14/11/2021 09:39 GMT+7

'Thương vụ phụ đạo'

HÀ BÌNH
HÀ BÌNH

TTO - Thực tế cũng có nhiều câu chuyện dạy thêm méo mó được ví như những "thương vụ phụ đạo". Đó là chuyện "găm bài", "gợi ý trong bắt buộc", bóng gió gần xa với phụ huynh để học sinh đến lớp dạy thêm của mình. Học thêm sẽ có điểm cao và ngược lại.

Thương vụ phụ đạo - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Mỗi lần nhắc lại, chuyện dạy thêm học thêm vẫn nóng. Khi trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Nguyễn Kim Sơn thể hiện rõ quan điểm "nếu giáo viên bớt nội dung, dạy trước nội dung theo quy định, dạy cho các nhóm riêng biệt..." thì "cấm trên các phương diện đó". 

Chưa kể, trong điều kiện dạy trực tuyến căng thẳng, giáo viên nào "theo tính chất như vậy thì đó là điều chúng ta lên án".

Từ xa xưa đã có dạy kèm, rồi nhà trường tổ chức dạy phụ đạo cho những học sinh chưa vững kiến thức. Chẳng ai phiền hà về dạy kèm hay dạy - học phụ đạo. 

Sau này cũng hình thức ấy, người ta hay gọi là dạy thêm - học thêm, cũng nhằm giúp học sinh nâng cao kiến thức, kỹ năng với những môn học cần cải thiện. 

Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, học sinh cũng có em giỏi, em yếu. Những em muốn nâng cao bài học, có nhu cầu củng cố kiến thức cũng là nhu cầu chính đáng.

Thế rồi cuộc sống đẩy đưa, dạy thêm - học thêm đã trở thành vấn đề "nóng" mà ngành giáo dục và cả xã hội chưa tìm được cách hóa giải, đưa nó trở lại nhẹ nhàng, cần thiết, nhân văn như vài chục năm trước.

Có vẻ một bộ phận dạy học thêm - học thêm đã bị méo mó, xã hội nhìn việc dạy thêm ở góc độ kinh tế nhiều hơn là lợi ích cho người học.

Thực tế cũng có nhiều câu chuyện dạy thêm méo mó được ví như những "thương vụ phụ đạo". Đó là chuyện "găm bài", "gợi ý trong bắt buộc", bóng gió gần xa với phụ huynh để học sinh đến lớp dạy thêm của mình. Học thêm sẽ có điểm cao và ngược lại. 

Học sinh "đến nhà thầy cô" luyện những dạng bài tương đương với đề kiểm tra, thi học kỳ và điểm cao là tất yếu! Rồi không ít phụ huynh không muốn con mình thua kém, phải có "bảng vàng" thành tích, thế là ngỏ ý mời cô thầy cho cháu học thêm...

Những chuyện méo mó như thế một thời gian dài đã khiến dư luận có cái nhìn thiếu thiện cảm về dạy thêm. Những lời xì xầm giáo viên dạy thêm "tháng cả trăm triệu", hay khi con vào sư phạm, phụ huynh thoáng nghĩ là môn ấy có dạy thêm được hay không cũng từ những "thương vụ" như thế.

Tuy không phải là tất cả, nhưng đồng lương ít ỏi khiến giáo viên bị cơm áo gạo tiền "làm cho điêu đứng". Để xoay xở cuộc sống, có người cắn răng mở lớp dạy thêm với nỗi lo sẽ "bị bắt quả tang". Cũng có giáo viên dù phụ huynh tìm đến nhà nhưng cương quyết nói không với dạy thêm mà đi bán hàng online kiếm sống.

Thực lòng sau giờ dạy, ai chẳng muốn được nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình, chăm chút thêm cho giáo án, bài giảng hôm sau. 

Chẳng ai muốn phải bóng gió với phụ huynh "con anh chị cần phải củng cố chỗ này, kiến thức kia". Chẳng ai muốn nhận những lời dị nghị thiên vị, ưu ái hay "đì" học sinh vì chuyện học thêm và chịu ấn tượng không tốt về "ông thầy này bà cô kia" của học sinh.

Dạy thêm học thêm không phải là nên hay không nên, vì đó là nhu cầu chính đáng để học sinh nâng cao kiến thức. Nhưng những "thương vụ phụ đạo" phải được lên án, loại trừ. 

Muốn vậy phải dọn dẹp, uốn nắn, bớt đi những "méo mó" trong dạy thêm, học thêm. Nhưng có lẽ việc đó là một chặng đường dài, chỉ phê phán, lên án hay riêng ngành giáo dục hành động, e rằng khi có dịp nhắc lại, chuyện dạy thêm - học thêm lại... nóng.

'Tôi bỏ nghề vì liên quan mở lớp dạy thêm'

TTO - Năm 2017, một biến cố rất lớn xảy ra khiến bản thân tôi dằn vặt đau đớn suốt thời gian dài. Câu chuyện bắt đầu từ lớp dạy thêm môn văn cho vài em học trò trong lớp tôi đang giảng dạy.

HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên