Một buổi học thêm tại nhà giáo viên của học sinh một lớp tiểu học ở quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thời gian đứng trên bục giảng trường đại học của tôi đã hơn 15 năm. Tôi nhận thấy việc dạy và học thêm không hoàn toàn là tiêu cực. Thời phổ thông, tôi đã đi học thêm ba môn toán, lý, hóa khi bắt đầu vào học cấp III. Tôi đã đậu hai trường đại học với hai đợt thi viết trực tiếp từ những ngày tháng đạp xe đạp, dùi mài học thêm ấy.
Tuy nhiên, với những lớp học tiểu học và THCS, tôi chỉ học trên phương diện vui học các môn như ngoại ngữ, văn học. Từ quá trình học tập của mình và tình hình học tập ngày nay của các bạn trẻ, tôi cho rằng các học sinh tiểu học, THCS đang phải học quá nhiều môn. Các em phải đi học thêm từ tinh mơ đến tối khuya, cặp táp đeo gù cả lưng, mắt đeo kính vài độ...
Nhiều môn học thật sự không cần thiết nhưng chương trình vẫn dàn trải, yêu cầu các giáo viên phổ thông dạy cho đủ tiết. Từ việc học quá nhiều môn, học sinh không được vui chơi, không được rèn luyện về đạo đức, kỹ năng sống. Tôi lo lắng rồi xã hội tương lai chỉ toàn là "gà công nghiệp", lừ đừ, chậm chạp, đầy lý thuyết suông, không đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Chương trình học phổ thông và đại học trong những năm gần đây đang được cải tiến, đổi mới như tinh gọn, tích hợp các môn học, bỏ bớt các môn không cần thiết, đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng phát triển năng lực, trải nghiệm, ứng dụng được vào thực tế. Định hướng này đã được đưa ra từ nhiều năm trước và giờ vẫn đang triển khai với tốc độ chậm chạp. Lý do sâu xa là do nhận thức và quyết tâm của nhà quản lý giáo dục, người dạy, cả về kinh phí để triển khai.
Việc dạy và học thêm thật sự được hoan nghênh khi người học tự nguyện đi học, học vì yêu thích chứ không phải học vì điểm số, vì nể nang giáo viên. Một giáo viên giỏi, năng lực sư phạm tốt nếu chỉ giảng dạy trong phạm vi nhà trường thì thật đáng tiếc và phí phạm cho xã hội.
Bên cạnh đó, việc dạy thêm giúp giáo viên có thêm thu nhập, giúp nhà trường nhẹ gánh vì phải phụ đạo học sinh yếu kém, giúp nhà nước giữ chân được những giáo viên có tâm huyết, yêu thích giảng dạy.
Tuy nhiên, dạy và học thêm chưa nên đưa vào thành ngành nghề kinh doanh. Vì hai lý do sau đây:
Thứ nhất, nếu quy định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh thì sẽ bó buộc người dạy rất nhiều. Người dạy phải hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh, phải đầu tư quy mô về phòng ốc... Như thế, người dạy đạt đủ điều kiện mở lớp dạy thêm sẽ ít đi, trong khi đó chưa đảm bảo sẽ tăng được chất lượng dạy học.
Thứ hai, giáo dục thật ra là sự nghiệp trồng người. Con người không bao giờ được xem như một sản phẩm hàng hóa nên việc đưa dạy thêm thành ngành nghề kinh doanh chính thức thì không hay. Giáo dục hiện nay cần chú ý đến lợi ích kinh tế thì đúng nhưng không tốt khi triển khai một cách rành mạch như ngành nghề kinh doanh.
Quan điểm của bạn như thế nào về việc dạy thêm, học thêm? Vui lòng gởi ý kiến của bạn về giaoduc@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận