06/05/2018 10:53 GMT+7

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: chiến thắng lớn thứ 2 của ông Trump

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Theo nhà phân tích người Mỹ Alex Lockie, những bước tiến nhảy vọt gần đây trong vấn đề Triều Tiên là chiến thắng ngoạn mục thứ hai của Tổng thống Donald Trump trong tư cách một chính trị gia "tay mơ".

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: chiến thắng lớn thứ 2 của ông Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump có thể vừa ghi một chiến thắng trong vấn đề Triều Tiên - Ảnh: AFP

Sau 1 năm nằm bên bờ vực chiến tranh với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump bỗng một ngày đưa thế giới hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: khả năng một cuộc hội đàm vô tiền khoáng hậu với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, hi vọng cho nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên...

Nói thẳng ra, sự thay đổi trong thái độ của Bình Nhưỡng đối với Mỹ có thể xem là cú ngoặt "gây choáng" nhất trong làng chính trị kể từ khi ông Trump vượt qua mọi điều tiếng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Đến giờ này, Triều Tiên liên tục hứa sẽ phi hạt nhân hóa và còn mời Mỹ cùng Hàn Quốc đến quan sát. Bình Nhưỡng thậm chí không yêu cầu Mỹ làm gì để đổi lại, ngoại trừ lời hứa không xâm lược.

Khi một quan chức Nhà Trắng kêu gọi Bình Nhưỡng thả tù nhân Mỹ để chứng minh "lòng thành", vài ngày sau tin cho hay ông Kim đã đồng ý chuyện đó.

Những diễn biến mới nhất tuy chỉ là lời nói và kế hoạch nhưng đã là một chiến thắng lớn cho mục tiêu ông Trump theo đuổi: hòa bình và phi hạt nhân hóa.

Bởi thế mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In khen ông Trump đã có công đầu trong việc tạo ra bầu không khí cần thiết cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: chiến thắng lớn thứ 2 của ông Trump - Ảnh 2.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 3-2018 - Ảnh: REUTERS/KCNA

Mọi cái đầu đang xoay

Theo giới quan sát, cuộc gặp bất ngờ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Kim chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Trump nhận lời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên cho thấy Bắc Kinh có thể đang cố chen chân vô để giành phần.

Ai cũng biết Trung Quốc muốn quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc. Sự hiện diện của 30.000 binh sĩ Mỹ gần biên giới khiến Bắc Kinh có cảm giác Washington đang "trấn" họ.

Các radar của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ở Hàn Quốc có thể theo dõi mọi động tĩnh sâu trong lãnh thổ Trung Quốc, vốn Bắc Kinh cho là mối đe dọa nếu nổ ra chiến tranh hạt nhân.

Nhưng cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều không yêu cầu Mỹ rời bán đảo Triều Tiên. Thật ra, nếu Bình Nhưỡng nghiêm túc trong chuyện phi hạt nhân hóa, hiện diện quân sự của Mỹ hoặc Liên Hiệp Quốc có thể còn tiến gần hơn biên giới Trung Quốc trên vĩ tuyến 38.

Nhật Bản cũng đang cuống cuồng vận động một cuộc gặp với ông Kim Jong Un, dù đến giờ này chưa thành công. Tokyo đang tính kế gặp riêng Hàn Quốc và Trung Quốc để vận động cho lợi ích của mình trong bối cảnh các bên đang nắm tay nhau chạy mà không thèm chờ Nhật.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: chiến thắng lớn thứ 2 của ông Trump - Ảnh 3.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên - Ảnh: REUTERS/KCNA

Hi vọng và cảnh báo

Phải thừa nhận chính sách Triều Tiên của ông Trump đang diễn ra suôn sẻ, nhưng nhiều lần thất hứa của Bình Nhưỡng trước đây khiến các bên giữ thái độ dè chừng. Những cái bắt tay, nụ cười và lời hứa không thể đảm bảo điều gì trong thế giới chính trị.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy, chuyên gia về Triều Tiên Jeffrey Lewis nhận định "lạc quan về Triều Tiên sẽ giết chết tất cả chúng ta", ngụ ý nói chiến tranh có thể nổ ra nếu đàm phán Mỹ - Triều đổ vỡ.

Nó phản ánh sự thận trọng của giới chuyên gia.

Dù sao, nếu Triều Tiên nghiêm túc với cam kết ngừng thử hạt nhân và tên lửa (chưa nói đến giải giáp vũ khí hủy diệt), họ có thể theo đuổi một mối quan hệ khác với láng giềng và các cựu thù - những nước giờ đây không còn phải phản ứng trước các bản tin đáng sợ về các vụ thử vũ khí.

Chỉ bấy nhiêu thôi đã là chiến thắng lớn cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Ai dám nghĩ ông đạt được kết quả tích cực đó với một cách tiếp cận "quái dị" như vậy?

Hiển nhiên, lời hứa của Triều Tiên không thể nào khiến nguy cơ chiến tranh biến mất, nhưng trong một thế giới bất ổn như hiện nay, khi mà chiến tranh có thể nổ ra bất cứ khi nào, như vậy cũng đã là quý.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên