22/10/2018 14:40 GMT+7

Tiến sĩ Trung Quốc bị chê 'học giả bàn phím', không đấu được với Mỹ

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Sự thụ động của Trung Quốc trước cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động cho thấy Bắc Kinh chưa đánh giá đúng về Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tiến sĩ Trung Quốc bị chê học giả bàn phím, không đấu được với Mỹ - Ảnh 1.

Các nguồn lực của Trung Quốc đang dần bị kéo vào cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động - Ảnh: REUTERS

Người Trung Quốc có câu "biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng", câu nói này đã được thể hiện bằng việc Bắc Kinh triệu tập các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước để tìm đối sách cho cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, để tránh đụng chạm tới các lãnh đạo và cơ quan chủ quản, những người được tham vấn đã đưa ra những lời khuyên được sàng lọc, đôi khi chẳng mang lại kết quả thực chất gì. Chính sách hạn chế các chuyến đi nước ngoài của các học giả cũng khiến những kế sách sớm trở nên sáo rỗng, xa rời thực tế.

Học giả bàn phím

6 tháng sau khi Mỹ áp thuế quan 25% lên số hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỉ USD, các quan chức Bắc Kinh đã thất vọng khi các chuyên gia trong nước được mời tham vấn chỉ đưa ra các khuyến nghị bảo vệ cho cơ quan chủ quản của họ.

"Một số nhà nghiên cứu chỉ ngồi trước máy tính. Họ thậm chí còn chẳng thèm đi thực tế. Không ai có thể dựa vào những nghiên cứu kiểu đó để giải quyết các vấn đề thực tế" - nghiên cứu viên Li Guoqiang thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc, nói thẳng với báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong.

Trung Quốc có hơn 500 trung tâm nghiên cứu chính sách (think-tank) có đăng ký và nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ, ít hơn gấp 3 lần so với con số 1.800 của Mỹ.

Li Zhongshang, giáo sư Đại học Renmin (Trung Quốc), người từng làm việc với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc nhận xét: "Phân đoạn, cách ly và chỉ phục vụ trực tiếp các cơ quan chủ quản là vấn đề kinh niên của các think-tank Trung Quốc".

Theo giáo sư Li, mặc dù việc xin tài trợ nghiên cứu đã trở nên dễ dàng trong vài năm trở lại đây, "nhiều nhà nghiên cứu vẫn chỉ chú trọng tới việc đảm bảo nguồn tài trợ và làm hài lòng các cơ quan chủ quản.

Họ ít quan tâm đến chất lượng nghiên cứu bởi họ thừa biết rất khó để gây ảnh hưởng tới các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc bằng những công trình và sự tìm kiếm của họ.

Giáo sư Đại học Renmin Li Zhongshang

Tiến sĩ Trung Quốc bị chê học giả bàn phím, không đấu được với Mỹ - Ảnh 3.

Cuộc so găng thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa đến hồi kết - Ảnh chụp màn hình SCMP

Để củng cố năng lực nghiên cứu, nâng cao khả năng đưa ra các khuyến nghị chính sách hiệu quả trước cuộc tấn công thương mại dồn dập của Mỹ, hồi tháng 7-2018, Bộ Tài chính Trung Quốc đã thành lập một liên minh nghiên cứu gồm hơn 20 think-tank.

Liên minh này quy tụ các think-tank thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và một số trường đại học cấp 1.

Các nhà nghiên cứu thuộc liên minh think-tank của Bộ Tài chính Trung Quốc thừa nhận những nghiên cứu của Bắc Kinh về các vấn đề Mỹ là chưa đủ sâu để chuẩn bị đầy đủ cho cuộc chiến thương mại.

Wang Huiyao, người sáng lập và giám đốc Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa, một thành viên liên minh, cho biết thông tin liên lạc giữa Trung Quốc và Mỹ là rất quan trọng tại thời điểm này, nhưng những nỗ lực để hiểu rõ cuộc chiến thương mại đã bị cản trở bởi các chính sách hạn chế thị thực của Bắc Kinh.

SCMP dẫn lời các nhà nghiên cứu cho biết Bắc Kinh chỉ cho phép các chuyên gia chính sách của Trung Quốc thực hiện các chuyến thăm ngắn hạn tới Mỹ, một số chỉ trong một tuần. Sự giới hạn này khiến họ không thể tiến hành điều tra kỹ lưỡng và thiết lập những cuộc tiếp xúc chất lượng với các đầu mối liên hệ bên Mỹ.

"Không chỉ quan hệ ngoại giao song phương, Trung Quốc còn phải nghiên cứu thêm về các số liệu thương mại Mỹ-Trung, về luật pháp Mỹ và các ngành công nghiệp Mỹ. Đây đều là các lĩnh vực chưa được nghiên cứu đầy đủ", ông Wang kiến nghị.

Thương mại chỉ là đòn tiên phong

Tiến sĩ Trung Quốc bị chê học giả bàn phím, không đấu được với Mỹ - Ảnh 4.

Với tổng thống Trump, thương mại chỉ là cuộc chiến mở màn trong nỗ lực kiềm chế và làm suy yếu đối thủ tiềm tàng của nước Mỹ - Ảnh: REUTERS

Chiến tranh thương mại chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh là quốc gia duy nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đủ sức cùng lúc thách thức nước Mỹ trên cả kinh tế lẫn an ninh quân sự.

Năm 2013, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến "Vành đai, Con đường", giới chuyên gia nhận xét Bắc Kinh đã từ bỏ chính sách "ẩn mình chờ thời" hàng chục năm của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, bắt đầu vươn ra thế giới. Cho tới trước khi ông Trump lên nhậm chức (tháng 1-2017), một tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo nếu tiếp tục đà tăng trưởng như vào thời điểm đó, đến năm 2025 hoặc 2030 Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới.

Tuy nhiên, mục tiêu này có thể sẽ bị chậm đi bởi cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động.

Thương mại là lĩnh vực Trung Quốc dễ bị tổn thương nhất do cán cân thương mại hai bên quá chênh lệch. Năm 2017, Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc 130 tỉ USD, còn nhập khẩu khoảng 506 tỷ USD, tức thâm hụt thương mại tới 376 tỷ USD.

Như vậy, có thể hiểu nôm na, Mỹ là người mua còn Trung Quốc là người bán. Trong khi Trung Quốc xem Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, Mỹ có thể dễ dàng tìm kiếm sự thay thế cho các hàng hóa nhập từ Trung Quốc từ các nước khác.

Tổng thống Trump có lợi thế khi dẫn dắt nước Mỹ đúng vào thời điểm kinh tế đang ở đỉnh cao của chu kỳ tăng trưởng. Trong lúc đó, Trung Quốc sau thời gian phát triển nóng đang bước vào giai đoạn điều chỉnh, phát triển chậm lại.

Bất kỳ sự thụt lùi nào do hậu quả của chiến tranh thương mại đều là cơn ác mộng với chính quyền Trung Quốc, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội và ảnh hưởng lâu dài đến các chính sách đối ngoại của nước này.

Thực tế đã cho thấy dù cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng phát chưa đến một năm, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra trong cộng đồng học giả Trung Quốc. Việc thúc đẩy sáng kiến "Vành đai, Con đường" đã bị một số người cho là nguyên nhân góp phần làm gia tăng tư tưởng "bài Trung" tại Mỹ.

Giả sử cuộc chiến này kéo dài đến 20 năm như tỉ phú Jack Ma của Trung Quốc dự đoán, chuyện gì sẽ xảy ra?

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bước qua ngày 100 Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bước qua ngày 100 Chiến tranh thương mại đẩy doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam? Chiến tranh thương mại đẩy doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam? Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam phải tận dụng tốt thời cơ Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam phải tận dụng tốt thời cơ
DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên