Có đến 400 máy bay riêng đến hội nghị này, trong đó có máy bay của các tỉ phú và doanh nhân, ước thải ra 13.000 tấn CO2. Thật ra các tỉ phú đi máy bay riêng cũng như mọi người chúng ta, người có điều kiện đi ôtô, số đông đi lại bằng xe máy, gọi chung là xe cá nhân.
Câu chuyện tỉ phú Jeff Bezos khá gần gũi khi Hà Nội và TP.HCM xới lại vấn đề hạn chế xe cá nhân để bảo vệ môi trường và giảm ùn tắc ở đô thị. Có người khi đọc bản tin về tỉ phú Mỹ nói "không dám xuống tay viết bình luận như mọi khi" vì mình cũng có gì đó "chưa ổn" giống ông ấy.
Chẳng phải "thấy sang bắt quàng làm họ" đâu. Ấy là mình ở TP.HCM đi đâu cũng xe máy, ôtô. Vì thế, dù đọc tin rồi bình luận cũng chẳng làm sứt mẻ uy tín ông tỉ phú, nhưng thôi, có hay gì hơn ông ấy đâu mà phê phán...!
Ngẫm lại, ông tỉ phú đi máy bay riêng đến hội nghị COP 26 cũng phải thôi, đó là đẳng cấp. Tỉ phú thì không thể bay thương mại, kể cả khi ngồi ghế VIP. Xã hội luôn nhìn tỉ phú phải gắn với máy bay riêng. Tương tự, người bình thường như chúng ta, đi xe cá nhân, không chỉ là thuận tiện, đôi khi cũng là "đẳng cấp".
Hẹn bạn cà phê, ông bước xuống từ ôtô sẽ khác với ông lóc cóc đi bộ đến quán từ trạm xe buýt hay rời yên xe ôm công nghệ. Khi ra về, ông lên ôtô, xe máy vù đi, còn ta ở lại chậm rãi đi đến trạm xe buýt trong nắng gắt hay mưa rào, cũng chạnh lòng lắm! Suy cho cùng, đó cũng là "đẳng cấp".
Bởi thế, bao năm nay, dù ai cũng ủng hộ bỏ xe cá nhân nhưng đều lập luận "muốn bỏ xe cá nhân, giao thông công cộng phải thuận tiện". Tức là phải có sự đánh đổi "thuận tiện của xe cá nhân" lấy "thuận tiện từ xe công cộng". Nhưng chuyện đánh đổi này chẳng bao giờ diễn ra sòng phẳng, sẽ mất, nếu chọn xe công cộng.
Chọn xe công cộng, người đó phải đi bộ, chờ xe nhiều hơn, đồng thời mất luôn "đẳng cấp" khi xuất hiện trước bạn bè với ôtô, con xe máy trăm triệu. Bỏ xe cá nhân, mất quá nhiều, khó ai chấp nhận.
Cũng có người nói giao thông công cộng thuận tiện, tôi bỏ xe cá nhân. Được vậy thì hay quá. Nhưng khổ nỗi, đầu tư hạ tầng giao thông toàn là tỉ đô, mất nhiều năm trời. Vì thế, chính quyền dù biết giao thông phải đi trước nhưng vẫn thận trọng khi đầu tư lớn cho giao thông công cộng, tránh làm ra chẳng ai đi.
Hiện người ta có xu hướng "làm khó" người đi xe cá nhân bằng nhiều cách (như thu phí), khi nhu cầu đi xe công cộng tăng, sẽ thêm tuyến, đầu xe. Tức đầu tư giao thông ở đô thị theo hướng có "cầu" sẽ đáp ứng "cung". Nhưng cầu có tăng đâu, mấy ai chịu bỏ xe cá nhân mà có xe buýt mới!?
Cứ thế, con gà hay quả trứng có trước, theo trường phái nào, muôn đời ai cũng đúng. Chỉ có giao thông là ngày càng tồi tệ hơn.
Bài học từ COP 26 cho thấy chỉ có hy sinh mới cứu được Trái đất. Đó là chấm dứt phá rừng, không phát triển thêm điện than, chuyển sang năng lượng tái tạo... Làm những việc này, đôi khi là cú sốc với một số nước. Nhưng không làm sẽ trả giá.
Tương tự, muốn cứu môi trường đô thị và nạn kẹt xe ở Hà Nội và TP.HCM, chúng ta phải hy sinh. Còn muốn thuận tiện của giao thông công cộng cũng như xe cá nhân, e rằng... khó!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận