27/12/2021 08:20 GMT+7

Thủy sản và giấc mộng lớn 9 tỉ USD

KHẮC TÂM - BỬU ĐẤU - MẬU TRƯỜNG
KHẮC TÂM - BỬU ĐẤU - MẬU TRƯỜNG

TTO - Nhiều ngành đang vui lớn với thành tích xuất khẩu năm 2021. Trong đó, những 'ông lớn' về ngành tôm, cá tra tại các tỉnh miền Tây đã đạt được những thành tựu đáng nể.

Thủy sản và giấc mộng lớn 9 tỉ USD - Ảnh 1.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Cà Mau - Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Họ đã tận dụng được cơ hội, vượt lên khó khăn của đại dịch. Các doanh nghiệp (DN) đang lên kế hoạch cho năm 2022 đầy triển vọng.

Vượt qua một năm đầy thử thách

Dịch COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp từ tháng 6-2021 khiến nhiều DN lao đao. Tại tỉnh Tiền Giang, Công ty cổ phần Gò Đàng chuyên chế biến thủy sản xuất khẩu phải sản xuất "3 tại chỗ". Công ty đã cắt giảm từ hơn 1.000 công nhân xuống còn 560 để đáp ứng phương án chống dịch của UBND tỉnh Tiền Giang.

Tuy vậy, công ty này vẫn có đến 180 ca nhiễm COVID-19 khiến dây chuyền sản xuất bị ngưng trệ. Cùng thời gian, nguyên liệu, chi phí nhân công và đặc biệt là dịch vụ logistics tăng giá chóng mặt. Trong đó, giá thuê container tăng gấp 2, 3 ngày thường.

Nhưng theo ông Nguyễn Văn Đạo - tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, kim ngạch xuất khẩu của công ty vẫn đạt khoảng 80 triệu USD. Ông Đạo cho biết thêm: "Năm 2022 công ty đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu lên 100 triệu USD. 

Để đạt được kế hoạch, Nhà nước cũng cần có nhiều hơn nữa các chính sách khuyến khích, đồng hành cùng DN. Đặc biệt là cần có những biện pháp để điều chỉnh giá thuê container nhằm giúp DN bớt áp lực về chi phí logistics".

Là chủ DN có bề dày và uy tín trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu tôm, ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta - cho biết chưa bao giờ các DN chế biến tôm gặp nhiều khó khăn như năm 2021. Dù vậy, năm vừa qua công ty vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu trên 210 triệu USD.

Theo ông Lực, trong cái nguy cũng có cơ hội. Dịch bệnh bùng phát tại những cường quốc tôm như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan... khiến khả năng cung ứng giảm, tạo điều kiện cho sản phẩm tôm Việt có cơ hội thâm nhập nhiều thị trường. 

"Các DN chủ động thích ứng nên chuỗi nuôi trồng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu không bị đứt gãy, đạt kim ngạch khá" - ông Lực nói.

Khả năng bóng mây dịch bệnh COVID-19 vẫn còn bao phủ, nhưng ông Lực dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm 2022 vẫn đầy triển vọng. "Nếu dịch bệnh COVID-19 không còn những biến thể nặng, mảng nhu cầu dịch vụ, gồm nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, du lịch... mở cửa trở lại, nhu cầu sẽ tăng trưởng tốt hơn" - ông Lực kỳ vọng.

Tuy nhiên, ông Lực vẫn cảnh báo còn nhiều thách thức, khó khăn cho mục tiêu đạt 9 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào năm 2022. Hiện các cường quốc nuôi tôm ở trạng thái phòng chống COVID-19 tốt hơn Việt Nam, trở lại trạng thái phục hồi nên sẽ có sự cạnh tranh rất quyết liệt.

Riêng nội tại, ông Lực cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý. Để tôm Việt lên kệ các hệ thống phân phối cao cấp và lớn tại thị trường nước ngoài, nuôi phải chuẩn mực, có đánh số cơ sở nuôi để truy xuất nguồn gốc. 

"Chúng ta chưa làm được. Muốn con tôm Việt được nâng tầm, Bộ NN&PTNT cần xúc tiến nhanh, hỗ trợ các địa phương làm tốt các nền tảng này" - ông Lực đề xuất.

Ngoài ra, ông Lực cho biết Việt Nam chưa có nhiều trang trại nuôi tôm quy mô tầm cỡ. Do vậy đề nghị Chính phủ phải có biện pháp khuyến khích đầu tư, cho chủ trương tích điền, tạo thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ nuôi và truy xuất sản phẩm.

Thủy sản và giấc mộng lớn 9 tỉ USD - Ảnh 2.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Cà Mau - Ảnh: NGUYỄN HÙNG

"Cởi trói" logistics để đạt 9 tỉ USD xuất khẩu thủy sản

Ông Đỗ Lập Nghiệp - phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt - cho biết doanh thu năm 2021 tăng từ 5-10% so với năm 2020. Dù đã hoạt động ngành hàng cá tra trở lại 100% công suất nhưng khó khăn là logistics, thiếu container rỗng trầm trọng nên bị ách tắc trong xuất khẩu.

"Cước thuê container tăng từ 3 đến 4 lần. Kế hoạch chúng tôi xuất khẩu trong tháng 1-2022 là 400 container nhưng giờ có tiền cũng chưa chắc thuê được container. Nếu trạng thái bình thường thuận lợi thì mục tiêu 9 tỉ USD có thể đạt được, nhưng hiện nay đang thiếu container rỗng và chi phí tăng cao nên DN rất khó thực hiện mục tiêu đó của Bộ Công thương đề ra" - ông Nghiệp lo lắng.

Còn ông Phan Văn Ninh - chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang - cho biết Bộ Công thương đưa ra mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỉ USD là bao gồm xuất khẩu cả nước ngọt và nước mặn. Hiện nay lượng cá xuất khẩu nước ngọt trong dân rất ít, chiếm chừng 20%, còn 80% cá nước ngọt là do DN tự nuôi hoặc nuôi có liên kết. 

"Tôi nghĩ rằng chúng ta đừng ham số lượng xuất khẩu lớn mà phải tập trung vào các thị trường xuất khẩu có giá cao, dù họ có yêu cầu khắt khe hơn nhưng nếu chúng ta làm được sẽ tăng giá trị xuất khẩu rất lớn. Có như vậy, DN Việt Nam mới đạt mục tiêu xuất khẩu 9 tỉ USD trong năm 2022" - ông Ninh nói.

Thủy sản và giấc mộng lớn 9 tỉ USD - Ảnh 3.

Đồ họa: N.KH.

"Điểm sáng" của Cà Mau

Theo Sở Công thương tỉnh Cà Mau, sản lượng tôm chế biến năm 2021 ước tăng 31% so với cùng kỳ 2020, xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) khoảng 1,02 tỉ USD, tăng trên 9% so với năm trước.

Tổng thư ký Hội Chế biến thủy sản xuất khẩu tỉnh Cà Mau Trần Hoàng Em cho biết mặc dù xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau chưa tăng trưởng như kỳ vọng, nhưng với kết quả đạt được như thế là một trong những điểm sáng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp như thời gian qua.

3826883 1(read-only)

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Huỳnh Thanh Tân - tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau - nhận định năm 2022 tình hình dịch COVID-19 có thể không căng thẳng như trước. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu tôm có thể phục hồi tốt hơn.

NGUYỄN HÙNG

Ông Nguyễn Hoài Nam (phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam):

Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong 3 tháng cuối năm, vì thế xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt trên 8,8 tỉ USD. Kết quả này trước hết nhờ Chính phủ ban hành kịp thời NQ128, chuyển sang sống chung an toàn với dịch.

Ngành thủy sản nhờ đó có điều kiện và cơ hội phục hồi sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã phục hồi nhanh chóng vào tháng 10-2021 ngay khi NQ128 có hiệu lực, đưa tổng kim ngạch 10 tháng năm 2021 đạt gần 7,1 tỉ USD. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm nay sẽ đạt trên 8,8 tỉ USD, tăng 3-5% so với năm 2020.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường quốc tế và các khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp diễn, Hiệp hội VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ NN&PTNT, nổi bật là các quy định về kiểm dịch đối với thủy sản nhập khẩu.

Hiện có trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đang nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam để dùng làm thực phẩm cho người đều chỉ áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các lô hàng sản phẩm thủy sản. Còn quy định của Việt Nam thì gọi là "kiểm dịch". Quy định này dẫn tới sự chồng chéo trong quản lý, không theo thông lệ quốc tế và tăng chi phí không đáng có cho doanh nghiệp.

Trần Mạnh

TS Nguyễn Đăng Nghĩa (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới):

Xuất khẩu tăng, đừng để nông dân khổ

Nông nghiệp năm 2021 tiếp tục trở thành bệ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong khi tăng trưởng của ngành ở mức khá cao, xuất khẩu tăng trưởng tốt thì đời sống của nhiều nông dân vẫn khó khăn. Vật tư, phân bón, chi phí đầu vào tăng quá mạnh. Thức ăn chăn nuôi tăng hàng chục lần. Nhưng đầu ra lại không tăng tương ứng, nhiều mặt hàng còn giảm giá như các sản phẩm chăn nuôi, lúa gạo, trái cây...

Để duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, tốc độ xuất khẩu của nông sản trong thời gian tới, việc hỗ trợ cho nông dân là rất cần thiết. Diễn biến vật tư đầu vào và giá cả đầu ra thời gian qua đang làm nản lòng nông dân, nhiều ngành hàng nông dân không dám đầu tư vụ mới.

Cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng, lãi suất cho nông dân đầu tư, chính sách bình ổn các loại phân bón, thức ăn chăn nuôi để nông dân yên tâm sản xuất.

Nông nghiệp vượt chỉ tiêu xuất khẩu 6 tỉ USD

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin như trên với Tuổi Trẻ và trao đổi về các mục tiêu, giải pháp trong năm tới.

Thủy sản và giấc mộng lớn 9 tỉ USD - Ảnh 8.

Công nhân chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sẽ phấn đấu hết sức quyết liệt để đạt được mục tiêu... Vì chúng ta biết rằng xuất khẩu nông sản là xuất khẩu của người dân. Còn xuất khẩu FDI dù lớn bao nhiêu, chúng ta chỉ có một phần trong đó.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN

* Ông có dự báo như thế nào về tiềm năng xuất khẩu ngành thủy sản trong năm 2022?

- Thủy sản Việt Nam năm 2021 đứng trước khó khăn rất lớn do dịch COVID-19 nhưng chúng ta đã vượt thách thức, xuất khẩu đạt 8,89 tỉ USD. Điều này góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu đạt 48,6 tỉ, vượt hơn 6 tỉ USD mục tiêu Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp.

Hướng xuất khẩu của thủy sản vẫn rất rõ vì chúng ta đã có chiến lược thủy sản và 10 đề án, trong đó có cả khai thác và nuôi. Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh ở tất cả các lát cắt, kể cả nuôi biển, nuôi nội đồng, khai thác để đạt mục tiêu xuất khẩu đạt 9 tỉ USD trong năm 2022.

* Ngành thủy sản sẽ giải bài toán thế nào trước thẻ vàng EC cũng như các rào cản kỹ thuật, nhất là từ thị trường Mỹ?

- Tổ chức Y tế thế giới dự báo năm 2022, dịch bệnh COVID-19 sẽ được khống chế. Nếu dịch bệnh ở châu Âu được khống chế một bước thì tốc độ tăng trưởng kinh tế châu Âu khoảng 5,4 đến 5,6%. Chúng ta phải thay đổi về chỉ đạo sản xuất cũng như thực hiện chính sách sao cho nhịp phát triển của ta như của họ.

Đồng thời, phải tập trung nguồn lực, các giải pháp đồng bộ để gỡ thẻ vàng EC giúp thủy sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu với sản lượng lớn, giá trị lớn hơn và ít phải làm thủ tục như họ quy định hiện nay là kiểm soát 100% lô hàng.

* Các thị trường ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn về an toàn thực phẩm. Ngành nông nghiệp sẽ làm gì để hàng Việt đáp ứng?

- Trước hết, phải thấy tái cơ cấu sẽ nâng cao giá trị gia tăng, do đó tái cơ cấu là nền tảng để đầu tư cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Các thị trường quan trọng Mỹ, Nhật Bản, EU, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều có quy chuẩn riêng. Nên các doanh nghiệp, trang trại, người nông dân phải hiểu rằng phải bán gì người ta cần chứ không phải bán cái gì ta có.

Hiện nay, sự bắt nhịp về thị trường của chúng ta rất nhanh, chính vì thế ta có giá trị xuất khẩu năm 2021 rất lớn. Tuy vậy, chúng ta không thể yên tâm những gì đã có, phải đủ năng lực để phản ứng với những yêu cầu của thị trường để duy trì đà tăng trưởng, duy trì giá trị xuất khẩu để Việt Nam trở thành cái bếp của thế giới.

* Chúng ta được hưởng ưu đãi từ 16 hiệp định FTA. Năm 2022 và sau đó, chúng ta cần làm gì để tận dụng tốt hơn những ưu đãi từ các FTA?

- Ngoài tái cơ cấu trên ba trục sản phẩm gồm sản phẩm quốc gia, sản phẩm từ chương trình mỗi xã một sản phẩm và sản phẩm vùng, chúng ta phải tập trung vào hạ tầng, khoa học công nghệ, chế biến... Tất cả những giải pháp này sẽ giúp chuyển nhanh từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp. 

Đồng thời, chuyển đổi số trong nông nghiệp là rất quan trọng vì mỗi thị trường nhập khẩu thủy sản nói riêng, nông sản nói chung đều phải truy xuất nguồn gốc, phải an toàn thực phẩm và phòng chống được dịch bệnh.

Ví dụ thị trường Trung Quốc đang thực hiện "zero COVID" còn chúng ta sống chung với dịch. Nên chúng ta phải thích ứng được tất cả các thị trường, đặc biệt thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

* Năm 2022, ngành thủy sản sẽ thực hiện chủ trương về giảm khai thác và tăng nuôi trồng thế nào?

- Để thực hiện Luật thủy sản, bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản xây dựng Chiến lược thủy sản và Thủ tướng đã phê duyệt với các mục tiêu đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Chúng tôi đã hoàn thành được 10 đề án trình Thủ tướng phê duyệt. 

Chúng ta đã thấy không gian hệ sinh thái của thủy sản. Vấn đề là tổ chức thực hiện. Khai thác, bảo tồn và nuôi trồng là ba trụ cột sẽ được tập trung làm mạnh.

Chí Tuệ thực hiện


Tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thế hệ mới

Nhiều ngành của Việt Nam đã tận dụng cơ hội vươn lên, tăng thị phần trong đại dịch.

Ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - cho biết 2021 là năm cực kỳ khó khăn, nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa, chi phí đều tăng mạnh, vận tải đường bay trước chỉ 4.000 - 4.500 USD/tấn, giờ 17.000 USD/tấn nhưng cũng không có chuyến.

"Trong bối cảnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may vẫn đạt gần 39 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2020, là sự nỗ lực rất lớn của ngành trong bối cảnh hàng loạt nhà máy bị đóng cửa trong 4 tháng tại các tỉnh phía Nam" - ông Giang nói và cho hay nhờ vào việc dệt may Việt Nam bắt đầu tận dụng được các lợi ích từ các FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Ông Giang cho hay dệt may đã triển khai giải pháp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, đặc biệt là các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc. Ông dẫn chứng năm nay số sản phẩm may mặc Việt Nam xuất khẩu khoảng 29 tỉ USD, sợi 5,6 tỉ USD, vải hơn 2 tỉ USD, phụ liệu hơn 2 tỉ USD... 

Trong đó, những doanh nghiệp làm hàng may mặc, làm thương mại bắt đầu có mối quan hệ để xuất khẩu vải vào các nước phát triển. "Như vậy thị trường bắt đầu có thay đổi và các nước bắt đầu cần vải của Việt Nam" - ông Giang chia sẻ.

Thủy sản và giấc mộng lớn 9 tỉ USD - Ảnh 10.

Công nhân Công ty may mặc Dony (quận Tân Bình, TP.HCM) may hàng xuất khẩu sang nhật Bản - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Vương Đức Anh - chánh văn phòng Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho hay thị phần Việt Nam đã đứng thứ 2 toàn thế giới, chỉ sau Trung Quốc khi chiếm 5,1% dù tổng cầu dệt may thế giới giảm sút.

Ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) - cho biết các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... đang được thực thi toàn diện và hiệu quả hơn, khi kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này đều đạt mức tăng trưởng cao bất chấp đại dịch. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA, như Canada và Mexico liên tục duy trì hai con số.

"Các FTA thế hệ mới đã cụ thể hóa định hướng đa dạng hóa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. 11 tháng năm 2021 đã có 33 thị trường xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỉ USD, 5 thị trường trên 10 tỉ USD, 10 thị trường trên 5 tỉ USD" - ông Hải nói.

Cùng với con số xuất khẩu tăng ấn tượng, ông Hải cho rằng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang dần đa dạng và phong phú hơn về chủng loại và mẫu mã, một số sản phẩm có thị phần lớn và vị thế cao. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt đang chú trọng hơn xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

NGỌC AN

Ông Trần Thanh Hải (phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương):

62,7 tỉ USD hàng hóa được hưởng ưu đãi

Xuất khẩu 11 tháng đã vượt mốc 301,7 tỉ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ có sản xuất, xuất khẩu phục hồi giúp cán cân thương mại lũy kế đảo chiều từ nhập siêu thành xuất siêu từ tháng 10.

Kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi theo FTA 11 tháng năm 2021 đạt xấp xỉ 62,7 tỉ USD, chiếm 33% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA.

Với việc chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, Hiệp định EVFTA đã tạo cú hích rất lớn cho xuất khẩu. Xuất khẩu trong 11 tháng năm 2021 sang EU đạt 36 tỉ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản... đã tận dụng ngay được ưu đãi thuế quan của Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.

Không chỉ đạt được giá trị thương mại xuất nhập khẩu hai chiều, hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam - EU cũng đã đạt được những kết quả khả quan.

Thoát hiểm ngoạn mục, xuất khẩu thủy sản về đích 8,9 tỉ USD Thoát hiểm ngoạn mục, xuất khẩu thủy sản về đích 8,9 tỉ USD

TTO - Dù có 4-5 tháng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, ngành thủy sản đã thoát hiểm ngoạn mục, xuất khẩu đạt 8,89 tỉ USD.

KHẮC TÂM - BỬU ĐẤU - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên