14/07/2013 07:03 GMT+7

Tiến thoái lưỡng nan

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TT - Khi bài viết này đến tay bạn đọc thì mùa nước đã tràn mênh mông trên Biển Hồ. Đó cũng là mùa cấm cá, mùa đói kém... mùa của những chuyến rời bỏ Biển Hồ của Việt kiều. Nhưng dù người về hay kẻ ở, có mấy ai đặng lòng.

Kỳ 1: Xóm “liều” dọc biên giới Kỳ 2: Bất trắc đường trở về Kỳ 4: Miền đất phúc đã xa

PHCNszQL.jpgPhóng to
Chị Đinh Thị Lam chèo xuồng chở cả gia đình đến nhà cộng đồng nhờ giúp đỡ để về nước - Ảnh: VIỄN SỰ

Những nẻo đường... ở lại

Chúng tôi đến nhà cộng đồng xóm Rạch Vừng (huyện Kan Dieng, tỉnh Pursat) vào chính ngọ, cái nắng thiêu đốt làm hơi nước bốc lên khiến không khí trong xóm oi bức đến khó thở. Nhưng nghe tin có nhà báo từ VN sang, ông Đinh Văn Thến cùng hai con gái là chị Đinh Thị Lam và chị Đinh Thị Thủy bồng bốn cháu ngoại liền bơi xuồng đến với hi vọng sẽ được giúp đỡ để tìm đường về nước. Vì đánh bắt trong lô cấm, cả hai chiếc xuồng của gia đình Lam và Thủy đều đã bị tịch thu cùng máy móc và ngư cụ trước đó hai tháng, khi đang cố gắng đánh những mẻ cá cuối cùng, kiếm sở phí cho hành trình trở về VN.

Ráng tìm chữ

Điểm sáng nhất trong những ngày ngang dọc khắp Biển Hồ mà chúng tôi gặp có lẽ là bóng những em nhỏ mỗi sáng cắp sách đến trường học chữ Việt. Ở Kompong Luong (Pursat), thầy giáo Nguyễn Viết Đạt, người đã có gần 30 năm dạy chữ cho con em Việt kiều trên biển, nói hiện đã có hơn 300 em theo học. Sắp tới sẽ vận động để mở thêm các điểm dạy ở những xóm Việt xa hơn trong lòng biển.

Còn ở Boribo (Kompong Chhnang), lớp học được tổ chức bài bản hơn với ba trường, gần 1.200 học trò. Ông Ngô Văn Dụng, thư ký chi hội Việt kiều ở Boribo, cho biết các em đóng học phí theo ngày, mỗi ngày 500 ria (khoảng 2.000 VNĐ) và được xuồng máy ghé đón đến trường.

Số tài sản trị giá trên 2.000 USD, gom góp bao năm của gia đình đã không còn. Chồng của chị Lam - anh Hồ Văn Chiến và chồng chị Thủy - anh Nguyễn Văn Đờ, hai ngư dân bao năm quen với sông nước Biển Hồ sợ phải đối mặt với mức phạt hàng ngàn USD đã phải bỏ biển lên cửa khẩu Poi Pet kéo xe kiếm sống. Những toan tính trở về trong mùa nước năm nay coi như khép chặt. Rồi sẽ sống bằng gì trong những ngày tháng tới khi tài sản không còn, và số tiền phạt hàng ngàn USD? Câu hỏi làm hai người vợ tuổi mới đôi mươi và bốn đứa con chỉ biết ôm nhau khóc. Thay lời con, ông Đinh Văn Thến nói: “Hai chị em nó thay nhau, đứa coi con, đứa đi bán bánh kiếm gạo qua ngày”. Câu chuyện của gia đình ông Thến làm không khí trong nhà cộng đồng trở nên nặng nề. Không ai biết phải giúp gia đình ông bằng cách nào ngoài việc gom góp chút tiền ria, đủ làm lộ phí cho hai người vợ trẻ bắt xe lên Poi Pet thăm chồng. Còn giấc mơ trở về của đại gia đình ông Thến có lẽ đành phải gác lại, không biết đến mùa nước nào.

Ông Nguyễn Văn Khóa - thư ký chi hội Việt kiều ở Rạch Vừng - nói đã có 50 gia đình ở Rạch Vừng chuẩn bị trở về trong mùa nước này. “Nhưng hỏi bao nhiêu gia đình muốn về thì chắc 222 gia đình ở xóm này ai cũng muốn, tụi tui cũng muốn”. Những người muốn về mà không về được như gia đình ông Thến không phải cá biệt. Ông Khóa cho biết riêng ở Rạch Vừng đầu năm 2013 đến nay đã có chín chiếc xuồng kèm máy móc, ngư cụ bị tịch thu vì vi phạm luật thủy sản Campuchia, đã khóa chặt đường về của ít nhất chín gia đình.

Ông Khóa cho biết bốn tháng cấm đánh bắt cá, bà con chỉ còn biết đi vay nặng lãi mua gạo cầm hơi, mỗi mùa nước lên những gia đình phải đi vay lại nhiều thêm.

“Lãi mẹ đẻ lãi con, có gia đình mùa sau đi vay còn chưa trả hết nợ mùa trước. Rồi còn cưới gả, ma chay, bệnh tật... Biết chừng nào mới gom đủ tiền về xứ” - ông Khóa trầm ngâm về nỗi tiến thoái lưỡng nan của người Việt ở Biển Hồ.

5oH1qGao.jpgPhóng to
Nỗi trông ngóng về xứ sở của ông Ba Tài đành cất lại - Ảnh: VIỄN SỰ

Ngóng về quê hương

Ở Rạch Vừng, chúng tôi tình cờ gặp ông Nguyễn Tánh, cha của anh Nguyễn Văn Nghi, người đã đưa đại gia đình 16 người trở về, đang sống tại Vĩnh Hưng (Long An) mà chúng tôi đã nhắc ở kỳ 1. Đã theo ba người con trở về nhưng rồi hai tháng nay ông Tánh quay trở lại, không phải vì Biển Hồ đã dễ làm ăn mà bởi gia đình ba người con khác và cả dòng họ bốn đời của ông Tánh vẫn còn nhiều người ở lại. “Biết sống không nổi ở xứ này. Nhưng mỗi năm chục cái giỗ, mồ mả từ đời ông nội tui còn nằm đây. Cho dù chỉ là một nấm mồ gió chơi vơi trên biển cũng đau lòng nếu phải lạnh khói hương” - ông Tánh tâm sự.

Ông Ba Tài (Trần Văn Tài), một Việt kiều quê ở Kiên Giang, sinh ra trên biển và đã sống hơn 60 năm ở Rạch Vừng, nói những bịn rịn về máu mủ ấy có thể gặp rất nhiều ở những Việt kiều lớn tuổi trên Biển Hồ. Ông kể đa số Việt kiều đều là bà con ruột thịt sống quần cư với nhau đã mấy thế hệ nên không dễ dứt áo ra đi khi ruột thịt vẫn còn ở lại. Còn một lý do khác, theo ông Ba Tài, làm những người già ở trên biển đắn đo khi trở về là sức khỏe bởi rất nhiều người lên bờ chân bị teo cơ, lưng lúc nào cũng khòm xuống vì đã sống quá lâu gần cả đời trên thuyền, không còn đủ sức lực để thích nghi với cuộc sống trên bờ.

Bịn rịn về máu mủ, mồ mả ông bà, âu lo về kế mưu sinh... - những nỗi niềm ấy càng làm cho nỗi lòng người đi kẻ ở nặng nề. Ông Ba Tài nói nhiều lần ông đã tính về nhưng nhìn cái ghe chằng đụp cao su vá trét, nhìn bầy con tám đứa, bầy cháu lít nhít hơn 30 đứa lại thôi. Rồi tự tay rót chén rượu, một mời khách, một dành cho mình, ông Ba Tài đưa lên môi, đánh ực một tiếng, rồi khản giọng: “Cha sinh mẹ đẻ ở đây, cá mắm ở đây quen rồi, 60 năm ở đây cũng trắng tay, trở về cũng tay trắng, thôi cứ ở lại cho hết một kiếp người...”. Khóe mắt ông Ba Tài hấp háy, không có giọt nước mắt nào rơi ra mà nỗi niềm dường như lai láng hơn cả nước Biển Hồ...

______________

Cư dân của xóm không được tính vào dân số địa phương và trẻ em sinh ra cũng không thể đến trường một cách chính thức. Cả xóm quần tụ như một “ốc đảo” giữa Đồng Tháp Mười.

Kỳ tới: Những “ốc đảo” Việt kiều

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên