30/05/2022 09:05 GMT+7

Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030: 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành, phê duyệt

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội cho áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030: 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành, phê duyệt - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, ngày 30-5, Quốc hội dành trọn ngày để giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành. 

Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm

Trình bày báo cáo của đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết sau khi Luật quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định; các bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn. 

Đến nay công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật quy hoạch có 110 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh.

Một số bộ, ngành, địa phương đã có quyết tâm cao, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ nên đến nay có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư, kinh phí lập quy hoạch trong kế hoạch đầu tư công là 4.368 tỉ đồng, trong đó vốn của các bộ, ngành là 1.243,63 tỉ đồng, của 56 địa phương là 3.124,36 tỉ đồng. 

Số vốn đã giải ngân đến ngày 28-2-2022 của các bộ, ngành là 244,68 tỉ đồng (bằng 19,67%); các địa phương là 1.147,45 tỉ đồng (bằng 36,72%).

Tuy nhiên kết quả giám sát cho thấy tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và đến nay còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025. 

Do tiến độ lập quy hoạch theo Luật quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011-2020 vì vậy đang tồn tại song song, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch.

Về trách nhiệm, đoàn nhận định kết quả chưa được như kỳ vọng do công tác quy hoạch có nhiều nội dung mới và phức tạp, cơ quan trình (Chính phủ), cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch - đầu tư), cơ quan thẩm định (Bộ Tư pháp), cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế), các cơ quan phối hợp chưa lường hết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn dẫn đến Luật quy hoạch còn bất cập, vướng mắc khi triển khai trong thực tế. 

Đề nghị áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. 

Với các giải pháp cần triển khai ngay, đoàn giám sát kiến nghị cho phép Chính phủ, các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc được thực hiện khác với các luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật quy hoạch được sửa đổi, có hiệu lực thi hành.

Trong đó Chính phủ quy định rõ khái niệm và phương pháp tích hợp quy hoạch; quy định cụ thể về quy trình lập quy hoạch để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm bảo đảm phương pháp tích hợp quy hoạch trong lập quy hoạch.

Áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. 

Bên cạnh đó lập đồng thời các quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn) khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch; rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch.

Đồng thời cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để chi cho việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp này... 

Về giải pháp trong trung, dài hạn, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật quy hoạch và văn bản pháp luật có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật quy hoạch...

Luật quy hoạch gặp khó, nhiều dự án đang bị Luật quy hoạch gặp khó, nhiều dự án đang bị 'treo' do quy hoạch

TTO - Do việc lập quy hoạch theo Luật quy hoạch gặp khó khăn, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết gỡ vướng mắc.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên