Kỳ 1: Lật tẩy một bản báo cáo đẹp
Phóng to |
Trạm thu năng lượng mặt trời ở xã Tra Ka (Bắc Trà My, Quảng Nam) bị bỏ hoang - Ảnh: TẤN VŨ |
Dù được khuyến cáo nhưng nhiều công trình trạm nạp điện bằng năng lượng mặt trời vẫn được đầu tư. Nay hàng loạt công trình này thuộc dự án ứng dụng điện mặt trời ở các xã vùng sâu, vùng xa của một số xã tỉnh Quảng Nam chỉ để cho... bò trú ẩn.
Trạm nạp điện ăcquy để... bò dạo
Xã Trà Ka (Bắc Trà My) là xã xa nhất của huyện, có rất nhiều đồng bào người Cor, người Ca Dong. Năm 2010, một trạm nạp điện bằng năng lượng mặt trời có công suất 600W được xây dựng tại đây. Để tiện cho người sử dụng, vị trí được chọn là sát trụ sở UBND xã. Tuy nhiên, hơn năm qua công trình này vẫn còn dang dở, ngổn ngang.
Ngôi nhà làm trạm nạp điện có diện tích khoảng 10m2, cửa tôn, quét vôi màu vàng vẫn còn nguyên. Trên mái, hai tấm thu năng lượng mặt trời được lắp nghiêng để hứng nắng. Bên trong ngôi nhà nồng nặc mùi phân bò, dây điện chằng chịt, những cái kẹp ăcquy hoen gỉ chuyển sang màu trắng như muối. Trước nhà, hàng chục con bò đang gặm cỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, phó trưởng Công an xã Trà Ka, nói: “Họ đến xây dựng rồi đi biệt. Tiền xây trạm để giúp dân nghèo còn tốt hơn!”. Ông Hoàng thắc mắc không hiểu vì lý do gì trong khi điện lưới quốc gia đã có mà người ta vẫn đầu tư trạm sạc bằng năng lượng mặt trời nơi này.
Ngay dưới chân công trình đập thủy điện Sông Tranh 2, hai xã Trà Đốc và Trà Tân cũng đã có điện lưới quốc gia từ lâu nhưng nhiều trạm sạc năng lượng vẫn được dựng lên. Ông Hồ Văn Lợi, chủ tịch UBND xã Trà Đốc, cho biết xã có ba trạm sạc năng lượng mặt trời thì đến nay cả ba đều xuống cấp, điện mù mờ. Riêng tại trạm y tế xã, hệ thống điện mặt trời không còn dùng được nữa.
Đề cập việc đầu tư hàng loạt công trình không hiệu quả, ông Phan Mạnh, trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Bắc Trà My, nói thẳng: “Tôi thấy họ làm vậy mà quyết toán được tiền bạc thì quá giỏi. Cái hỏng hóc, cái dở dang, làm xong chẳng bàn giao cho ai quản lý nhưng cuối cùng cũng qua hết”. Theo ông Mạnh, lúc Ủy ban Dân tộc đến đặt vấn đề với chính quyền huyện, ông đã cảnh báo và gợi ý nên dùng tiền xây trạm sạc chuyển qua làm trạm hạ thế cho người dân thì hay hơn. “Nhưng họ đâu có nghe vì đó là dự án. Rốt cuộc là tiền tỉ bỏ hoang” - ông Mạnh phàn nàn. Ông Mạnh còn nói sau khi xây dựng xong, các trạm này không bàn giao cho chính quyền địa phương, chủ đầu tư thì đi biệt.
Chánh văn phòng UBND huyện Bắc Trà My Lê Anh Tuấn cũng lắc đầu khi nói về dự án điện năng lượng mặt trời: “Khi đó người của dự án đến đòi mượn xe huyện, rồi nhà ở trọ... Tôi nói huyện nghèo, cho dự án là quý nhưng các anh đừng nghĩ trung ương thì ép địa phương. Cuối cùng tỉnh điện xuống tôi đành chịu”. Ông Tuấn cho rằng một huyện nghèo như Bắc Trà My, tất cả các dự án về với địa phương đều quý. Nhưng hãy đến với người dân bằng tấm lòng thật sự, đừng đến kiểu dự án làm cho có.
Không ai hướng dẫn sử dụng
Hai năm trước, năm xã miền núi của huyện Trà Bồng được Ủy ban Dân tộc chọn đầu tư dự án điện mặt trời. Nhưng những bất cập về địa điểm lắp đặt, công tác vận hành, bảo dưỡng đã khiến dự án không phát huy hiệu quả như mong muốn của người dân địa phương.
Ngày 11-5, lãnh đạo xã Trà Thủy cho biết những vùng có điện mà đầu tư pin năng lượng mặt trời thì người dân không dùng. Trong sáu điểm đặt các thiết bị dự án, chỉ có một thôn là được người dân sử dụng vì thôn này chưa có điện lưới. Cạnh đó, trạm thu phát vệ tinh cũng chẳng biết làm sao để thu phát tín hiệu. Tại điểm nạp năng lượng để cho dân sạc bình ăcquy, dân cũng không dùng vì nhà nào cũng có điện lưới. Vị lãnh đạo này kể thêm chủ đầu tư cho biết khi hoàn thành sẽ chuyển giao công nghệ, nhưng họ có chuyển giao gì đâu. “Những bất cập đó xã đã có kiến nghị với đoàn khảo sát, xã không có nhu cầu nên chuyển đầu tư cho xã khác. Nhưng họ bảo được đầu tư thì cứ thế mà dùng” - vị này nói.
Chủ tịch UBND xã Trà Bùi Hồ Văn Phú cho rằng thực trạng dự án này hiệu quả không cao. Hiện có hai điểm là Nhà văn hóa cộng đồng thôn Tang (dùng sạc bình ăcquy) và trạm y tế còn được sử dụng, bốn điểm còn lại, nhất là trụ ăngten thu phát tại trụ sở UBND xã, không vận hành được, chủ tịch xã cũng không biết làm thế nào. Theo ông Phú, từ khi dự án xây dựng xong thì bỏ đấy, chẳng thấy đơn vị nào bàn giao hay hướng dẫn kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng và quản lý.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, phó chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, nói dự án triển khai ở năm xã Trà Thủy, Trà Giang, Trà Bùi, Trà Sơn và Trà Hiệp. Khi được triển khai, huyện chỉ phối hợp khảo sát và bố trí địa điểm dự án. Còn việc thi công, giám sát, nghiệm thu và bàn giao ban quản lý dự án trực tiếp với các xã, huyện không rõ lắm về hiệu quả. “Đúng ra theo quy trình, khi nghiệm thu phải có huyện tham gia. Nhưng chủ đầu tư về là đi thẳng xuống xã” - ông phó chủ tịch huyện nói thêm.
Ông Bắc còn cho biết việc lựa chọn địa điểm để đặt các thiết bị cũng chưa được khách quan, một số xã ở gần tỉnh lộ, gần lưới điện vẫn được chọn, trong khi các xã xa hơn thì không có. “Khi ghi vốn cho dự án, Ủy ban Dân tộc ghi trực tiếp cho năm xã của huyện. Trên cho, còn chúng tôi cứ nhận” - ông Bắc nói.
Tỉnh không nắm rõ dự án Ông Nguyễn Thành Vân - trưởng Ban dân tộc tỉnh Quảng Nam - cho biết vừa có văn bản gửi Ủy ban dân tộc đề nghị tu sửa, di chuyển một số trạm thu năng lượng mặt trời vì vướng quy hoạch của địa phương. Về một số điểm hiện tại đã xuống cấp hoặc bị bỏ hoang, ông Vân nói không nắm rõ tình hình vì chủ đầu tư làm trực tiếp với địa phương, không liên hệ với Ban dân tộc tỉnh. Theo ông Vân, một số nơi công trình vẫn có hiệu quả, những nơi chưa có điện thì vai trò của trạm này vẫn lớn, nơi có điện lưới quốc gia thì hiệu quả của trạm là không đáng kể. Đề cập đến những nơi đã có điện lưới quốc gia nhưng vẫn có công trình thuộc dự án điện năng lượng mặt trời, ông Vân nói: “Tôi không có thông tin về việc chỗ nào có điện lưới quốc gia mà vẫn làm. Có thể đầu tư là do có điện lưới quốc gia nhưng điện chập chờn nên phải dùng thêm điện này để sinh hoạt”. Liên quan đến việc triển khai dự án điện mặt trời ở Quảng Ngãi, chiều 15-5 bà Trương Thị Xuân Hồng - phó chủ tịch HĐND tỉnh - cho biết dự án triển khai hơn hai năm nay nhưng HĐND không hề biết. Bà nói thêm trong các kỳ họp, tiếp xúc cử tri ở năm xã của huyện Trà Bồng được dự án đầu tư không hề nghe báo cáo, phản ảnh về dự án này, các cơ quan thuộc tỉnh cũng không có thông tin. Nếu HĐND biết sẽ yêu cầu hoặc kiến nghị UBND tỉnh, các ban Quốc hội giải quyết cho hợp lý. “Tôi nghĩ rằng quy trình, các bước triển khai đầu tư ở các địa bàn dự án có vấn đề. Các xã miền núi Quảng Ngãi hiện có nhiều nơi “trắng” điện lưới quốc gia, nếu được đầu tư dự án này thì sẽ phát huy hiệu quả” - bà Hồng bày tỏ. Bà Đinh Thị Loan - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho hay việc đầu tư theo dự án được giao Ban dân tộc tỉnh phối hợp với UBND huyện Trà Bồng, tỉnh không nắm được cụ thể. Một lãnh đạo Ban dân tộc tỉnh Quảng Ngãi (đề nghị không nêu tên) lắc đầu nói: “Dự án do Ban quản lý dự án của Ủy ban Dân tộc, địa phương không tham gia. Vừa rồi họ đưa người vào kiểm tra dự án nhưng chúng tôi cũng không hay biết”. TẤN VŨ - V.HÙNG - TR.GIANG |
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận