Chính sách là phải đi trước nhưng thực tế lại đang đi sau, vừa đi vừa mò thì DN rất khổ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ
Tại tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp" do báo Người Lao Động tổ chức ngày 13-12, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đã dùng hình ảnh trên khi nói về tình hình cung ứng vốn hiện nay cho doanh nghiệp (DN).
Vẫn mong sớm tiếp cận được vốn
Ông Trương Tiến Dũng, phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho rằng có thể thấy DN đói vốn, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỏa tốc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn luôn có độ trễ. DN mong muốn từ chỉ đạo này, các NH thương mại sớm nới room tín dụng để DN có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn, giúp DN vượt qua khó khăn. "Rất mong NHNN và các NH thương mại nhanh hơn, chia sẻ nhiều hơn cho DN", ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, kiến nghị cần thiết kế chính sách đi trước và phải nhanh để các định chế, trong đó có tài chính và NH đi theo. Chính sách là phải đi trước nhưng thực tế lại đang đi sau, vừa đi vừa mò thì DN rất khổ.
Kiểm soát rủi ro mạnh quá làm tắc nghẽn
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ - quốc gia, cho rằng lúc này phải cân bằng tốt hơn giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, vì nếu chặt hoặc lỏng quá đều không được.
"Chúng tôi đang kiến nghị với Chính phủ cân bằng lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời kiến nghị cân bằng rủi ro, vì thời gian qua có thể chúng ta kiểm soát rủi ro mạnh quá làm tắc nghẽn không đáng có trong bối cảnh kinh tế đang tăng trưởng", ông Lực nêu.
Ông Phạm Chí Quang - vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN - cũng nhìn nhận thực tế các kênh dẫn vốn và nguồn vốn đang nghẽn.
Theo ông, nguồn vốn quan trọng nhất của nền kinh tế là đầu tư công. Vài năm trở lại đây Chính phủ rất quyết liệt thúc đẩy đầu tư công nhưng kết quả giải ngân chậm khiến sự lan tỏa vốn ra nền kinh tế rất chậm, vòng quay tiền tệ của ngành NH cũng chậm theo.
"Phải có tiền để huy động, trong đó nhất là từ đầu tư công nhưng thời gian qua rất khó khăn. Các kênh dẫn vốn vào bể nước và ra khỏi bể nước để dẫn vào các ruộng đều đang khó. Từ đầu năm đến giờ, kênh dẫn vốn lớn nhất đang chảy ra nền kinh tế là kênh tín dụng NH.
Tín dụng tăng trưởng đến nay là trên 12%, mang lại gần 1,4 triệu tỉ đồng cho nền kinh tế trong năm nay. Nói để thấy vai trò của ngành NH trong thời gian qua là rất lớn cho sự phục hồi và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Dù vậy vẫn chưa đủ vì nhu cầu của DN là rất lớn", ông Quang nhìn nhận.
Theo ông Quang, vừa qua NHNN đã nới room tín dụng thêm 1,5-2% và chỉ còn khoảng ba tuần cuối tháng 12 để hệ thống NH có thể cung ứng ra nền kinh tế từ 3,5-4% tổng hạn mức tín dụng, tương đương 300.000 - 400.000 tỉ đồng và đây là thách thức rất lớn.
Trong bối cảnh này, NH thương mại cũng phải đốt đuốc tìm DN tốt chứ không thể hạ chuẩn, cho vay những DN đang lỗ.
* Ông Phạm Chí Quang (vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ):
Vốn không thiếu, cần ngồi lại với nhau
Ở Việt Nam luôn có khoảng cách giữa cung - cầu tín dụng và chúng tôi luôn muốn thu hẹp khoảng cách, tạo điều kiện để NH với DN có tiếng nói chung. Còn ngành NH khẳng định vốn tín dụng không thiếu.
Câu chuyện là giữa tổ chức tín dụng và DN phải làm sao ngồi lại, kết nối, tìm tiếng nói chung để nguồn vốn lan tỏa ra nền kinh tế.
Và NHNN thời gian qua cũng rất quan tâm hướng vốn tín dụng vào những lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế, trong đó có hoạt động xuất khẩu lãi suất chỉ 5,5%/năm và tất nhiên DN phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận