15/09/2019 09:48 GMT+7

'Thương con cho roi cho vọt' là ngụy biện cho sự bất lực?

VŨ THỊ HUYỀN TRANG
VŨ THỊ HUYỀN TRANG

TTO - Tôi nắm lấy bàn tay bé nhỏ của con. Con gái tôi líu lo nói đủ thứ chuyện, như đã quên đi trận đòn cách đây vài phút.

Thương con cho roi cho vọt là ngụy biện cho sự bất lực? - Ảnh 1.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Những âu yếm vỗ về sau đó có thể sẽ xoa dịu cơn đau của con nhưng chẳng thể nào xóa đi những vết hằn trong tâm trí. Giống như tôi đến tận bây giờ vẫn nhớ như in cảnh bố bẻ bụi mua khô đầu nhà vụt vào chân mình lúc bé, hay cái tát của mẹ năm tôi mười tuổi. Đòn roi giống như một cái dằm, thỉnh thoảng lại nhức nhối trong ký ức.

Chồng tôi lấy đá chườm lên những lằn roi còn hằn trên da thịt non nớt của con. Vừa chườm, chồng tôi vừa dạy con: "Lần sau không được bướng, bố mẹ nói phải nghe. Lần sau còn lì lợm là bố đánh đau hơn nữa".

Con gái nhỏ thủ thỉ chỉ vào bụng mẹ bảo: "Sau này em ra đời, lúc em khóc con mang gấu bông ra dỗ em. Con sẽ không đánh em đâu, vì con thấy chân tay em bé nhỏ lắm". 

Câu nói của con khiến tôi trào nước mắt. Trong lời nói thơ ngây như có sự trách hờn bậc làm cha làm mẹ đã không biết thương xót con mình. Con nói xong khẽ thở dài rồi thiêm thiếp chìm vào giấc ngủ.

Tôi nhìn con mà ân hận ngập lòng. Đây không phải là lần đầu tiên hai vợ chồng đánh con. Cũng không phải lần đầu tiên tôi trải qua cảm giác ân hận khi nhìn lằn roi hằn trên cơ thể con. Mỗi lần tôi đều tự hứa sau này sẽ cố gắng giữ bình tĩnh, không dùng roi vọt với con. 

Nhưng rồi mỗi khi con bé bướng bỉnh gào khóc dai dẳng tôi lại không kiềm chế được bản thân. Máu nóng trào lên đầu, tôi như kẻ điên loạn lao vào đánh con tới tấp.

Với con gái tôi, khái niệm thời gian luôn là "vừa nãy" và "hôm qua". Có những chuyện đã xảy ra vài ngày, vài tháng nhưng với con vẫn chỉ là ngày hôm qua. Như lúc đi qua khu vui chơi con sẽ bất chợt nhớ ra: "Hôm qua bố mẹ cho con đi chơi nhà bóng. Cả nhà mình thật vui". 

Lúc chạy chơi ngoài cánh đồng sau nhà, con khoe với chúng bạn: "Hôm qua bố tớ mới làm diều cho tớ thả". Lúc nghe bài hát "Nhong nhong nhong" vọng ra từ cửa hàng ven đường, con sẽ nói: "Mẹ nhớ không, hôm qua bố đã dạy con hát bài này. Bố còn làm ngựa cho con cưỡi trên lưng. Hai bố con cùng ngã lăn đùng. Con cười nhiều bị trớ sữa đầy ra áo". 

Và cũng có hôm lúc đang cùng bố mẹ xem một bộ phim nào đó có cảnh trẻ con bị ngược đãi, con mếu máo bảo: "Hôm qua mẹ đánh con hằn hết cả chân".

Có hôm lúc đang tắm, con chỉ vào vết tím ở chân ngẩng lên hỏi: "Ai làm con đau ở đây hở mẹ?". Câu hỏi ấy khiến tôi sững người. "Là mẹ. Mẹ xin lỗi". 

Con cười thơ ngây bảo: "Tại con hư ấy mà. Con không nghe lời mẹ nên mẹ đánh". Không phải người làm cha làm mẹ nào khi nghe con nói vậy đều vui. Bởi nếu vui vì đòn roi có tác dụng răn đe con cái thật đúng là hạ sách.

"Thương cho roi cho vọt" phải chăng là sự ngụy biện của người lớn đang bất lực trong cách dạy con? Hoặc cũng có khi đó là sự "lười biếng" của cha mẹ khi không chịu dành thời gian cho những giải pháp tốt hơn nên cứ tiện tay đánh con không màng hậu quả?

Trí óc non nớt của con bắt đầu biết lưu giữ những kỷ niệm đầu tiên của cuộc đời. Tôi thật sự không muốn sau này ký ức đòn roi còn làm đau con như mới vừa "hôm qua" quất vào da thịt. Bởi cuộc sống có biết bao điều thú vị đáng để con lưu giữ. 

Những khoảnh khắc hạnh phúc, giây phút vui vẻ quây quần bao giờ cũng tốt đẹp hơn một vết sẹo của những lằn roi để lại. Tôi ôm đứa con bé bỏng vào lòng nằm trằn trọc mãi không thể nào ngủ được vì câu hỏi "ai làm con đau hở mẹ?".

Cớ sao đau buồn mà không mở lòng đón duyên mới, duyên lành? Cớ sao đau buồn mà không mở lòng đón duyên mới, duyên lành?

TTO - Có ai phải chịu đựng sự phản bội, trải qua đổ vỡ trong hôn nhân mà không đau lòng? Người đắm chìm trong quá khứ, người khóc than, không biết làm thế nào để bước qua nỗi đau.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên