Ứng dụng ra đời xuất phát từ thời điểm vợ chồng anh Phạm Ngọc Thắng - người sáng lập Mamibabi - lần đầu lên chức bố mẹ. Vợ chồng trẻ rối bời trước rừng thông tin trên mạng về thai giáo, nuôi dạy con mà "đọc xong không biết bắt đầu làm sao".
Ứng dụng có đến 5.000 hoạt động
Mamibabi có thể nói là một trong những ứng dụng dành cho mẹ và bé hiếm hoi tại Việt Nam có ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo).
Với sự hỗ trợ từ chuyên gia và công nghệ AI, ứng dụng chia sẻ nhiều kiến thức về thai giáo, chăm sóc thai kỳ và nuôi dạy con khoa học. App hiện cung cấp hơn 5.000 hoạt động giáo dục và phát triển từ giai đoạn thai kỳ đến khi trẻ 6 tuổi.
Gần 5 năm trước, nhiều lần thấy vợ loay hoay vì lần đầu tiếp xúc với thai giáo, chăm sóc thai kỳ, anh Thắng ước giá có ứng dụng trên điện thoại sẵn có theo dõi được thông tin từng tuần thai hay mỗi tuần cần chú ý gì, ăn gì, làm gì… sẽ tốt biết mấy.
Trăn trở đó như động lực để start-up Mamibabi ra đời. Mục đích ban đầu là giúp vợ đỡ phải lên mạng mỗi ngày tìm nhạc, tìm truyện đọc cho con nghe.
Khi được phân phối miễn phí trên App Store và Google Play đã nhanh chóng đạt con số 50.000 người dùng chỉ sau vài tháng.
Tuy vậy, quá trình bắt đầu chẳng dễ dàng. Xuất thân dân IT, Thắng chưa từng làm video hay xuất hiện trước ống kính. Chưa kể có biết kiến thức chăm sóc thai kỳ là gì đâu.
Thời điểm cân nhắc việc bắt đầu kênh YouTube cũng là lúc đại dịch COVID-19 ập đến. Công ty gặp khó khăn buộc phải bước ra khỏi vùng an toàn, thử sức lĩnh vực mới. Và Mamibabi ra đời.
Tuy vậy, kết quả ban đầu của kênh Mamibabi khá èo uột, có video chỉ vài view. Dù chán nản nhưng Thắng cũng tìm hiểu nguyên nhân, áp dụng một số thủ thuật song tình hình vẫn không mấy khả quan.
"Phát triển nội dung và người dùng là hai thách thức lớn nhất. Đặc biệt khi chưa có doanh thu ổn định cũng là cơ hội để thay đổi cách tiếp cận, điều chỉnh chiến lược và tìm giải pháp mới", anh Thắng chia sẻ.
Cả trăm bố mẹ trẻ dùng app mỗi ngày
Điều đầu tiên Thắng nhận ra cần tập trung khi sản xuất video chính là nội dung phải hữu ích và có cơ sở khoa học. Nhờ kênh YouTube với gần 3 triệu lượt xem, app Mamibi hiện có khoảng 200.000 người sử dụng.
Mở rộng thị trường quốc tế
Chia sẻ về định hướng sắp tới, anh Thắng cho hay sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ AI để cung cấp các giải pháp nuôi dạy con tối ưu và cá nhân hóa hơn nữa.
Ngoài ra, anh cũng muốn mở rộng mô hình doanh thu mới, bao gồm các gói dịch vụ tư vấn cao cấp, cung cấp khóa học chuyên sâu, hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
"Sau khi đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, Mamibabi sẽ mở rộng ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước Đông Nam Á có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và nhu cầu nuôi dạy con thông qua việc cung cấp chương trình với ngôn ngữ phù hợp cho từng thị trường", anh Thắng thông tin.
Anh Thắng hào hứng khoe: "Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2 triệu mẹ bầu mới. Mỗi ngày, Mamibabi chào đón hàng trăm bé ra đời nhờ việc bố mẹ sử dụng app chăm sóc cho các hoạt động mang thai cũng như nuôi dạy bé sau khi sinh. Đây thực sự là niềm khích lệ rất lớn để tụi mình liên tục tạo ra các sản phẩm mới".
So với các ứng dụng khác, Mamibabi có khác biệt nhờ tập trung tích hợp AI để cá nhân hóa nội dung cho từng giai đoạn phát triển của trẻ và nhu cầu của mẹ. Người dùng không chỉ học các kiến thức về chăm sóc con cái mà còn được tư vấn 1:1 từ chuyên gia.
Không dừng ở ứng dụng điện thoại, Mamibabi còn phát triển hệ sinh thái đa dạng các kênh gồm: app điện thoại, website, sách, kênh YouTube, TikTok, podcast.
"Tất cả với mục đích giúp các ông bố, bà mẹ trẻ dễ dàng tiếp cận kiến thức tưởng chừng rất khô khan, phức tạp nhưng cực kỳ thú vị trong lĩnh vực mẹ và bé", anh Thắng nói.
Các cuốn sách Rủ chồng thai giáo, Bỏ bỉm thần tốc được Mamibabi xuất bản trong những năm qua thường xuyên dẫn đầu trong bảng xếp hạng sách bán chạy về mảng làm cha mẹ.
Cuối năm 2023, Mamibabi được chọn tham gia chương trình Google For Startups và gia nhập mạng lưới METUB. Với anh Thắng, đây là một sự ghi nhận lớn cho những nỗ lực của cả nhóm trong nhiều năm qua.
Coffee Talk của Tuổi Trẻ Start-up Award 2024: Cách chấm giải đặc biệt
Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 do báo Tuổi Trẻ và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
Hội đồng thẩm định sẽ tiếp xúc và kết nối với start-up qua hình thức chấm giải đặc biệt Coffee Talk. Những start-up sáng giá sẽ được vinh danh trong gala dự kiến tổ chức vào tháng 11-2024.
Ngoài chia sẻ câu chuyện trên mặt báo, các dự án khởi nghiệp tham dự chương trình có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được truyền thông, quảng bá hình ảnh đến cộng đồng.
Top 20 start-up được chọn vào chung kết sẽ được hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, Ngân hàng ACB, Volvo, KN Group, Dai-ichi Life Việt Nam, An Hòa, Faslink, Ecco Golf Vietnam, Tín Nghĩa...
Trong đó giải đặc biệt (100 triệu đồng) từ ban cố vấn chương trình là ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch PRO Vietnam.
Chương trình đang nhận hồ sơ tham gia của các dự án đến ngày 20-10 tại email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn, hoặc truy cập chuyên trang Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 để nhận form đăng ký và gửi bài tham dự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận