13/07/2013 11:10 GMT+7

Miền đất phúc đã xa

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
VIỄN SỰ - SƠN LÂM

TT - Từ Kompong Luong, chiếc vỏ lãi xé nước hơn 40km đưa chúng tôi đến Sa Son (xã Rang Tinh, huyện Kan Dieng, tỉnh Pursat) - xóm Việt kiều neo mình vào những rặng lộc vừng, chơ vơ giữa Biển Hồ, đúng ngày cúng cầu an dịp Phật Đản.

Kỳ 1: Xóm “liều” dọc biên giới Kỳ 2: Bất trắc đường trở về

zY0JvKgK.jpgPhóng to
Chuyến đánh bắt được coi là thành công của gia đình ông Kiều Danh Hải tại vùng biển Sa Son (Pursat) chỉ đủ mua được vài ký gạo sau khi trừ thuế, phí - Ảnh: VIỄN SỰ

Ngày trước, lễ cầu an là nơi để cả xóm ngồi tính chuyện đóng thuyền, sắm lưới đón mùa nước sắp tràn về. Nhưng năm nay, câu chuyện sau những phút trầm lặng dâng hương cúng Phật trở nên nặng nề với câu hỏi về hay ở. Bởi từ 1-6 khi mùa cấm đánh bắt trên Biển Hồ bắt đầu, cái đói sẽ quay quắt...

Xóm Việt tiêu điều

“Ai cũng muốn về vì khổ quá rồi nhưng không đủ sở phí, không biết về đâu...” - ông Ba Đạo (Nguyễn Văn Đạo), thành viên chi hội người Việt ở Sa Son, thay lời bà con ở lễ cầu an nói. Lúc đông đúc nhất, xóm Sa Son có tới 364 hộ Việt kiều, nhưng giờ đã về nước hơn 80 hộ, ông Đạo ước đoán mùa nước này không dưới 50 hộ nữa sẽ trở về. Cái nghèo và nỗi tiêu điều rõ hơn khi ông Đạo bơi xuồng đưa chúng tôi đi một vòng quanh xóm, cả trăm nóc nhà nổi nhưng chỉ đếm được vài nhà lành lặn, còn lại đều đã hở ván, phao bè hư hỏng, nghiêng lệch xuống nước như sắp chìm.

Chấp nhận neo nhà giữa biển để gần nguồn cá, nhưng dân chài xóm Sa Son giờ phải bơi xa, dậy từ khuya, trần lưng kéo lưới cả ngày mới mong kiếm đủ cá để đong gạo. 12 giờ trưa, vỏ lãi đưa chúng tôi tìm đến xuồng của bốn cha con ông Kiều Danh Hải đang hì hục kéo lưới. Đã đến đợt lưới thứ 11 nhưng dưới đáy xuồng chỉ mới có một con cá lóc bông, còn lại chừng 10kg cá dảnh, cá cóc, những thứ cá vụn rẻ tiền chỉ bán được 2.000 ria/kg (10.000 đồng tiền Việt). Trừ tiền dầu và thuế phí, một ngày lao động của bốn người đàn ông này chỉ đủ mua được 4kg gạo. “Bữa nay được vậy là nhiều, chuyện trên cơm, dưới cá, quăng mẻ lưới cá khẳm xuồng xa lắm rồi” - ông Hải chua chát. Luật thủy sản Campuchia quy định mỗi gia đình làm nghề cá như ông Hải chỉ được dùng 100m lưới kéo tay, không được dùng máy kéo lưới. “Biển mênh mông, có trăm mét lưới cá mắc vô đâu” - ông Hải than thở.

Cặp sát nhiều chiếc xuồng đánh cá khác của Việt kiều, chiếc nào cũng chỉ dát mỏng một lớp cá vụn dưới đáy. Hiếm lắm mới có những loại cá to bán có tiền như lóc bông, cá cọp (thát lát) mắc lưới. “Cá tôm khan hiếm, nhưng ai cũng phải cố lết thuyền ra biển kéo lưới. Mai mốt cấm đánh bắt suốt bốn tháng ròng, rồi chỉ còn biết bó gối trong thuyền, đi vay tiền lãi mua gạo cầm hơi, mùa sau lại trần lưng kéo lưới trả nợ...“ - ông Ba Đạo kể về vòng luẩn quẩn của những ngày đói kém sắp tới.

KSTx91m5.jpgPhóng to
Phải lặn ngụp từ 3 giờ sáng đến chiều tối, nhưng đa số những chiếc thuyền kéo lưới bé nhỏ của Việt kiều chỉ kiếm được những con cá nhỏ -Ảnh: VIỄN SỰ

Trăm nỗi trầm luân

Biển Hồ đã từng là miền đất phúc, cưu mang hàng ngàn người Việt xa xứ. Trong quá khứ, vì những biến động của đất nước Campuchia, Việt kiều cũng mấy lần ra đi, nhưng rồi vùng sông nước này lại rộng vòng tay đón bà con trở về dựng lại xóm làng. “Còn lần này, trăm người như một nói đi là đi luôn, không còn thấy ai quay lại nữa” - ông Nguyễn Viết Đạt, phó chủ tịch Hội Việt kiều huyện Krako (Pursat), nói về cuộc ra đi. Hỏi lý do, ông Đạt không nói thẳng mà trầm ngâm: “Bà con đã bốn, năm thế hệ ở biển, mở mắt ra chào đời đã thấy biển, mồ mả ông bà ở đây. Nhưng con cá, con tôm không còn nuôi được mình nữa...”.

Ông Đạt kể đa số Việt kiều ở Biển Hồ đều không có quốc tịch dù đã sống ở đây mấy thế hệ. Bởi một trong những điều kiện tối thiểu để xét quốc tịch Campuchia là phải có đất đai, nhà cửa đã trở thành một rào cản khó vượt qua của những người Việt quanh năm lênh đênh trên sóng nước Biển Hồ. Tên họ, thân phận từ đứa trẻ mới sinh cho đến những người đã nằm xuống đều không có mảnh giấy tờ nào ghi lại. Ở xóm Sa Son chúng tôi đã gặp những câu trả lời đắng lòng của nhiều người tóc đã muối tiêu mà chưa từng biết quê quán mình ở đâu trên đất nước Việt Nam. Những đứa trẻ lớn lên chỉ biết tên nhưng không nhớ họ của mình. “Có người cả năm không đặt chân lên bờ, cả đời không cầm được mảnh giấy có tên mình, làm sao biết được để nhớ” - ông Đạt nói.

Con cá Biển Hồ mỗi năm mỗi khan hiếm nhưng những loại thuế, phí lại ngày mỗi tăng. Ông Đạt đếm sơ sơ mỗi chiếc xuồng của dân chài người Việt phải đóng hơn chục loại thuế, phí và khoản thu không tên để được đánh cá trên Biển Hồ. Những chiếc xuồng bé nhỏ với 100m lưới như của ông Kiều Danh Hải mà chúng tôi gặp ở vùng biển Sa Son mỗi năm phải đóng khoảng 500USD. Còn để được đánh bắt trên khắp cả năm tỉnh của Biển Hồ, mỗi xuồng phải đóng ít nhất 3.000USD trở lên, trong đó có những khoản phí không tên, không có giấy tờ nào ghi lại, cũng không biết đâu là hạn định cuối cùng. “Dân bản xứ còn có ruộng rẫy, có nhà cửa trên bờ, còn Việt kiều chỉ có mỗi chiếc thuyền, dợm chân ra là Biển Hồ, không đóng thì làm sao đưa xuồng ra biển mưu sinh” - ông Đạt cho biết.

Cái nghèo và một thân phận không giấy tờ đã mang đến cho Việt kiều Biển Hồ một nỗi nơm nớp mơ hồ nhưng thường trực. Đi trên biển gặp bà con người Việt kiều đang kéo lưới, chúng tôi cứ phải hét thật to hỏi thăm từ xa để biết là người đàng mình. Còn không, bà con cứ tưởng ai đó đến kiểm tra và có thể cắt lưới, giật ga vứt lại cả mẻ cá để bỏ chạy. “Bà con mình thấy thuyền nào có chở người ta bận quần áo bảnh bao là sợ lắm. Vì không lý do gì cũng có thể phải nộp tiền. Còn nếu không may đang thả lưới trong lô cấm hay dùng quá vài mét lưới sẽ bị tịch thu phương tiện, nộp phạt, coi như bỏ biển ra đi” - ông Đạt nói.

Rời Biển Hồ khi nắng chiều sắp tắt, lòng biển mênh mông làm bóng những dân chài Việt kiều càng trở nên bé nhỏ. Nhưng còn bé nhỏ hơn là thân phận của họ - những phận người nghèo mọn xa xứ luôn phải vẫy vùng giữa biển đời trên đất khách.

_______________

Mấy đời sống trên biển, mồ mả ông bà ở đây, cho dù chỉ là một nấm mồ gió chơi vơi trên biển cũng đau lòng nếu phải lạnh khói hương. Người về, kẻ ở có mấy ai đặng lòng.

Kỳ tới:Tiến thoái lưỡng nan

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên