23/12/2012 17:45 GMT+7

Thủy điện Sơn La khánh thành vượt tiến độ 3 năm

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTO - Sáng 23-12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức khánh thành công trình thủy điện Sơn La (sáu tổ máy, tổng công suất lên tới 2.400 MW - lớn nhất Việt Nam, hơn cả Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận).

Thủy điện hơn 60.000 tỉ đồng trước ngày khánh thành

lZIjPbOa.jpgPhóng to

Nhà máy thủy điện Sơn La là công trình thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh: TRỊNH HỮU LONG

Bắt đầu khởi công và ngăn sông đợt 1 ngày 2-12-2005, thủy điện Sơn La khánh thành sớm ba năm so với nghị quyết của Quốc hội, cung cấp sớm hơn cho nền kinh tế quốc dân 12,5 tỉ kWh điện năng.

Lý do vượt tiến độ, theo ông Hoàng Quốc Vượng - chủ tịch EVN, thông thường sau khi được phê duyệt, các công trình thủy điện thường mất khoảng hai năm chuẩn bị cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông trong công trường, hệ thống cấp điện, cấp nước phục vụ thi công, thông tin liên lạc, giải phóng mặt bằng, xây dựng lán trại, phụ trợ… nhưng với ý chí rút ngắn tiến độ, EVN và tổng thầu - Tổng công ty Sông Đà - đã đề xuất Chính phủ giải pháp “chuẩn bị hạ tầng trước khi có quyết định đầu tư và phê duyệt thiết kế, kết hợp việc khởi công với ngăn sông”. Đây là cách làm chưa có tiền lệ ở các công trình thủy điện.

Dự án thủy điện Sơn La với công suất lắp đặt 2.400MW (sáu tổ máy, mỗi tổ máy 400MW) là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Đà (sau thủy điện Lai Châu và là bậc trên của thủy điện Hòa Bình). Công trình chính thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, Sơn La.

Hồ chứa nước thuộc một số xã, huyện của tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Nhiệm vụ chính của dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình hằng năm 10,246 tỉ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc bộ.

Vì vậy đến ngày khởi công, thủy điện Sơn La đã có 125km đường giao thông, hai cầu bêtông bắc qua sông Đà, gần 200km đường dây tải điện 110-220kV, gần 60.000m2 nhà ở cho khoảng 6.000 công nhân cùng hàng loạt công trình dẫn dòng, đê quai thượng lưu và hạ lưu… được hoàn thành. Công tác di dân, giải phóng mặt bằng công trường đã được địa phương tích cực thực hiện.

Ngoài ra, với đập thủy điện dài gần 1km, bề rộng đáy đập 120m và chiều cao đến 138m, khối lượng bêtông cả công trình lên tới gần 5 triệu m3, theo ông Vượng, nếu không áp dụng công nghệ thi công đầm lăn thì phải mất gần chục năm mới hoàn thành.

Là công trình quan trọng đặc biệt nên thủy điện Sơn La đã mời các nhà tư vấn hàng đầu nước ngoài tham gia hỗ trợ thiết kế, giám sát, đánh giá chất lượng công trình như Công ty Colenco (Thụy Sĩ), Nippon Koei, J-Power (Nhật Bản), Viện Nghiên cứu thiết kế thủy công Matxcơva (Nga).

Chủ đầu tư đã thường xuyên báo cáo và mời Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng tổ chức kiểm tra, nghiệm thu suốt quá trình thực hiện dự án.

Tại phiên họp ngày 20-12-2012, căn cứ đề nghị của hội đồng nghiệm thu cấp chủ đầu tư, căn cứ kết quả hoàn thành các hạng mục công trình, đánh giá của tư vấn thiết kế và tư vấn độc lập nước ngoài về ổn định, an toàn đập, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đã ký biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình thủy điện Sơn La.

Dù đến ngày 23-12 mới khánh thành nhưng theo EVN, đến nay sáu tổ máy đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia gần 13 tỉ kWh điện. Tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc hoàn thành công trình cũng như những cố gắng của chủ đầu tư, nhà thầu, các cơ quan liên quan... Thủ tướng đã trực tiếp công bố khánh thành công trình thủy điện Sơn La.

Theo EVN, với công suất 2.400MW - chiếm gần 10% tổng công suất hệ thống điện hiện nay, thủy điện Sơn La sẽ góp phần quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu điện năng trong những năm sắp tới.

Những kỷ lục của công trình thủy điện Sơn La:

- Tổng khối lượng đào đắp đất đá các loại tại công trình này lên đến trên 14,6 triệu m3

- Tổng khối lượng bêtông các loại cho nhà máy lên đến gần 5 triệu m3

- Tổng khối lượng các thiết bị lắp đặt tại công trình thủy điện Sơn La lên đến trên 72.000 tấn...

- Diện tích lưu vực: 43.760 km2

- Dung tích hồ chứa: 9,26 tỉ m3

Các mốc chính của dự án:

+ Khởi công và ngăn sông đợt 1: ngày 2-12-2005

+ Ngăn sông đợt 2: ngày 23-12-2008

+ Ngăn sông đợt 3 và tích nước: ngày 15-5-2010

+ Phát điện tổ máy 1: ngày 17-12-2010

+ Phát điện tổ máy 2: ngày 20-4-2011

+ Phát điện tổ máy 3: ngày 23-8-2011

+ Phát điện tổ máy 4: ngày 19-12-2011

+ Phát điện tổ máy 5: ngày 28-4-2012

+ Phát điện tổ máy 6: ngày 26-9-2012

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên