28/06/2018 13:51 GMT+7

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Khó sửa 9 luật vì lợi ích cài cắm

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng để sửa 9 luật về kỹ thuật không khó nhưng vướng mắc là tư duy làm luật của các bộ, ngành.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Khó sửa 9 luật vì lợi ích cài cắm - Ảnh 1.

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng kiến nghị sửa đổi 9 luật liên quan đến đất đai, xây dựng, đầu tư, môi trường, để bãi bỏ 37 rào cản với doanh nghiệp trong thực hiện dự án đầu tư.

Kỹ thuật cho phép, thực tế khó

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, khẳng định về mặt kỹ thuật không khó vì chỉ cần ban hành một luật mới để sửa đổi 9 luật là được.

Tuy nhiên, theo ông Cung, cái khó nằm ở chỗ thay đổi tư duy của người làm luật, theo hướng bãi bỏ lợi ích của chính các ngành được cài cắm trong các luật để mang lại sự thuận lợi cho cộng đồng kinh doanh.

Khảo sát của Viện CIEM tại nhiều địa phương cho thấy, để thực hiện các thủ tục liên quan tới một dự án đầu tư, thông thường các doanh nghiệp hiện nay mất từ 6 tháng đến 3 năm.

Thời gian thực hiện thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường trong hoạt động cấp phép đầu tư kéo dài đã tước đi cơ hội kinh doanh, làm tăng chi phí, và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Điều đáng nói hơn là các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang tồn tại trong 9 luật hiện nay đã được CIEM phát hiện từ năm 2009, và theo ông Cung, vấn đề Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ không mới, nhưng các rào cản đầu tư vẫn tồn tại dai dẳng, kéo dài nhiều năm, và có xu hướng tăng lên chứ không giảm đi.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Khó sửa 9 luật vì lợi ích cài cắm - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng về tổng thể trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có 3 nhóm vấn đề lớn.

Cụ thể, thứ nhất là thủ tục gia nhập thị trường; thứ hai quản lý xuất nhập khẩu như hải quan, quản lý chuyên ngành và thứ ba là nhóm thủ tục về đầu tư.

Trong số đó, nhóm thủ tục về thực hiện dự án đầu tư liên quan đến hệ thống 9 luật quy định về 4 lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và các thủ tục này đang tạo ra 37 rào cản với doanh nghiệp.

"Nhiều doanh nghiệp muốn thực hiện dự án đầu tư đã không biết bắt đầu từ đâu, thực hiện quy định nào trước, quy định nào sau. Những quy định phức tạp về thủ tục thực hiện dự án đầu tư đã khiến nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc, không muốn bỏ tiền đầu tư", ông Cung nhận định.

Theo vị thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, lẽ ra, một dự án đầu tư, doanh nghiệp làm chỉ 6 - 12 tháng là xong, nhưng có những doanh nghiệp hiện nay 3 năm không làm xong thủ tục thực hiện đầu tư dự án.

"Điều này làm lỡ cơ hội đầu tư, đội vốn dự án, làm chi phí doanh nghiệp tăng lên, lợi nhuận thì giảm đi", ông Cung nói.

Với các thủ tục về cấp phép dự án đầu tư, được quy định trong nhiều luật dẫn đến chồng chéo, trùng lắp, không rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau, và theo ông Cung đã "đẻ ra cơ chế xin cho trong cấp phép đầu tư".

"Trong cơ chế xin cho thì ngay ở khâu đầu tiên tiếp cận đất đai, nhiều doanh nghiệp có ý tưởng tốt chưa chắc đã xin được đất để thực hiện dự án đầu tư. Ngược lại, người xin được đất đai để thực hiện dự án đầu tư chưa chắc đã là người giỏi, kinh doanh tốt", ông Cung khẳng định.

Ông Cung đánh giá rằng nhóm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đang là nút thắt của môi trường đầu tư kinh doanh, cản trở việc huy động, giải ngân vốn đầu tư, nuôi dưỡng sáng tạo. Cản nhở những người kinh doanh tốt...

Điều này chẳng những không khơi mở được tiềm năng, theo ông Cung, mà ngược lại khuyến khích đầu cơ, khuyến khích nhà đầu tư đi tìm kiếm lợi nhuận từ địa tô, đất đai hơn là tìm kiếm lợi nhuận chính đáng.

Làm luật cần cách tiếp cận khác

Hiện có ít nhất 3 bộ liên quan trực tiếp đến các thủ tục cấp phép đầu tư là: Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường.

Theo ông Cung, vì cả ba cơ quan này ngang cấp nhau nên không ai có thể đứng ra chủ trì, điều phối, và quan trọng nhất là không muốn bỏ đi các quyền lợi, lợi ích của mình. Bằng chứng là "thế giằng co này giữa 3 bộ, ngành đã kéo dài gần 10 năm mà không sửa đổi được".

Chính vì thế, theo ông Cung, cần sửa cùng lúc 9 luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật thì mới gỡ vướng được.

Để làm được điều này cần một cơ quan trung lập, đủ trình độ, đủ thẩm quyền chỉ đạo ít nhất 3 bộ liên quan.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của các bộ, ngành trong sửa đổi cùng lúc 9 luật rất quan trọng.

"Đừng viết luật theo kiểu ai khai thế nào, hiểu thế nào, thực hiện sao cũng được. Cần quy định rõ ràng để doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư chỉ khai đúng nội dung mình cần', theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung.

Chẳng hạn, trong hoạt động cấp phép dự án đầu tư cần quy định rõ thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường cần thông tin gì, qua đó tích hợp lại, làm sao doanh nghiệp chỉ khai một sở, ngành, những các sở, ngành khác đều nắm được hồ sơ.

"Làm được như vậy thì việc sửa đổi các luật mới triệt tiêu cơ chế xin cho trong cấp phép đầu tư", ông Cung nói.

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề nghị chỉnh sửa 9 luật Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đề nghị chỉnh sửa 9 luật

TTO - Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã kiến nghị chỉnh sửa các quy định tại 9 luật và các văn bản hướng dẫn nhằm bãi bỏ 37 rào cản cho doanh nghiệp.


BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên