Mục tiêu giảm 30% khí nhà kính
Quá trình cỏ lên men trong dạ cỏ của bò sản sinh ra khí methane, một loại khí nhà kính mạnh hơn gấp 28 lần so với CO2.
Bò thải ra khí methane thông qua việc ợ hơi và xì hơi. Mỗi con bò thải ra trung bình 90kg khí methane mỗi năm, đồng thời khí này cũng được giải phóng thông qua phân.
Chăn nuôi gia súc hiện chiếm khoảng 1/3 lượng khí methane có liên quan đến con người, cùng góp 30% gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Theo Đài CNN, để đối phó với tình trạng này, một số trang trại đã sử dụng các chất phụ gia thực phẩm để giúp giảm lượng khí methane sản sinh trong dạ dày bò.
Tuy nhiên phương pháp này cũng có những hạn chế như hiệu quả không đồng đều và cần phải bổ sung liên tục, do đó khó áp dụng với những con bò được thả rông.
Vắc xin được xem là một giải pháp thay thế. Viện Pirbright của Anh đang dẫn đầu một nghiên cứu kéo dài 3 năm để phát triển một loại vắc xin cho việc bò "thả bom".
Nghiên cứu này nhận được khoản tài trợ 9,4 triệu USD từ Quỹ Bezos Earth của tỉ phú Jeff Bezos, với sự tham gia của Trường Thú y Hoàng gia Anh cùng với phòng thí nghiệm đổi mới nông nghiệp AgResearch ở New Zealand.
"Trong kịch bản lý tưởng nhất, đây sẽ là vắc xin tiêm một lần và được tiêm sớm cho bê, mục tiêu là giảm tối thiểu 30% lượng khí methane thải ra", ông John Hammond, giám đốc nghiên cứu tại Viện Pirbright, cho biết.
Cần thời gian để chứng minh hiệu quả
Theo ông Hammond, các nhà khoa học đã nghiên cứu về ý tưởng vắc xin cho việc bò xì hơi trong hơn một thập kỷ nhưng chưa có kết quả cụ thể.
Để hoạt động, vắc xin cần sản sinh ra các kháng thể liên kết với vi khuẩn trong dạ cỏ sinh khí methane, và ngăn chặn quá trình này. Tuy nhiên, ông Hammond cho việc việc này rất phức tạp vì kháng thể thường không hoạt động hiệu quả trong dạ cỏ.
Dù các nhà nghiên cứu kỳ vọng vắc xin không ảnh hưởng đến sức khỏe của bò, nhưng điều này vẫn cần được chứng minh. Nếu vắc xin làm giảm khả năng hấp thụ thức ăn của dạ cỏ, bò có thể cần ăn nhiều hơn, làm tăng chi phí cho người nông dân.
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm giải quyết những câu hỏi nêu trên và kiểm tra tính khả thi để phát triển sản phẩm cuối cùng. Lợi thế lớn của vắc xin là có thể tiêm cho bê ngay sau sinh.
"Nếu xác định được phương pháp tiếp cận vắc xin phù hợp, chúng ta có thể tiêm vắc xin cho bò mẹ, giúp sản xuất kháng thể được truyền qua sữa non. Chúng ta có nhiều cách để tận dụng hệ miễn dịch tự nhiên của bò, nhưng tất cả vẫn cần được kiểm chứng", giáo sư Dirk Werling từ Trường Thú y Hoàng gia Anh cho biết.
Theo phó giáo sư Joseph McFadden từ Đại học Cornell - người không tham gia vào dự án, vắc xin giảm khí methane sẽ là "chén thánh" vì chỉ cần tiêm một lần là có thể cắt giảm khí methane do bò thải ra về lâu dài, dễ dàng áp dụng hơn so với các giải pháp khác. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần thời gian để chứng minh tính khả thi của vắc xin.
Vắc xin cũng là một trong số nhiều giải pháp khả thi cho vấn đề này, cùng với lai tạo chọn lọc, enzyme, chỉnh sửa gene của vi khuẩn tạo khí methane và phụ gia thức ăn.
Bên cạnh đó, ông McFadden cũng lưu ý rào cản về thông tin sai lệch và sự chấp nhận của người tiêu dùng để triển khai vắc xin thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận