15/02/2018 09:07 GMT+7

Thủy quái có thật? - Kỳ 3: Những con 'quái' nổi tiếng châu Á

ĐỒNG LỘC
ĐỒNG LỘC

TTO - Hồ Kanas ở Tân Cương, Trung Quốc được cho là có thủy quái sinh sống. Nhật Bản cũng có hai cái hồ thu hút du khách vì tin đồn có thủy quái.

Hình ảnh "thủy quái" hồ Kanas được phát trên truyền hình Trung Quốc

"Thủy quái" vùng Tân Cương

Đầu tiên là con thủy quái ở hồ Thiên Hồ trên đỉnh núi Trường Bạch thuộc vùng biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Dân địa phương cho rằng nó xuất hiện lần đầu vào năm 1903, có hình dạng một con trăn rất lớn, cái cổ dài đến hơn 1m và cái đầu giống đầu người. 

Theo lời kể, nó đã xông lên từ dưới hồ để tấn công một nhóm cư dân, sau khi bị họ nã đến 6 phát đạn vào mình nó mới chịu rút lui xuống hồ và lặn mất tăm. 

Đến năm 1962, có một số người còn thấy nó thỉnh thoảng nổi lên mặt nước.

Thủy quái có thật? - Kỳ 3: Những con quái nổi tiếng châu Á - Ảnh 2.

Ảnh vẽ mô tả vè con thủy quái ở hồ Thiên Hồ có nhiều nét tương đồng với thuỷ quái Nessie hồ Loch Ness

Nổi tiếng hơn nữa là loài thủy quái ở hồ Kanas thuộc khu tự trị Tân Cương. Trong thập niên đầu thế kỷ 21, nhiều du khách đến tham quan nơi này đã chứng kiến thủy quái xuất hiện. 

Ngày 5-7-2007, một du khách đã quay được đoạn video về sự xuất hiện của một đàn 15 con vật rất lớn đang di chuyển với tốc độ cao làm mặt hồ nổi sóng trắng xóa. 

Đoạn video đã được đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát trong một bản tin đề cập về những con vật bí ẩn này.

Tháng 7-2010, tờ Nhân dân nhật báo bản điện tử đăng tải những bức ảnh "thủy quái" do một du khách tên Chu Hiểu Toàn bất ngờ chụp được trên hồ Kanas vào lúc 3h19 chiều ngày 2-7-2010. Con vật đang lặn dưới nước có chiều dài bằng chiếc du thuyền gần đó.

Giáo sư Viên Quốc Anh thuộc Viện bảo vệ môi trường Tân Cương là người đã bắt đầu theo dõi dấu vết của những con vật lạ này từ năm 1980. Có một lần ông nhìn thấy khoảng 50 sinh vật to lớn. 

Theo miêu tả của vị giáo sư này, chúng giống những con nòng nọc khổng lồ màu nâu đỏ, chiều dài mỗi con chừng 10-15m.

Tuy vậy, cũng có những ý kiến hoài nghi cho rằng đây chỉ là những con cá hồi hucho taimen, một loài cá có kích thước khá lớn sống ở hồ này.

Thủy quái có thật? - Kỳ 3: Những con quái nổi tiếng châu Á - Ảnh 3.

Một con vật lớn được cho là thủy quái hồ Kanas, có thân hình to bằng chiếc du thuyền được người dân tình cờ chụp lại - Ảnh: ChinaDaily

Thủy quái có thật? - Kỳ 3: Những con quái nổi tiếng châu Á - Ảnh 4.

Một số người cho rằng thủy quái hồ Kanas chỉ là loài cá hucho taimen sống lâu năm - Ảnh: ChinaDaily

"Thủy quái" xứ anh đào

Nhật Bản cũng có hai cái hồ thu hút rất nhiều du khách vì lời đồn có thủy quái sinh sống.

Ở hồ Kussharo trên đảo Hokkaido có con thủy quái được đặt tên là Kusshii. Theo lời kể của những người đã thấy nó xuất hiện, Kusshii dài khoảng 10-20m, có các bướu trên lưng, cổ rất dài, đầu có cặp sừng.

Có nhân chứng kể rằng nó có thể bơi nhanh như thuyền có gắn động cơ. Vụ chứng kiến Kusshii xuất hiện nổi tiếng nhất là vào năm 1973 của một nhóm gồm 40 nhà sinh vật học Nhật. Năm 1974, có 15 trường hợp người ta thấy nó xuất hiện trên hồ.

Thủy quái có thật? - Kỳ 3: Những con quái nổi tiếng châu Á - Ảnh 5.

Hồ Kussharo (Nhật) nổi tiếng vì có con thủy quái Kusshi - Ảnh: PinkTentacle

Thủy quái có thật? - Kỳ 3: Những con quái nổi tiếng châu Á - Ảnh 6.

Ảnh chụp thủy quái Kusshii và mô hình giới thiệu về nó - Ảnh: PinkTentacle

Còn hồ Ikeda trên đảo Kyushu thì có con thủy quái Issii. Trước đây chưa ai biết đến sự hiện diện của nó. Nhưng tháng 9-1978, có đến 20 người kể lại rằng họ đã thấy một con vật to lớn bơi với vận tốc rất nhanh dưới nước. 

Theo mô tả của các nhân chứng, nó có màu đen, trên lưng có cái bướu to. Tin này đã thu hút đông đảo du khách cũng như giới nghiên cứu kéo đến nơi đây.

 Đã có một số bức ảnh và đoạn video được cho là sự xuất hiện của Issii, nhưng không đủ thuyết phục để chứng minh rằng Issii có thật.

Có một số giả thuyết cho rằng có thể Issii và Kushii thuộc giống Xà đầu long Plesiosaur thời tiền sử còn sót lại, giống như hai con thuỷ quái Champ ở Mỹ và Nessie ở Scotland, hoặc có thể là một giống lươn khổng lồ chưa ai biết. 

Thủy quái có thật? - Kỳ 3: Những con quái nổi tiếng châu Á - Ảnh 7.

Ảnh chụp thủy quái Isshii và mô hình giới thiệu về nó - Ảnh: PinkTentacle

Phần lớn các nhà khoa học Nhật thì không tin vào sự tồn tại của một loài thủy quái ở hồ Ikeda, họ cho rằng đó chỉ là những cơn sóng cuộn xuất hiện một cách bất thường do những cơn gió mạnh trên mặt hồ gây ra.

Nhưng sau đó có một sự việc mà đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng. Năm 1961, quân đội Mỹ đóng ở Nhật mở cuộc tìm kiếm một chiến chiến đấu cơ của họ cho là đã bị rơi ở vùng hồ này. 

Lực lượng cứu hộ Mỹ đã dùng máy định vị thủy âm (sonar) để rà quét đáy hồ, kết quả cho thấy có một vật thể hình dạng giống tảng đá lớn đang di chuyển khá nhanh dưới đáy.

Những con vật khổng lồ bí ẩn ở Thái Lan, Indonesia

Hình ảnh con vật được cho là thủy quái Phaya Nak

Ở Thái Lan thì có con thủy quái có hình dạng rắn được đặt tên Phaya Nak thường xuất hiện ở hồ Bueng Khong Long, tỉnh Bueng Kang. 

Năm 2013, trong một lễ hội trên sông Mekong ở Thái Lan, nhiều cư dân đã nhìn thấy một con vật giống rắn nhưng rất to bơi lội giữa sông. Nhiều người đã quay được video, những đoạn video này sau đó được phát trên các đài truyền hình ở Thái Lan.

Thủy quái có thật? - Kỳ 3: Những con quái nổi tiếng châu Á - Ảnh 9.

Tấm ảnh chụp thủy quái Bauna ở Borneo, Indonesia - Ảnh: LiveScience

Xứ vạn đảo Indonesia thì có truyền thuyết về Nabau, một con rắn khổng lồ dài đến 30m, đầu giống như đầu rồng và có đến 7 lỗ mũi. Nabau được cho là thường xuất hiện trên khu vực sông Baleh thuộc đảo Borneo vào thời xa xưa, nhưng đã rất lâu không ai nhìn thấy nó. 

Năm 2009, một toán quan trắc tình hình nước lũ trong khi bay bằng trực thăng trên con sông đã tình cờ chụp được bức ảnh về một con vật rất lớn đang bơi giữa sông. Cư dân địa phương nhất mực cho rằng đó là Nabau đã trở về. 

Bức ảnh đã gây nên những tranh cãi về việc là ảnh thực hay nguỵ tạo bằng phần mềm Photoshop, đến nay vẫn chưa có kết luận. 

Sự việc nổi tiếng đến mức tờ báo uy tín là New Strait Times của Malaysia cũng đăng tải về vụ việc, song tờ báo không đưa ra bình luận mà đề nghị bạn đọc tự nhận định lấy.

Trong kỳ tới, chúng ta sẽ xem giới khoa học thế giới và công chúng nhận định thế nào về thủy quái, liệu chúng có thật không hay chỉ là huyền thoại?

ĐỒNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên