Diên Vĩ, người sáng lập Dự án vải vụn, một cộng đồng tạo không gian để phụ huynh và con cái gắn kết thông qua các buổi workshop tái chế vải vụn, cho biết cô mong làm được nhiều điều để đóng góp cho xã hội, cho các trẻ em.
"Tuy nhiên, tôi hiểu rằng chỉ một mình mình thì không làm nổi. Tôi mong những chương trình mang tính cộng đồng sẽ giúp lan tỏa thông điệp, từ đó truyền cảm hứng để mọi người đồng cảm và chung tay làm những điều nhỏ bé giúp cuộc sống tốt đẹp hơn", Vĩ chia sẻ.
Buổi triển lãm ảnh lấy chủ đề "Tiên thủy tinh", ghi lại hình ảnh các bệnh nhi ung thư trong những trang phục rực rỡ sắc màu, đầy vẻ đáng yêu.
Toàn bộ các trang phục được nhóm sinh viên của Trường đại học Hòa Bình (Hà Nội) thiết kế từ vải vụn và chai nhựa.
Các bạn dành nhiều thời gian và công sức để tạo nên các trang phục vừa thân thiện với môi trường, vừa đảm bảo độ mềm mại, thời trang, tạo sự thoải mái cho các em nhỏ khi mặc.
Cô Vũ Ngọc Linh, giảng viên tại Trường đại học Hòa Bình, đồng thời là người đã dẫn dắt nhóm sinh viên sáng tạo trang phục tái chế, cho biết một trong những điều mà người hoạt động trong lĩnh vực thiết kế thời trang như cô trăn trở, đó là bên cạnh những mảnh vải nguyên vẹn được sử dụng để làm nên những sản phẩm bắt mắt, thì các mảnh vải vụn còn lại sẽ được xử lý thế nào.
"Tôi mong sau Đại học Hòa Bình, dự án tái chế vải vụn sẽ được lan tỏa đến nhiều trường, nhiều sinh viên khác", cô Linh nhắn nhủ.
Theo Diên Vĩ, tiếp nối triển lãm Tiên thủy tinh, nhóm sẽ tiếp tục gây quỹ hỗ trợ cho khoảng 30 bệnh nhi ung thư ở hai bệnh viện K (Hà Nội) và Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức, TP.HCM).
Qua các hoạt động cộng đồng gắn kết trẻ em tham gia, Vĩ mong muốn không chỉ người lớn mà chính các em sẽ được gieo những hạt mầm của sự yêu thương, đồng cảm với các hoàn cảnh khó khăn quanh mình, từ đó sống tử tế, biết yêu thương và san sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận