17/08/2021 07:46 GMT+7

Tiềm lực tài chính của Taliban cỡ nào?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Sau 2 thập niên chiến đấu, Taliban đã giành được quyền kiểm soát Afghanistan nhờ một lực lượng thiện chiến với nguồn khí tài dồi dào, khác với hình ảnh của nhóm này vào những năm 1990.

Tiềm lực tài chính của Taliban cỡ nào? - Ảnh 1.

Phái đoàn của Taliban ăn mặc chỉnh tề đến Qatar để đàm phán ngày 12-8 - Ảnh: AFP

Chỉ 2 tháng sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan, lực lượng Taliban đã chiếm được phần lớn đất nước và chiếm được thủ đô Kabul ngày 15-8 trong sự ngỡ ngàng của Mỹ và các đồng minh. Trong 2 thập niên, liên quân đã chi hàng chục tỉ USD để xây dựng và huấn luyện 300.000 binh lính Afghanistan chống khủng bố.

Sự sụp đổ của Kabul không chỉ thể hiện sự thất bại chiến lược của Mỹ mà còn phản ánh sức mạnh đáng gờm của Taliban với khoảng 75.000 quân. Nó cũng đặt ra câu hỏi lực lượng này có nguồn lực tài chính đến đâu để tiến hành cuộc chiến trường kỳ như thế?

Thu nhập lên đến 1,6 tỉ USD mỗi năm 

"Các nguồn tài chính chính của Taliban vẫn là từ hoạt động tội phạm, bao gồm buôn bán ma túy và sản xuất thuốc phiện, tống tiền, bắt cóc đòi tiền chuộc, khai thác khoáng sản và thu thuế ở các khu vực nằm dưới sự kiểm soát hoặc ảnh hưởng của Taliban" - một báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào tháng 6-2021 nêu ra.

Báo cáo, dựa trên tổng hợp thông tin từ các thành viên LHQ, cho thấy lực lượng này cũng nhận tài trợ từ những cá nhân giàu có, mạng lưới các nhóm từ thiện phi chính phủ. "Dù không thể chắc chắn một cách chính xác, ước tính thu nhập hằng năm của Taliban là từ 300 triệu USD đến 1,6 tỉ USD" - báo cáo của LHQ cho biết.

Một báo cáo mật của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xác định thu nhập của Taliban trong tài khóa 2019-2020 là 1,6 tỉ USD, tương đương với 1/3 thu nhập của chính quyền Afghanistan.

Mullah Yaqood, con trai của Mullah Mohammad Omar - nhà sáng lập của Taliban, cũng từng thừa nhận thu nhập hằng năm của nhóm này là 1,6 tỉ USD (thời điểm tháng 3-2020).

Mức thu nhập này đã tăng gấp nhiều lần kể từ thống kê năm 2016 của tạp chí Forbes, lúc đó ước tính Taliban kiếm được 400 triệu USD mỗi năm. Mức thu nhập đó đã đủ giúp Taliban trở thành một trong 10 tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới theo thống kê của Forbes.

Đa dạng nguồn thu

Tiềm lực tài chính của Taliban cỡ nào? - Ảnh 2.

Lực lượng Taliban tuần tra trên đường phố Kabul, Afghanistan, ngày 16-8 - Ảnh: REUTERS

Cụ thể, Taliban được cho là thu được 464 triệu USD từ khai thác và đánh thuế khai thác các tài nguyên như dầu mỏ, khí đốt, đồng, vàng, sắt… Thuốc phiện cũng là nguồn thu nhập chính, đem về khoảng 416 triệu USD. Theo báo cáo năm 2020 của LHQ, Afghanistan cung cấp 84% lượng thuốc phiện toàn cầu và phần lớn lợi nhuận rơi vào túi Taliban.

Tiếp đó, Taliban nhận khoảng 240 triệu USD từ các nguồn tài trợ ở nước ngoài và 160 triệu USD tiền "thuế" tại những khu vực họ kiểm soát. Lực lượng này đánh "thuế" mọi ngành từ nông nghiệp, viễn thông cho đến phát triển dự án. Chúng cũng thu phí cả đường cao tốc.

Taliban rút được hàng triệu USD từ các hoạt động kinh tế của Afghanistan nhờ đánh thuế nhập khẩu ở các cửa ngõ biên giới mà chúng kiểm soát. Các báo cáo ước tính Taliban thu được 240 triệu USD từ xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính Afghanistan vào cuối tháng 7-2021 ước tính chính quyền Kabul đã thiệt hại 2,7 tỉ USD sau khi Taliban chiếm được 8 chốt kiểm soát quan trọng ở các đường biên giới với Pakistan, Iran, Turkmenistan và Tajikistan.

"Việc Taliban chiếm các cửa biên giới quan trọng có thể làm mất một lượng nguồn thu đáng kể từ hải quan của Chính phủ Afghanistan, hạn chế khả năng của chính phủ trong việc tạo nguồn thu hiệu quả trong nước" - báo cáo của Afghanistan viết.

Hiệu quả

Tiềm lực tài chính của Taliban cỡ nào? - Ảnh 3.

Các tay súng Taliban đứng gác trên một con đường ở Kabul ngày 16-8 - Ảnh: AFP

So với hàng tỉ USD mà Mỹ đã rót vào Afghanistan, lực lượng Taliban rõ ràng đã sử dụng nguồn tiền kiếm được theo cách hiệu quả hơn. Lực lượng này cũng không chi quá nhiều tiền để hoạt động.

"Họ không sống trong những ngôi nhà lớn, không ăn mặc sang trọng. Khoản chi lớn nhất là cho việc phát lương, vũ khí và huấn luyện" - chuyên gia Kamran Bokhari của Viện chính sách đối ngoại Newlines (Mỹ) nhận định.

Ngược lại, quân đội Afghanistan thời gian qua bị suy yếu vì tham nhũng và các vấn đề khác. "Họ luôn tự hỏi: Liệu tôi có muốn hy sinh cho một chính quyền không đưa vũ khí cho tôi? Chúng tôi không được trả lương nhiều tháng và hết thức ăn. Giờ thì người Mỹ cũng ra đi" - Robert Crews, chuyên gia về Afghanistan của Đại học Standord (Mỹ), nói với tờ Washington Post.

Taliban cũng không thiếu vũ khí. Không chỉ mua, được tặng, họ cũng đoạt lấy vũ khí chiến lợi phẩm. "Khi quân đội Afghanistan rút đi, động thái đầu tiên của Taliban khi tiến vào lãnh thổ mới là đi đến các trụ sở chính phủ, bắt giữ hoặc giết những người ở đó, mở cửa các nhà tù, và sau đó tiến tới các căn cứ của chính quyền và thu giữ vũ khí" - ông Crews cho biết.

Giải mã Taliban qua 10 cột mốc lịch sử Giải mã Taliban qua 10 cột mốc lịch sử

TTO - Lực lượng Taliban đã quay trở lại thủ đô Kabul sau gần 25 năm. Các tay súng Hồi giáo này là ai, có nguồn gốc lịch sử như thế nào và trong thời gian qua đã hoạt động như thế nào?

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Taliban Afghanistan Kabul