31/12/2015 12:43 GMT+7

Đánh con chỗ đông người là cha mẹ bất lực?

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN
LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN

TTO - “Sử dụng đòn roi để dạy dỗ con cái không phải là biện pháp chủ yếu trong thời buổi hiện nay. Thậm chí, nó đã lỗi thời và điều này thể hiện sự bất lực của cha mẹ”.

Ảnh chụp lại từ clip

Trên đây là chia sẻ của bạn đọc Lê Phạm Phương Lan (Đồng Nai) về cách giáo dục con cái trong thời buổi Internet, sau khi trên mạng xuất hiện cảnh một người mẹ bắt gặp con vẫn còn nguyên bộ đồng phục học sinh ở trong tiệm Internet nên đã liên tục tát vào mặt con, gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Để góp thêm một góc nhìn khác, xin giới thiệu bài viết này.

"Đoạn clip ngắn với nội dung là một người mẹ đã liên tục tát vào mặt con khi bắt gặp con vẫn còn nguyên bộ đồng phục học sinh ở trong tiệm Internet đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau trong comment. Có ý kiến đồng tình và thông cảm với người mẹ. Có ý kiến thì cho rằng tát vào mặt con giữa chốn đông người này là phản tác dụng. Thậm chí, điều này thể hiện sự bất lực của bậc cha mẹ bởi sau đó cậu học trò đó sẽ tìm cách phản kháng hoặc gây nên những hậu quả khó lường.

Đánh con là để dạy con

Những người theo ý kiến này cho rằng: Trong những trường hợp nhất định thì đòn roi cũng có thể là biện pháp giáo dục cần thiết. Có một số phụ huynh chia sẻ rằng: “Nhờ trận đòn của cha, mẹ mà con của họ có những chuyển biến rõ rệt, từ một đứa trẻ hay tùy tiện, chống đối trở nên ngoan ngoãn và tự giác”.

Con của chị tôi là một trường hợp điển hình. Khi học lớp 3 cháu thường xuyên đánh bạn cùng lớp, luôn bị cô giáo phê bình, nhắc nhở.

Vốn là đứa bé được nuông chiều từ nhỏ, muốn gì anh chị đều đáp ứng. Một hôm cháu đánh bạn cùng lớp chảy máu nên bị cha mẹ bạn đến nhà góp ý thẳng thắn. Không kiềm chế được, chị tôi đã cho thằng bé một trận đòn nên thân.

Sau lần đó, thằng bé không còn dám bắt nạt bạn bè trong lớp và ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, cũng không dám đòi hỏi.

Nhiều trường hợp khi trẻ bị cha mẹ dùng biện pháp mạnh cũng có những chuyển biến rõ rệt, nhất là sự chuyển biến về hành vi. Không ít những người trong chúng ta đã từng bị cha mẹ đánh đòn. Chuyện đánh vào mông tím bầm, bạt tai, thậm chí trói vào cột nhà… không phải là hiếm. Nhưng có thể nói rằng chính từ những trận đòn này chúng ta bỏ được thói hư tật xấu.

Từ xưa thời phong kiến, chuyện dạy con bằng đòn roi cũng là một biện pháp phổ biến mà trẻ phải tuyệt đối vâng lời cha mẹ, ông bà; học sinh vâng lời thầy cô.

Đánh con dù hoàn cảnh nào cũng không tốt

Những người đồng tình với ý kiến này thì lập luận: Bạo lực dù mức độ nào luôn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hình thành và phát triển nhân cách, hạn chế cuộc sống bình thường và tương lai của giới trẻ.

Đặc biệt đối với độ tuổi chưa thực sự trưởng thành về mặt xã hội thì đó là một vấn đề nghiêm trọng dễ ảnh hưởng nhất đến nhân cách, nhất là tuổi vị thành niên.

Theo các chuyên gia tâm lý thì những hành vi bạo lực trong cách ứng xử của cha mẹ sẽ gây nên những chấn thương tinh thần to lớn, đôi khi kéo dài suốt cuộc đời.

Đặc biệt, lứa tuổi vị thành niên, lứa tuổi bồng bột, dễ vỡ, nông nổi, nếu luôn phải hứng chịu bạo lực thì dễ nảy sinh các hành vi tiêu cực, trẻ thường cảm thấy bị tổn thương nhất là giữa chốn đông người, giữa đám bạn bè cùng lớp hay trong hoàn cảnh trẻ được mọi người cổ vũ, tung hô… Bị người khác đánh đập, chửi mắng là một sự khủng khiếp.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng nếu như cha mẹ đối xử với con mình theo kiểu “thương cho roi cho vọt” thì trẻ càng có nguy cơ theo khuynh hướng bạo lực sau này.

Linh hoạt và khéo léo

Theo chúng tôi thì không có biện pháp giáo dục nào là tuyệt đối. Song, các bậc phụ huynh nên tùy vào các trường hợp cụ thể mà lựa chọn biện pháp sao cho phù hợp. Chẳng hạn trẻ dưới 10 tuổi có thể dùng hình phạt bằng cách phết vào mông nhưng cũng nên chỉ hạn hữu.

Đối với lứa tuổi thiếu niên và bước vào giai đoạn trưởng thành thì tuyệt đối không sử dụng bằng biện pháp này vì ở lứa tuổi đó các em đã có thể biết phán xét, đánh giá cũng như chịu ảnh hưởng lớn của đời sống tình cảm, sự phân biệt rạch ròi giữa yêu và ghét, thù hận… sẽ để lại dấu ấn rõ rệt sau này, vì thế phụ huynh chúng ta chỉ nên dùng biện pháp giáo dục thuyết phục là hợp lý.

Như vậy, có thể nói trong việc giáo dục con cái cha mẹ cũng nên vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể mà lựa chọn biện pháp. Sử dụng đòn roi không phải là biện pháp chủ yếu mà giáo dục thuyết phục mới thực sự mang lại hiệu quả trong cả quá trình phát triển của con trẻ.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng: vết hằn trong tâm, trơ lì, liều lĩnh, bạo lực và thậm chí là chém giết thường là hậu quả bởi những vết thương tinh thần và thể xác trong cuộc sống gia đình.

Cha mẹ hãy đồng hành trong mỗi bước trưởng thành của con trẻ, sẵn sàng giúp đỡ, uốn nắn, sửa chữa kịp thời. Đừng để đến lúc người lớn phải dùng đòn roi thì đó không phải là sự lựa chọn tốt nhất. Nỗi đau về thể xác có thể chóng khỏi nhưng “vết đen tâm hồn” có thể ảnh hưởng suốt cuộc đời con người.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên