức thi và công nhận đạt chuẩn thì chẳng mấy chốc tỉ lệ đạt chuẩn sẽ cao, mọi chuyện đâu lại vào đó nhưng thực chất chất lượng giáo viên không thay đổi được gì.

Giải pháp lâu dài

Để giải tỏa áp lực tâm lý ở giáo viên, thiết nghĩ nên nói cho rõ, xác định chuẩn mực cần phải đạt đến như thế là tốt nhưng chưa đủ. Bởi nếu chỉ có thế thì bất kỳ ai khỏi học đại học, chỉ cần thi IELTS được 7.5 là đủ điều kiện làm giáo viên tiếng Anh cấp III sao? Chuẩn châu Âu đặt ra như thế là cho người học chứ không phải cho người dạy. Người dạy đòi hỏi một bộ kỹ năng hoàn toàn khác, trong đó kỹ năng sư phạm là rất quan trọng.

Một điểm yếu của việc đào tạo trước nay là không chú trọng đến kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, vì thế nay lấy một bài viết tiêu biểu trên báo Anh, cho dùng từ điển thoải mái, e rằng việc hiểu cho cặn kẽ cũng khó khăn bởi vướng mắc nằm ở kiến thức, khái niệm chứ không phải là ngôn ngữ nữa.

Với thực tế là nhiều giáo viên không đạt chuẩn, nhất là ở các vùng nông thôn, không thể một sớm một chiều kỳ vọng nâng tỉ lệ này lên nhanh được. Những người không đạt chuẩn dĩ nhiên phải đi học lại, được miễn học phí như chính sách hiện nay, nhưng được tự chọn nơi để học.

Như đã nói ở trên, trong tình hình hiện nay phải dựa vào các hệ thống kiểm tra quốc tế thông dụng để khảo sát. Vì vậy thiết nghĩ Bộ Giáo dục - đào tạo phải ra thông báo nói rõ các hệ thống kiểm tra nào được sử dụng để công nhận đạt chuẩn.

Có thể chấp nhận các chứng chỉ thông dụng hiện nay như IELTS, TOEFL, thậm chí TOEIC và thông báo nói rõ với từng loại thì yêu cầu như thế nào. Sau đó thông báo rộng rãi cho giáo viên rằng họ được tự chọn một trong các hệ thống kiểm tra nói trên để thi, họ có ba tháng hay sáu tháng ôn luyện, có thể nhận phiếu học miễn phí để học ở bất kỳ trung tâm ngoại ngữ hay trường đại học nào mình chọn với điều kiện nơi này không được tổ chức thi.

Chuyện thi phải nghiêm túc và vì các hệ thống kiểm tra đa số là của nước ngoài nên cứ để nước ngoài tổ chức, không để tình trạng vừa dạy vừa kiểm tra như hiện nay. Cũng đừng thần tượng hóa bất kỳ hệ thống kiểm tra nào, chẳng hạn cứ đòi PET hay FCE của Cambridge ESOL mới được. Lúc đó một người thầy có thể tự mình âm thầm đến trung tâm khảo thí thi TOEFL hay IELTS và yêu cầu gửi điểm về trường hay sở giáo dục một cách bình thản, không chút tự ái hay ức chế.

 Nay không thể để các trường đại học hay các trung tâm ngoại ngữ mỗi trường, mỗi trung tâm tự soạn một bộ tài liệu riêng của họ, cứ thế mà dạy, mà tổ chức thi và sau đó cứ thế mà tuyên bố đạt chuẩn B1, B2, C1. Việt Nam có thể tự mình soạn một hệ thống kiểm tra như thế nhưng phải ở quy mô thống nhất cả nước.

Một khi chưa có thì phải dựa vào các hệ thống kiểm tra quốc tế quen thuộc như IELTS, TOEFL hay TOEIC mà thôi. Không thể làm khác vì làm khác là phá vỡ mục tiêu ban đầu, mọi việc sẽ trôi về như cũ; làm khác là tạo điều kiện cho sự dễ dãi, mua chuộc “chứng nhận đạt chuẩn” như với các loại chứng chỉ quốc gia A, B, C ngày trước.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận