17/09/2021 17:28 GMT+7

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho thuyền viên là vấn đề cấp bách

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Tại cuộc họp trực tuyến về tạo thuận lợi cho vận tải biển và dịch vụ logistics trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Giao thông vận tải ngày 17-9, nhiều ý kiến cho rằng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho thuyền viên là vấn đề cấp bách.

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho thuyền viên là vấn đề cấp bách - Ảnh 1.

Tàu chở container làm hàng ở cảng Tân Vũ, Hải Phòng - Ảnh: VIMC

Cụ thể, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) - cho biết doanh nghiệp này đang có 78 tàu biển hoạt động trong nước và quốc tế với khoảng 4.000 thuyền viên. Tuy nhiên, số sĩ quan, thủy thủ được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mới chỉ được 10%.

Trong khi đó, tàu biển có đặc thù là hoạt động dài ngày trên biển. Thuyền viên bị nhiễm COVID-19 khi tàu trên biển, chưa tiếp cận kịp cơ sở y tế trên bờ dẫn tới nguy cơ 1 người có thể lây lan cho toàn bộ thuyền viên trên tàu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi vận chuyển hàng hóa.

Do quy định phòng dịch của các địa phương nên việc thay thế thuyền viên gặp nhiều khó khăn. Quảng Ninh quy định người từ ngoại tỉnh vào phải có giấy xét nghiệm PCR còn hiệu lực, tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 khiến thuyền viên khó đến Quảng Ninh để lên tàu. 

Thuyền viên dự bị từ các tỉnh đến Hải Phòng để lên tàu thay thuyền viên vẫn phải cách ly 14 ngày mới được lên tàu dù không lưu trú tại Hải Phòng. Vì vậy, tàu phải phát sinh chi phí nằm chờ ở cảng 14 ngày.

Từ đó, các doanh nghiệp vận tải biển kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho các thuyền viên có giấy xét nghiệm PCR âm tính là có thể lên tàu.

Tại cuộc họp, ông Ngô Anh Tuấn - tổng thư ký Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải - cho biết tại TP.HCM có 250 đại lý hàng hải. Tuy nhiên, lượng giấy đi đường cấp cho nhân viên đại lý rất hạn chế, mỗi nơi chỉ có 1-2 người được cấp.

Do đó, việc thực hiện thủ tục cho tàu ra, vào cảng của đại lý gặp nhiều khó khăn, nhất là khi tàu vào cảng lúc nửa đêm. Ông Tuấn đề nghị các địa phương tăng cường cấp giấy đi đường cho nhân viên đại lý được ra đường ban đêm để làm thủ tục cho tàu thuyền.

Ông Hoàng Hồng Giang - phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - cho biết thống kê sơ bộ đã có hơn 4.200 thuyền viên được tiêm vắc xin tại khu vực cảng biển; 19.400 người làm việc tại cảng biển và gần 2.500 nhân viên hãng tàu, hoa tiêu, đại lý đã được tiêm vắc xin.

Ông Giang đề nghị các địa phương sớm có hướng dẫn đối với những người đã được tiêm vắc xin để việc vận chuyển hàng tại cảng biển được thuận lợi hơn, giảm chi phí phát sinh khi doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ".

Trước các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng tỉ lệ cấp giấy đi đường phải đạt mức 70-80% để đảm bảo đủ nhân lực tham gia khai thác tại khu vực cảng biển, chứ không thể chỉ ở mức 10-20% như hiện nay. Ông Thể đề nghị các địa phương xem xét lại vấn đề cấp giấy đi đường, đồng thời tạo điều kiện hơn nữa cho công tác thay thế thuyền viên, nhất là những người đã được tiêm vắc xin.

"Nếu cần thiết, địa phương có thể thành lập tổ công tác xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ lực lượng thuyền viên trước khi xuống tàu. Nếu không có cơ chế mở, tâm lý của thủy thủ sẽ chịu tác động rất lớn nếu phải ở trên tàu dài ngày, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa", Bộ trưởng Thể nói.

Hàng tồn tại cảng Cát Lái giảm vì doanh nghiệp khó đến làm thủ tục Hàng tồn tại cảng Cát Lái giảm vì doanh nghiệp khó đến làm thủ tục

TTO - Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics không thể ra cảng làm thủ tục do gặp khó về giấy đi đường, khiến hoạt động thông quan hàng hóa cũng bị chững lại.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên